Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19 - Bài 2: Gian nan đường về nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cuộc về quê đầy âu lo, khó khăn cứ thế diễn ra, nằm ngoài mọi tưởng tượng của chúng ta. Hàng đoàn người đã băng qua bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngọn đồi, không chỗ ở, thiếu ăn, thiếu mặc. Dù gian nan vất vả thế nào, về quê là lối thoát của họ.
LTS: Những ngày qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một nóng bỏng tại TP.HCM, hàng nghìn người dân đang sống và làm việc tại TP.HCM đã tìm cách trở về quê hương (chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên...) tạo nên hình ảnh nhiều đoàn xe máy nối nhau dài hàng chục km trên dọc Quốc lộ 1, triền miên ngày sang ngày. Nhiều tỉnh, thành phố miền Trung cũng như bà con dọc đường đã có nhiều phương án, hình thức để đón tiếp, hỗ trợ những công dân của mình khi trở về rất chu đáo và đầy tình nghĩa.
Chỉ sau khi có Công điện mới của Thủ tướng yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy", tình trạng này mới vãn bớt trong vài ngày qua.
Với loạt bài "Dấu lặng từ những cuộc 'hồi hương' giữa mùa dịch Covid-19", từ thực trạng của sống bấp bênh nơi đất khách của hàng vạn người dân, trong đó không ít nông dân, tới cuộc "hồi hương" bất đắc dĩ, Dân Việt muốn đưa tới bạn đọc một bức tranh tương đối toàn diện về cuộc mưu sinh xa nhà của những người dân quê và qua đó, mong mỏi chính quyền các địa phương, các chuyên gia... tìm ra những lời giải khả thi để có thể "giữ chân" người dân, giúp họ có cuộc sống ổn định ngay tại quê nhà, thoát khỏi cuộc mưu sinh bấp bênh, bất định nơi đất khách quê người. Biết đâu, cuộc "hồi hương" bất đắc dĩ ngày hôm nay chính là cơ hội giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Chạy" dịch
Vợ chồng anh Nguyễn Thế Hoàng và 2 con nhỏ (quê Kon Tum) cùng đồ đạc lỉnh kỉnh chất trên một chiếc xe máy xuất phát từ Bình Dương lúc trời chưa sáng. Họ đã vượt quãng đường 300 km, hết nắng lại mưa, đi qua 3 - 4 chốt kiểm dịch. Vậy mà đến 8 giờ tối mới tới Trạm Kiểm dịch Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cách nhà hơn 300 km nữa.
Mặc kệ chồng loay hoay trình giấy tờ, đi xin đồ ăn, nước uống, chị vợ ôm hai con lăn ra ngủ dưới đất vì quá mệt. 
"Hai vợ chồng vào Bình Dương làm công nhân được 3 tháng thì dịch ập đến, nhà máy đóng cửa vì không xuất được hàng. Mình thất nghiệp gần 2 tháng rồi, không còn tiền ăn và tiền trọ, lại sợ lây bệnh nên không thể trụ lại", anh Hoàng kể. 
Trước khi lên đường, cả 4 người trong gia đình anh Hoàng chỉ còn 100 nghìn đồng, nhưng may mắn trên đường về quê được cán bộ tại các chốt kiểm dịch và người dân hỗ trợ.

Người dân về quê khai báo y tế tại trạm kiểm dịch Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Duy Hậu
Người dân về quê khai báo y tế tại trạm kiểm dịch Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Duy Hậu
Sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng với PV Dân Việt, gia đình anh Hoàng lại tiếp tục lên đường. Lúc này con gái lớn của anh chừng 4 tuổi (được sắp xếp nửa đứng, nửa ngồi cùng với chiếc valy ở phía trước xe tay ga) vừa khóc, vừa lắc đầu vì quá mệt. Anh chị phải ra sức dỗ dành…
Có được hành trình như gia đình anh Hoàng vẫn là may mắn, bởi nhiều trường hợp phải đi xe đạp, thậm chí đi bộ nửa nghìn cây số trong cuộc hồi hương bất đắc dĩ.
Hai chị em Trần Thị Huyền (18 tuổi) và Trần Văn Đủ (17 tuổi) đã quyết định đi bộ từ tỉnh Bình Phước về huyện Ngọc Hồi, Kon Tum vì không có sự lựa chọn nào khác. Đi được vài chục cây số được người dân cho một chiếc xe đạp cũ, hai chị em thay nhau đạp đến chốt kiểm dịch TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thì được người dân quyên góp mua cho một chiếc xe máy cũ với giá 2 triệu đồng và đổ đầy bình xăng để tiếp tục về quê. Đáng nói là cả "giấy thông hành" xét nghiệm âm tính hai chị em Huyền cũng không có.

Một nhóm người đi xe máy về quê dừng lại bên đường nghỉ ngơi, đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Duy Hậu.
Một nhóm người đi xe máy về quê dừng lại bên đường nghỉ ngơi, đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Duy Hậu
Trước đó sáng 24/7, 3 thanh thiếu niên gồm Khưng, Hiệp (cùng 18 tuổi, cùng ở xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, Gia Lai) và Hom (17 tuổi, ở xã Ayun, huyện Mang Yang Gia Lai) vì không có tiền, không có phương tiện nên đã đi bộ từ thị xã Tân Uyên (Bình Dương) về quê. Khi đến huyện Phú Giáo (Bình Dương) thì hết lương thực, nước uống nên vào chốt kiểm dịch nhờ giúp đỡ. 
Nhận được thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã liên hệ các địa phương dọc đường nhờ hỗ trợ. Sau đó 3 người được huyện Phú Giáo đưa về tỉnh Đắk Nông, sau đó tỉnh Đắk Nông hỗ trợ đưa về tỉnh Đắk Lắk. Hiện cả ba thanh, thiếu niên đang được cách ly y tế tại tỉnh Đắk Lắk, đến khi hết cách ly mới được hỗ trợ đi tiếp về quê.
Cũng trong những ngày vừa qua, trong dòng người về quê trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, trong đó một vụ do người về quê đi xe máy đường dài, thiếu ngủ, mệt mỏi nên tự ngã và được lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu. 
Vụ nghiêm trọng hơn xảy ra chiều tối ngày 31/7, lúc này anh L.B.G (quê xã Kỳ Sơ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đi xe máy chở vợ và 2 con về quê. Không may va chạm với xe đầu kéo chạy cùng chiều khiến anh G. tử vong, vợ và 2 con của anh bị thương nặng được đưa vào bệnh viện đa khoa Gia Lai cấp cứu.
"Cuối cùng cũng về tới nhà"
Khoảng đất trống nằm đối diện chốt kiểm dịch tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) các lán trại nhỏ được dựng tạm, xung quanh ngổn ngang bìa carton, rác các loại chưa kịp thu dọn.
Bên trong, hơn trăm người, già, trẻ, lớn, nhỏ sinh hoạt, ăn ngủ tại chỗ. Vài bóng áo xanh khẩn trương khuân vác các thùng hàng, đồ tiếp tế. 
Những ngày qua, nơi này nhanh chóng được lấp đầy bởi người dân từ các tỉnh Nam về quê tránh dịch Covid-19. "Cuối cùng cũng về tới nhà rồi", câu nói họ thì thầm với nhau nghe mà thương cảm và xót xa.
Họ đã chạy. Họ băng qua bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngọn đồi. Không chỗ ở, thiếu ăn, thiếu mặc. Về quê là cách duy nhất đối với họ bây giờ. "Chú ơi, cho hai mẹ con con xin một suất với", cô gái nói vọng ra chiếc xe chở vài phần cơm miễn phí còn sót lại cuối chiều.

Một thanh niên nằm nghỉ ngay trên xe máy tại thị trấn Lăng Cô, sau quãng đường dài di chuyển từ miền Nam về quê ở miền Trung. Ảnh: D.B
Một thanh niên nằm nghỉ ngay trên xe máy tại thị trấn Lăng Cô, sau quãng đường dài di chuyển từ miền Nam về quê ở miền Trung. Ảnh: D.B
Những cuộc về quê đầy âu lo, khó khăn cứ thế diễn ra, nằm ngoài mọi khả năng tưởng tượng của chúng ta. Mới đây, hình ảnh em bé còn đỏ hỏn theo cha mẹ về quê khiến người chứng kiến không khỏi xót xa, chạnh lòng. Em bé mới 9 ngày tuổi, cùng cha mẹ vượt hơn 1.000km từ Bình Dương về Nghệ An chạy dịch. Chưa đủ lớn để biết đến quê hương nhưng sau này em sẽ luôn được nhắc nhớ về chuyến hành trình đầu đời này.
Vợ chồng anh Xồng Bá Xô là người dân tộc thiểu số quê ở xã miền núi Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cuộc sống ở quê chẳng đủ ngày ba bữa, anh Xô và vợ quyết định khăn gói vào tỉnh Bình Dương để làm công nhân tại một nhà máy chuyên sản xuất tủ gỗ.
Dù không có ca mắc Covid-19, nhưng do dịch bệnh công ty đóng cửa, anh đành nằm nhà chạy vạy qua bữa chờ ngày vợ sinh. Gần một tuần trước, chị Phùng A Tranh (vợ anh Xồng Bá Xô) sinh được bé trai 2,6kg, cả nhà ở trong viện 4 ngày rồi sau đó ra viện. Do dịch bệnh khiến hoàn cảnh của vợ chồng trẻ "tha hương cầu thực" vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn, anh chị đành ôm con nhỏ về quê.
"Suốt mấy tháng nay ở nhà lo vợ sinh nở nên đã tiêu hết số tiền ít ỏi tiết kiệm được. Dịch bệnh thất nghiệp mà lại có con nhỏ nữa nên khó khăn quá. Không còn cách nào khác để trụ lại nên em bàn với vợ phải về vì không biết dịch kéo dài tới bao giờ. Anh em về quê nên hai vợ chồng gói đồ luôn, dọc đường đi có gì ăn nấy. Chắc chuyến này vợ chồng em sẽ về quê sống luôn", anh Xồng Bá Xô chia sẻ.
Anh bấm bụng bảo vợ quấn con trong khăn rồi cùng đoàn hơn 50 người di chuyển bằng máy từ Bình Dương về quê. Chuyến hành trình dài, chiếc xe máy cũ kỹ của anh nhiều lần chết máy, phải dừng lại sửa chữa. Trên đường đi,anh làm mất điện thoại nên cũng không thể liên lạc được với mọi người trong đoàn. Mỗi người một ngã. Đến 3h sáng 31/7, hai vợ chồng anh Xô về tới Đà Nẵng.
Thương gia đình anh, thương đứa bé, một CLB đã giữ cả nhà anh lại tới khi trời sáng rồi thuê xe cứu thương đưa về quê.
"Cháu bé mới 9 ngày tuổi, được quấn trong chiếc áo da, suốt mấy ngày liền phải dầm mưa dãi nắng cả ngàn cây số ngoài đường nhưng vẫn nằm ngủ ngon lành nhìn thương quá. Còn ba mẹ cháu bé thì mắt đỏ ngầu vì chạy xe máy, mẹ lại vừa sinh mổ xong còn chưa cắt chỉ nữa, tội nghiệp lắm. Tưởng tượng ra đoạn đường anh chạy xe máy đưa con về tới Nghệ An ai cũng rùng mình", anh Trần Vương, người chứng kiến sự việc xót xa kể lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (áo trắng) đến khu cách ly thăm hỏi, động viên công dân được đón ở TP.HCM về. Ảnh: D.B
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (áo trắng) đến khu cách ly thăm hỏi, động viên công dân được đón ở TP.HCM về. Ảnh: D.B
Ngay sau khi đón các công dân của tỉnh mình trở về, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đến thăm, động viên, tặng quà cho người dân và lực lượng hỗ trợ đưa công dân Quảng Nam trở về. Khu cách ly tập trung số 3 tại trường Cao đẳng Quảng Nam (đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là nơi tiếp nhận 77 công dân Quảng Nam đầu tiên được đưa về từ TP. HCM trở về.
"UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao Sở LĐTBXH tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, Ban điều hành khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét tạo điều kiện cho bà con học nghề, tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hoặc chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp với sức khỏe, tuổi tác, giới tính để giúp bà con sớm có việc làm, ổn định đời sống", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Gặp gỡ những người dân vừa trở về đang được cách ly, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tranh thủ thăm hỏi về hoàn cảnh, chia sẻ nỗi lo của bà con đồng hương vừa trở về từ tâm dịch. Đồng thời khẳng định chính quyền, các ban ngành của tỉnh đang nỗ lực hết mình để phòng chống dịch trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
"UBND tỉnh rất quan tâm, đã triển khai nhiều hoạt động và đang tiếp tục tính toán những giải pháp nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong đại dịch. Sẽ có thêm nhiều công dân Quảng Nam nữa được tỉnh hỗ trợ đưa về quê, ưu tiên cho các đối tượng là người già, lao động nghèo, sinh viên, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể trụ vững tại tâm dịch TP.HCM...", Chủ tịch Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, ngoài bố trí công dân được đón về vào khu cách ly, và được hỗ trợ tiền tiền ăn, phục vụ, xét nghiệm. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 2 vừa rồi, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chi phí có liên quan cho các đối tượng cách ly tập trung.
Những người còn kẹt lại
Tuy nhiên vì nhiều lý do như vợ chồng có con nhỏ, nhiều người là phụ nữ, cả những người không còn tiền và không có phương tiện nên đang "mắc kẹt" ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Một số địa phương đã dùng máy bay, xe khách đón công dân về nhưng số lượng quá ít so với nhu cầu.
Gia đình chị Kpuih Pial (29 tuổi, quê làng Neh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đang trọ ở ấp 1, xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang hoang mang, lo lắng. "Vợ chồng em vào Bình Dương làm công nhân được 4 tháng, mang theo 2 con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi.
Hơn một tháng nay 2 vợ chồng em thất nghiệp, ở nhà trọ suốt, nhưng do có con nhỏ nên không đi xe máy về được, giãn cách xã hội nên không thể ra ngoài. Hoàn cảnh này giữa đất khách quê người em sợ quá, nước mắt cứ chảy dài, lo cho con mà không biết làm sao" - chị Pial nói.

Gia đình chị Kpuih Pial, làng Neh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đang mắc kẹt BÌnh Dương. Ảnh: NVCC.
Gia đình chị Kpuih Pial, làng Neh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đang mắc kẹt BÌnh Dương. Ảnh: NVCC
Chung tình cảnh, chị Nguyễn Mai Như (23 tuổi, quê xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai) cũng đang bị mắc kẹt tại khu Phú Đồng An, phường Bình Hòa, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Chồng chị Như làm công nhân tại Bình Dương, cách đây 3 tháng chị cũng bồng bế con vào Bình Dương dự định đi làm công nhân. Nhưng vừa vào Bình Dương thì con nhỏ ốm nặng, phải điều trị gần một tháng, đến lúc chuẩn bị đi làm công nhân thì dịch bùng phát.
"Hiện khu vực em ở trọ đang bị phong tỏa, muốn về quê phải có giấy xác nhận của địa phương cho về mới được ra khỏi đây. Mọi ăn uống hàng ngày chỉ nhờ vào hỗ trợ từ các đoàn, lúc họ cho bó rau, vài ký gạo ăn qua ngày. Giờ tiền dành dụm của vợ chồng em còn chưa tới một triệu đồng, em để phòng thân chứ không dám mua sữa cho con nữa", chị Như nghẹn ngào nói.
Tại Gia Lai, trung bình mỗi ngày có từ 500-800 công dân về địa phương. Tính đến 31/7, có gần 12.000 lượt công dân về và được đưa đi cách ly tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. Tuy nhiên còn hàng nghìn lao động khác đang ở Bình Dương, Đồng Nai… Và theo công điện mới của Thủ tướng Chính phủ, tất cả những người này không được phép tự ý về quê để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
(Còn nữa)
Theo Nhóm PV Miền Trung-Tây Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.