Trôi nổi và hầu hết thiếu chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ hay chứng nhận tiêu chuẩn cần thiết, nhưng suốt bao năm qua thì "hàng xách tay" vẫn luôn tồn tại, ngay cả với thuốc trị bệnh.
Mới đây, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã ký văn bản thông báo nhắc nhở các hoạt động liên quan đến việc sử dụng thuốc trong bệnh viện (BV). Trong đó, Giám đốc BV Chợ Rẫy yêu cầu tuyệt đối không được tư vấn, hướng dẫn, chỉ định cho bệnh nhân các thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc thuộc loại "hàng xách tay", thuốc chưa rõ nguồn gốc.
Yêu cầu trên là hoàn toàn cần thiết vì vừa đảm bảo bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hợp chuẩn, chất lượng, đồng thời cũng hạn chế tình trạng "móc ngoặc", "ăn chia" giữa bác sĩ với một số bên cung cấp các loại "thuốc xách tay". Bởi nếu sử dụng những loại thuốc không đảm bảo chất lượng thì rõ ràng là hậu quả có thể rất khó lường. Còn tình trạng "móc ngoặc", "ăn chia" khi chỉ định sử dụng thuốc thực tế đã xảy ra, dư luận không ít lần phản ánh.
Vì thế, không chỉ với riêng BV Chợ Rẫy, yêu cầu trên rất cần được nhân rộng ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn lại rằng song hành yêu cầu này, ngành y tế cũng cần đảm bảo nguồn cung ứng thuốc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh nhân, thậm chí cả một số trường hợp chuyên biệt.
Suốt nhiều năm, tình trạng thiếu những loại thuốc cần thiết tại các kênh chính thức đã gây không ít khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Đồng thời, khi đã mắc bệnh thì bệnh nhân nào cũng như người thân đều muốn được sử dụng loại thuốc tốt nhất, công hiệu nhất để nhanh chóng khỏi bệnh. Và nếu có điều kiện thì phần lớn người bệnh đều sẵn sàng chi tiền để được sử dụng thuốc tốt. Trong khi đó, có lẽ, thuốc là mặt hàng duy nhất mà gần như người bệnh không thể "trả giá", được báo giá nào thì trả tiền như thế. Người bệnh cứ được chỉ định loại gì mà có thể mua, đủ sức chi trả thì gần như đều "răm rắp chấp hành".
Cứ như vậy, khi các loại thuốc không được đáp ứng đầy đủ qua các kênh chính thức, thì "thuốc xách tay" vẫn tồn tại, bác sĩ cũng có cơ hội để chỉ định những loại "thuốc xách tay". Bản thân người viết cũng từng chứng kiến người thân phải tìm mua "thuốc xách tay" để chữa bệnh, thậm chí phải trả với mức giá rất cao.
Rõ ràng, để việc yêu cầu bác sĩ không được chỉ định các loại "thuốc xách tay" có hiệu lực tuyệt đối, thì ngành y tế cũng như các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải có giải pháp hiệu quả tăng cường nguồn cung qua các kênh chính thức đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về thuốc khám chữa bệnh cho người dân. Điều đó còn bao hàm việc nâng cao tính hợp lý trong chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh.