Khi lễ công bố các nghị quyết, quyết định về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đồng loạt diễn ra trên cả nước. Đây không đơn thuần là sự kiện hành chính mà là sự lựa chọn của ý chí, khát vọng đổi mới, hướng tới một nền quản trị hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Điểm nhấn nổi bật nhất của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự phân định rõ ràng thẩm quyền, nhiệm vụ giữa cấp tỉnh và cấp xã.
Nếu trước đây, bộ máy 3 cấp với nhiều tầng nấc dễ dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm thì nay, sự rạch ròi về quyền hạn giúp loại bỏ những "vùng xám" trong quản lý, điều hành. Cấp tỉnh tập trung vào hoạch định chính sách, định hướng phát triển, giám sát; cấp xã trực tiếp tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề sát sườn của đời sống người dân.
Chính sự phân cấp, phân quyền này là nền tảng để phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương.
Một điểm mới nổi bật khác là việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Khi quyền hạn được trao thực chất, cơ chế điều hành linh hoạt hơn, người đứng đầu không còn là "người giữ ghế" mà phải trở thành "người chịu trách nhiệm" trước dân, trước Đảng.
Cơ chế này tạo động lực đổi mới, khuyến khích những sáng kiến, giải pháp đột phá, đồng thời cũng là "bộ lọc" tự nhiên loại bỏ tư duy trì trệ, cục bộ, bảo thủ.
Dù kỳ vọng lớn nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, vướng mắc bước đầu. Lễ công bố chỉ là điểm khởi đầu. Điều người dân mong đợi là một lộ trình hành động bài bản, đồng bộ, có kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Mỗi địa phương phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự, xây dựng quy chế vận hành rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá liên tục, lắng nghe phản hồi của người dân, kịp thời điều chỉnh những bất cập phát sinh.
Sự tham gia của người dân không chỉ dừng lại ở vai trò thụ hưởng, mà phải trở thành chủ thể đồng hành, giám sát, phản biện. Mỗi ý kiến, mỗi góp ý của người dân là "chất liệu sống" để hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ.
Chính quyền địa phương 2 cấp chỉ thực sự thành công khi bộ máy mới gần dân, sát dân, để người dân cảm nhận được sự thay đổi qua từng quyết sách, từng hành động, từng lần gõ cửa công quyền. Tinh gọn không chỉ là ít người, mà là làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả. Hiện đại không chỉ là có phần mềm, có nền tảng số, mà là đổi mới tư duy phục vụ.
Đây là thời khắc lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho quản trị quốc gia. Thành công hay không, câu trả lời nằm ở quyết tâm đổi mới, bản lĩnh hành động của từng cán bộ, từng địa phương và sự giám sát, đồng hành của toàn xã hội.
Chỉ khi bộ máy thực sự phục vụ nhân dân, lắng nghe nhân dân, hành động vì nhân dân thì mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Lê Cường (NLĐO)