Đêm lũ mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nước đã dâng lên đến nửa tầng một của Đồn Biên phòng Cửa Phá. Lúc này, những người dân chạy lụt đã lên hết tầng hai. Họ đứng ngồi ở cầu thang, trong phòng làm việc và tràn ra cả hành lang. Thỉnh thoảng tôi lại thấy một con trâu bơi nhấp nhô, một con chó lóp ngóp trên mặt nước hoặc một vài con gà chết nổi, trôi trên eo Hà Duân. Chốc chốc lại một cái mủng con của dân táp vô, một cái bè chuối chở vài người ướt sũng, mặt tái mét về đồn.  

Phá Tam Giang mênh mông, ngờm ngợp.

Ôi trời ơi! Thương em anh chẳng dám vô. Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Khi bình thường, phá Tam Giang đã là nỗi lo sợ, ám ảnh rồi. Còn khi lũ lụt thì sự lo sợ kinh hoàng còn gấp biết bao lần. Câu ca xưa cũ ấy thoáng trong đầu làm tôi rờn rợn. Chẳng dám men theo bờ phá Tam Giang, tôi bơi mủng theo con đường rải đá mạt liên huyện. Con đường mà mọi ngày ô tô qua lại bụi mù trời thì lúc này xuồng cao tốc có thể xé nước lao trên đó được.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Thôi rồi, mủng ơi. Nước xoáy mạnh quá, một chóp mái nhà tôn thò cả rui mè ra lao vào đâm thủng luôn cái mủng của tôi. Cái mủng chao nghiêng dạt ngay vào bụi tre bên đường. Không bơi được nữa, một tay tôi bịt lỗ thủng, một tay tát nước. Cũng không ổn, tôi phải xé luôn cái áo vo lại nhét vào lỗ thủng, nhưng nước vẫn vào. Tôi hốt hoảng, hai tay lóng ngóng như người sắp chết rét. Còn mắt thì cố ngóng ra chung quanh cầu cứu.

Một cái mủng. Thật rồi! Tôi đã thấy một cái mủng đang bơi ngang qua chỗ tôi. Người đàn ông vừa gạt  nước mưa ở mặt vừa chèo.

- Giúp tôi vớ… với!- Tôi la to.

Người đàn ông ấy vẫn im lặng, ghì gẫm bơi mủng. Tiếng tôi la chìm vào gió mưa, dường như chẳng có nghĩa lý gì với anh ta. Tôi lại gào muốn đứt họng:

- Tôi bị kẹt ở đâ…ây.. đây... Mủng của tôi bị thủ... thủng...

Lần này thì người đàn ông đứng dậy ghìm chèo. Anh ta gầy, cao lênh khênh. Dưới chân anh ta là một buồng chuối xanh và mấy con gà chết. Cái mủng đã dừng lại. Anh ta cố ghìm bai chèo cho mủng khỏi trôi. Tôi mừng quá gọi anh ta đến lạc cả giọng. Nhưng anh ta đã ngập ngừng nửa muốn đến chỗ tôi, nửa lại muốn bơi đi. Nếu vậy thì tôi sẽ nguy khốn mất.

- Còn nhiều người cũng bị kẹt như anh. Tui vớt sao hết được. Anh thông cảm cho tui.- Anh ta nói, giọng rất lạnh lùng, rồi bơi mủng đi.

- Đừng... giúp tôi. Tôi đi cấp cứu người-tôi rướn cổ to lên- “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Anh biết không?

Người đàn ông gầy, cao lênh khênh đứng trên mủng, chắp tay xá, miệng cứ kêu: “Xin xá tội. Đừng oán tui...”. Rồi anh ta bơi mủng đi. Cái mủng con và anh ta cứ khuất dần, nhòe dần vào những chóp nhà và lùm cây phập phều trong nước đục. Tôi bất lực và thất vọng, nước mắt ứa ra, hòa lẫn nước mưa lăn xuống miệng mằn mặn.

Mưa cứ rơi cheo chéo như vãi hạt xuống đầm phá mang mang, rờn rợn. Dòng nước lũ như lại xoáy mạnh hơn làm bụi tre nghiêng ngả dưới nước đục. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình hoảng sợ, trơ trọi, cô đơn đến như vậy. Một mình tôi, một túi cứu thương, một cái mủng rò nước trong lúc cuối chiều lũ mưa hoang vắng. Tôi nghĩ đến lúc cái mủng cứ chìm dần, chìm dần. Tôi sẽ bấu, bám vào một hai cây tre đang cong mình dưới nước. Và lạy trời lũ ác đừng cuốn cả bụi tre đi. Bất chợt tôi nhớ đến con, đến vợ. Năm ni mưa dữ. Lũ từ núi cao, đồi trọc tràn qua Huế, về Phú Vang rồi đổ ra phá Tam Giang, ra cửa biển Thuận An. Lũ tràn qua nhà tôi trước. Vợ con tôi bị lũ lụt trước cả tôi. Vợ tôi bán hàng ở chợ Đông Ba. Con sáu tuổi một buổi đi học, một buổi khóa cửa nhốt ở nhà. Vợ tôi có kịp chạy về nhà đưa con lên sân thượng không. Một vài anh em ở đồn cũng hoàn cảnh như tôi. Biết vậy mà không thể lội lũ mưa về với vợ con được. Ở dưới này dân đang cần chúng tôi. Thôi đành đi cứu người, lại có người khác đi cứu vợ con của mình. Vậy mà giờ tôi bị kẹt lại đây. Tôi có làm sao thì uổng quá. Vợ con tôi có làm sao thì... Tôi rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Thôi, cầu trời cho hai mẹ con được bình yên. Tôi khắc khoải chờ đồng đội tôi đến, dù biết rằng số phận mình đang rất mong manh.

Cái mủng chìm nghỉm. Túi quân y khoác chéo ngực, tôi kịp bám vào bụi tre. Những cây tre cong mình nghiêng ngả chống chọi với lũ mưa. Gai tre chọc, khể vào tay, vào người tôi chảy máu. Tôi giật mình co tay lại thì chạm phải cái dây leo loằng ngoằng. Không phải dây leo mà một con rắn. Không phải một con rắn mà 8, 9 con đang quấn trên ngọn tre, tay tre. Một con quấn nửa mình phía đuôi, còn nửa mình phía đầu thì nguềnh ngoàng với đến chỗ tôi. Hai mắt nó mở thao láo nhìn, lưỡi đen chẻ hai nhánh thia lia. Nhưng chúng không phóng sang chỗ tôi, không trườn đến chỗ tôi để cắn. Có lẽ chúng bị mưa lũ đập cho mệt mỏi, rã rời rồi, không đủ sức đuổi cắn kẻ đã chiếm chỗ. Cũng có thể, chúng thấy tôi không đáng sợ và tôi cũng đang nguy khốn như chúng nên cho nương nhờ.

Lại có một cái mủng to trong làn mưa trắng mờ đang trôi về phía tôi. Mừng rồi, tôi phấp phỏng hy vọng. Không thấy người trên đó, có lẽ nào mủng trống không? Mắt tôi nhòe nhoẹt nước mưa. Trời ơi! Tôi đã lóa mắt nhìn nhầm. Không phải cái mủng mà là một con trâu đen to kềnh chết nổi và một đàn vịt 5, 6 con đậu trên mình nó, đang trôi ngang qua chỗ tôi. Con trâu chết thì đã hết kiếp của nó rồi. Còn đàn vịt chưa chết nhưng lũ lụt cũng đã đập tơi bời, lấy mất hồn vía của chúng. Đàn vịt lặng im, vô cảm, không nhúc nhích, chẳng kêu. Sao lúc đó tôi thèm nghe một vài tiếng kêu cạc... cạc... của chúng. Tiếng vịt kêu sẽ làm cho lòng tôi bớt hoang vắng và sợ hãi. Tiếng vịt kêu sẽ báo cho tôi biết trong cơn đại hồng thủy này vẫn còn sự sống và hy vọng. Nhưng tịnh như không, chỉ có gió mưa và lũ lụt.

Cuộc đời hình như cũng không đến nỗi quá ưu ái với người này và bất công với người khác. Tôi đã gào lên xuýt phát xỉu khi thấy cái xuồng cao tốc màu đỏ của Đồn Biên phòng đang còn thấp thoáng trong mưa trắng mù mịt từ xa...     

- Trời ơi! Sao lại ở đây?-Đại úy Đồn phó kêu lên.

Cái xuồng dừng lại hẳn, mấy cánh tay chìa ra thì tôi chẳng cần gì phải gồng mình gắng gượng nữa. Tôi đã mềm oặt người ngả hẳn vào vòng tay của đồng đội.  

Đại úy hỏi tôi dồn dập, cơn cớ nào mà đến nông nỗi này. Tôi bảo:

- Một ca đẻ khó ở xóm Mới. Em bơi mủng đến đây thì bị chìm. Chẳng biết giờ họ ra sao mà trời sắp tối rồi.

Xuồng nhằm hướng xóm Mới lao đi.

Mọi cảm xúc, suy nghĩ cứ ào ạt đến với tôi. Không biết đồng đội có nghĩ như tôi không mà cứ lặng lẽ đội mưa, thay nhau cầm lái cho con xuồng lao về phía xóm Mới. Tôi cứ miên man nghĩ cho đến khi cái xuồng cao tốc lao phải một chóp mái nhà tranh đang trôi, tôi mới giật mình. Chàng lính trẻ lái xuồng loay hoay gỡ rơm rạ quấn vào chân vịt. Tôi đã thấy cái mủng và người đàn ông lúc trước từ chối giúp tôi, đang bơi gấp gáp trong màn mưa giăng giăng. Quả thực, tự nhiên lúc ấy tôi muốn xuồng lao qua trước mặt anh ta. Làm cho sóng to lên để cho mủng anh ta chìm thì dứt khoát không, mà tôi muốn cho anh ta nhìn thấy tôi được người khác cứu, tôi đang sống như thế nào. Nhưng tôi đã không làm vậy, vì ở phía trước đang có nhiều việc cần hơn. Đã gần tới nơi rồi. Con xuồng lại lao đi.

Trời đã xâm xẩm tối. Xóm Mới chìm trong lũ lụt. Nhà thấp nước đã chấm mái tranh, nhà ngói cao nước cũng sắp ngập hết cửa sổ. Một vài cái mái bằng có nhiều người đang đứng, ngồi lố nhố trên đó. Một vài cái mủng đen di động xa xa trên mặt nước. Thỉnh thoảng lại một đống rạ lừ lừ trôi đi. Lũ lụt đã xóa hết dấu vết địa hình của làng xã. Chỉ còn mái nhà và ngọn cây xập xòa trong nước. Thỉnh thoảng ánh đèn pin, đèn bão lập lòe, nhấp nháy, loang loáng trên nóc nhà, sân thượng trong màn mưa giăng giăng. Những người sơ tán thì đã đi rồi. Người chạy lên nóc nhà, sân thượng thì cũng đã lên rồi. Còn ai đang kẹt trong nhà nữa? Trời đã tối, nước vẫn dâng cao, biết đâu mà lần. Xuồng giảm tốc độ, lách trên mặt nước theo các ngõ nhỏ. Đi lòng vòng rồi xuồng tấp vô vào trụ sở Ủy ban xã. Nước cũng đã ngập sâu đến lưng tầng một, những người chạy lụt khoác ni lông đã ngồi đầy trên sân thượng. Anh Xã đội trưởng nhảy luôn xuống xuồng:
- Quay xuồng đi các đồng chí. Vợ chồng nhà cu Nhắng ở gần đây thôi.
- Không khéo đã đẻ tọt xuống nước rồi. Nhanh lên. Chồng nó bơi mủng đi từ sáng chưa về đâu-Có tiếng người ở sân thượng nói chõ xuống.
Xuồng cao tốc lại lao đi.
Một cái đầu đàn bà thò lên chỗ dỡ ngói kêu, rồi lại thụt xuống. Có tiếng ngói rơi, lăn lộc cộc.
- Chị nhà đã đẻ chưa?-Tôi hỏi ngay.
- Đang thò ra rồi.
Đồn phó bảo:
- Neo xuồng chắc vào. Phá mái ngói nhanh lên.
- ...

Tôi bấm đèn pin. Trời đất ơi! Một người đàn bà ngồi ở xà nhà. Còn người đàn bà đang đẻ nằm trên cái gác xép để đồ. Hình như cái gác xép cũ, gỗ đã mục nên người đàn bà kia không dám ngồi cùng. Chị ta ngồi ở xà nhà chìa  hai tay sang đỡ. Đứa bé đã thò cái chỏm đầu ra.

- Mẹ khỉ. Cu Nhắng đâu mà để vợ con thế này?-Anh Xã đội trưởng hỏi.
Người đàn bà đẻ sụt sịt. Người đàn bà kia bảo:
- Nhà nó... bơi mủng đi... từ sáng. Chả biết có làm sao không?
- Thôi đừng khóc nữa. Lo cái thân cô và đứa bé đã.

Chúng tôi đành phải phá tường, tấp xuồng vào gác xép. Lựa thế đỡ, chúng tôi khiêng cả người mẹ và đứa bé đang thò ra. Một con người mỏng manh sắp chào đời đang bị lũ lụt, gió mưa đón ở ngoài đời. Người đàn bà kia, anh Xã đội trưởng, chàng lính trẻ lái xuồng và Đồn phó, bốn người cầm bốn góc tấm ni lông che, để cho tôi làm nốt phận sự của bà đỡ.

Khi cái xuồng cao tốc đã quay đầu chuẩn bị lao khỏi cái nhà bị phá tường, dỡ ngói thì có một cái mủng tấp vào mạn. Có tiếng la hốt hoảng:
- Trời ơi! Vợ tôi...
- Mẹ thằng cu Nhắng. Mày xéo đi đâu. Có phải lại dò đi ăn trộm vặt không? Quen cái nết đánh chết không chừa. Cả làng cả tổng đi chống lụt, còn mày...
- Tui... tui...
- Thôi lên xuồng đi. Còn tui tui cái gì nữa.- Đồn phó giục giã.
Người đàn bà đang đẻ bảo với tôi, giọng chị ta nghẹn ngào, van vỉ:
- Chồng tui đó. Ảnh bảo đi kiếm con gà, con vịt chết trôi bồi dưỡng cho tui. Vậy mà đi từ sáng. Tui cứ tưởng...

Tôi kéo khẽ tấm ni lông nhìn ra. Trời ơi! Trong ánh đèn pin loang loáng là người đàn ông gầy cao lênh khênh và cái mủng có mấy con gà chết với buồng chuối xanh.

Anh ta lập bập trèo lên xuồng rồi sà đến sát bên vợ. Người đàn bà lại nhắm nghiền mắt dồn hết sức cho cuộc sinh nở trong lòng xuồng. Ba cái đèn pin chĩa vào...

Đến khi có tiếng khóc oe... oe... của đứa bé thì tất cả mọi người đều thở phào. Còn người đàn ông thì thốt lên một tiếng: “Con ơi”. Không biết có phải vì lạnh, hay vì cái gì nữa mà đứa bé khóc quá trời. Tiếng khóc như xé vải, như tiếng kêu xuyên vào màn đen dày đặc của đêm mưa lũ.

Sương Nguyệt Minh

Có thể bạn quan tâm

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê là chủ đề chung cho tập truyện ngắn “Người hai quê” của Hương Văn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn lọc và được NXB Quân đội Nhân dân - 2025 ấn hành. 

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Tự hào được sống đúng đam mê

Tự hào được sống đúng đam mê

Có thẻ hay không có thẻ nhà báo họ vẫn làm báo. Bởi họ luôn có niềm đam mê và mong muốn góp một phần nhỏ bé vào hành trình chuyển động của xã hội bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng đôi mắt luôn đau đáu với hiện thực.

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

Mỗi chuyến tác nghiệp tại Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình cảm xúc, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến. Những trải nghiệm nơi đảo xa đã trở thành dấu mốc nổi bật trên chặng đường làm báo, để các phóng viên, biên tập viên được “tôi luyện” trong môi trường đặc biệt, khắc nghiệt và đầy cảm hứng.

null