Làm gì để các Khu công nghiệp, Khu kinh tế miền Trung cất cánh?

Dân 'khóc ròng', nhà đầu tư… dội ngược (Kỳ 3)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mời gọi đầu tư là công tác không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Thế nhưng tại miền Trung đã có tình trạng sau khi mời gọi được nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), chính quyền lại 'xuống nước' để thuyết phục nhà đầu tư… dời đến chỗ khác. Hiểu nỗi niềm này nhưng nhà đầu tư không thể chỉ vì chi phí di dời, xây dựng lại tại vị trí mới phải bỏ ra quá lớn nên đành xin được 'đậu' lại đến hết hạn. Tất nhiên, đấy chỉ là chuyện cá biệt. PV Báo CAND ghi nhận sự ngần ngại của nhiều nhà đầu tư về tình trạng hạ tầng KCN thiếu đồng bộ, nhất là thiếu hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, người dân trong vùng quy hoạch treo các KCN vẫn 'khóc' do 'gặm nhấm' nỗi khổ của những câu chuyện rất cũ, kéo dài hàng thập kỷ…

Lấy đất KCN để… xây biệt thự

KCN Nam Đông Hà (Quảng Trị), diện tích đất được phê duyệt gần 99ha được thành lập nay sắp ngót 20 năm. Trong 10 năm đầu, có 16 dự án đăng ký. Nhiều khu đất được giao cho các nhà đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm, sau đó được sử dụng sai mục đích, cam kết ban đầu; nhiều khu đất được cho thuê lại để làm kho, bãi chứa, tập kết các mặt hàng như gỗ tạm nhập tái xuất, đồ phế liệu. Hậu quả, nhiều tuyến đường trong KCN này được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị băm nát, cày xới do mỗi ngày phải gánh chịu hàng chục lượt xe có trọng tải lớn ra vào để đổ xả tập kết, vận chuyển trở lại các mặt hàng kể trên đi chế biến, tiêu thụ ở những nơi khác.

Chưa hết, đã có dấu hiệu doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh, “bao chiếm” đất ở đây để… xây dựng biệt thự, hưởng lợi trái phép.

Người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ngăn xe tải chở vật liệu vào cảng biển Vissai. Ảnh: Hải Việt

Người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ngăn xe tải chở vật liệu vào cảng biển Vissai. Ảnh: Hải Việt

Trong hơn 10 năm tiếp theo, thực hiện cơ chế vừa xây dựng vừa điều chỉnh các chính sách thu hút đầu tư, đến nay KCN có 25 dự án đang hoạt động, 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trên tổng diện đất cho thuê 68ha, đạt tỉ lệ lấp đầy hơn 90%.

Tuy nhiên, trong những năm qua, các quy hoạch, xây dựng của tỉnh Quảng Trị đối với TP Đông Hà bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, phát triển ở KCN Nam Đông Hà, cũng như môi trường sống, làm việc xung quanh KCN này. Bất cập đầu tiên phải kể đến là việc xây dựng đường 9D với điểm đầu nối QL1A đoạn qua khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP Đông Hà, điểm cuối thông ra QL9 đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. “Bi kịch” xảy ra khi chỉ vài năm sau đó, tỉnh cho chủ trương phân lô, bán nền ồ ạt tại sát KCN này. Bỗng hình thành nên khu dân cư mới, con đường tránh kể trên không còn ý nghĩa như mục đích ban đầu; người dân ở đây phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường, TNGT rình rập do KCN và con đường tránh kể trên gây ra.

Bất cập chưa dừng lại khi hàng loạt công trình, trụ sở cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường đại học, trung tâm thương mại, khu shophouse… được xây mới quanh KCN này. Ông Trương Khắc Nghi, Phó trưởng BQL khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình trạng kể trên, từ năm 2019, Quảng Trị xác định việc di dời KCN Nam Đông Hà ra khỏi khu dân cư, bệnh viện, trường học và các trụ sở làm việc của nhà nước là cần thiết, nhằm ưu tiên đảm bảo môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Để gỡ “nút thắt” này, năm 2020, UBND tỉnh có văn bản gửi 2 nhà đầu tư có quy mô sản xuất lớn nhất ở KCN nói trên, đề nghị doanh nghiệp ủng hộ, nghiên cứu phương án, kế hoạch di chuyển cơ ngơi sản xuất ra khỏi đây. Thấu hiểu tình cảnh của chính quyền nhưng các nhà đầu tư không thể… gật đầu do mức kinh phí di dời, xây dựng lại quá lớn, trong khi mức đề xuất bồi thường, hỗ trợ là không đáng kể; hơn nữa, việc di dời sẽ gây gián đoạn sản xuất, kinh doanh, thiệt hại về kinh tế.

Có mặt tại KCN này vào trung tuần tháng 10/2023 vừa qua, PV Báo CAND ghi nhận, tình hình sản xuất, kinh doanh ở KCN Nam Đông Hà tiếp tục trở nên u ám khi nhiều nhà máy, xí nghiệp cửa đóng im lìm và bỏ hoang. Trên diện tích rộng gần 100ha, hầu như chỉ có công ty dệt may, các nhà máy sản xuất gỗ MDF và nghiền xi măng Bỉm Sơn hoạt động, còn lại là kho, bãi tập kết hàng hóa không đúng với giấy phép đầu tư ban đầu. Lãnh đạo BQL KKT tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện địa phương đang đợi hết… thời hạn cho thuê đất để di dời, mọi việc xây dựng, phát triển thêm ở đây đang bị tạm dừng. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu phát triển thực sự gặp nhiều khó khăn; một số nhà đầu tư mới (nhận chuyển nhượng các nhà máy trước khi tỉnh Quảng Trị có chủ trương trên) hiện đang… dở khóc dở mếu.

Đối với KCN Quán Ngang (thành lập 2008, diện tích đất được phê duyệt 318,13ha nằm trên địa bàn xã cùng tên huyện Gio Linh). Sau gần 10 năm hoạt động, thật khó ngờ khi KCN này mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Và đã 6 năm trôi qua kể từ khi được triển khai, công trình này vẫn… nằm yên (!). Ông Nguyễn Đình Thuyết, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng (thuộc BQL KKT tỉnh Quảng Trị), cho biết, dự án có mức đầu tư gần 100 tỉ đồng. “Việc công trình chưa được đưa vào sử dụng là do khi xây dựng, quy định pháp luật chưa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động. Đến khi công trình sắp hoàn thành, quy định này ra đời nên chủ đầu tư bắt buộc phải bổ sung. Hơn nữa, do đại dịch COVID-19, rồi đến chiến tranh Nga - Ukraina nên nay, thiết bị được đặt mua ở châu Âu vẫn chưa về tới (?!)”, ông Thuyết lý giải.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Quán Ngang hiện vẫn chưa hoạt động. Ảnh: Thanh Bình

Nhà máy xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Quán Ngang hiện vẫn chưa hoạt động. Ảnh: Thanh Bình

“Nóng” chuyện ô nhiễm môi trường

Trong khi đó, tình trạng gây ô nhiễm của KCN Quán Ngang đang gây bức xúc cho người dân xung quanh. Có lúc kéo dài cả 4-5 năm, nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng đã liên tục “hành dân” bằng mùi hôi nồng nặc lan tỏa bán kính cả chục kilômét. Năm 2021 cá chết bất thường trong các ao hồ xung quanh KCN này. Nông dân gần đó cũng thất bát nhiều vụ lúa do xả thải từ KCN này gây ra.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 KCN (Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh) và 2 KKT (Chân Mây-Lăng Cô và Cửa khẩu A Đớt). Tuy nhiên, hiện chỉ có KCN Phú Bài và KKT Chân Mây - Lăng Cô có 3 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung đi vào vận hành ổn định. Ngành chức năng tỉnh này nhìn nhận, việc thiếu hệ thống xử lý nước thải đã khiến một số nhà máy ở các KCN trong quá trình hoạt động đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư gây bức xúc cho người dân địa phương. Cách nay chưa lâu, người dân thị trấn Phong Điền phát hiện gần 1 tấn cá tự nhiên ở ao hồ, khe suối gần KCN Phong Điền chết nổi trắng hồ. Căn cứ kết quả kiểm tra, phân tích quan trắc nước thải của cơ quan chức năng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xử phạt doanh nghiệp vi phạm - Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh Huế 640 triệu đồng.

Ông N.H.D. trú tổ dân phố Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền cho biết, điều người dân mong muốn nhất là quá trình sản xuất của các nhà máy phải đảm bảo yếu tố môi trường, an toàn để người dân được an tâm.

Không phải chỉ người dân, doanh nghiệp cũng mong muốn như thế, tuy nhiên, tình trạng đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững vẫn là câu chuyện đáng chú ý tại nhiều KCN tại miền Trung. Ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng BQL KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, các KCN khác Lễ Môn, Bỉm Sơn, Tây Bắc Ga và KCN đô thị Hoàng Long tuy đã hình thành từ lâu và tỷ lệ lấp đầy khá cao nhưng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, PCCC cũng chưa được hoàn thiện khiến doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm khi sản xuất, kinh doanh. Tại KCN Bỉm Sơn hiện vẫn chưa hoàn thành hệ thống cấp nước thô cho toàn khu. Một số doanh nghiệp cho biết các nhà đầu tư vào KCN này gặp khó khăn do lưu lượng nước sạch chưa đáp ứng được về sản lượng và áp lực nước, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, đi vào vận hành và sản xuất, cũng như kế hoạch vận hành các nhà máy xử lý nước thải.

Ở Hà Tĩnh, KCN Gia Lách (rộng hơn 100 ha, quy mô mở rộng lên đến 300ha thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân) được thành lập từ 2007 với tổng mức đầu tư hơn 455 tỉ đồng, đến nay chỉ thu hút được 10 dự án đầu tư, trong số đó chỉ mới có 5 dự án đi vào hoạt động. Hệ thống hạ tầng tại KCN này vẫn dang dở, đặc biệt khu xử lý nước thải mới bắt đầu khởi công xây dựng từ cuối 2021.

Bãi rác nằm trong Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) quá tải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hải Việt

Bãi rác nằm trong Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) quá tải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hải Việt

Tại Nghệ An, câu chuyện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (nằm trong KKT Đông Nam) từng là câu chuyện “nóng” khi nơi đây đang bị quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Không chỉ vậy, nước thải từ bãi rác này đang “bức tử” kênh nhà Lê đoạn chảy qua địa bàn này. Cũng tại KKT Đông Nam, cách nay chưa lâu đã xảy ra vụ việc hàng trăm người dân thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đã ngăn không cho những chiếc xe tải chở xi măng vào cảng Nghi Thiết. Qua kiểm tra cho thấy việc xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền công nghệ sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực cảng Nghi Thiết không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, có thể có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, không khí (bụi) và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng phụ cận; hơn nữa không phù hợp với công năng, tính chất của khu vực hậu cảng. Cơ quan thẩm quyền của Nghệ An đã yêu cầu Công ty CP xi măng Sông Lam không thực hiện xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực hậu cảng bến số 4, 5 và 6; đồng thời khẩn trương tháo dỡ máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá khu vực nêu trên.

Có một thực trạng hiện nay ở rất nhiều KCN tại miền Trung, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc xử lý môi trường ở các KCN chưa được đầu tư thỏa đáng. Nguyên nhân có phần do ngân sách các địa phương eo hẹp, nhà đầu tư lại chưa chú trọng đến yếu tố môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở TN&MT, BQL KKT tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí; triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các khu vực ở các KCN...

Bên cạnh niềm tin về lao động, việc làm bị đổ vỡ, người dân sống tại KKT Đông Nam - KKT lớn nhất của tỉnh Quảng Trị hiện đang “khóc ròng” vì câu chuyện quy hoạch treo. Ông Lê Bình (ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng) cho biết, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa, xây mới do vướng quy hoạch KCN Đông Nam trước đây. “Nhiều nhà đông con muốn tách hộ và làm nhà cũng không còn đất vì chỗ nào cũng dính mốc quy hoạch. Giờ nhiều nhà nhỏ hẹp nhưng chen chúc đến hai ba thế hệ ở chung; ở không được nhưng đi thì không biết đi đâu. Mấy ao tôm bỏ hoang lâu nay giờ cũng chẳng dám bỏ tiền ra cải tạo, nuôi lại”, anh Trương Văn Toán, hàng xóm của ông Bình, buồn bã chia sẻ.

Về những bất cập tại KKT Đông Nam, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, với những dự án xí phần, tỉnh sẽ kiên quyết chấm dứt nhằm tránh tình trạng quy hoạch treo, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng.

Có thể bạn quan tâm

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.

Cánh sóng giữa đèo mây núi gió

Cánh sóng giữa đèo mây núi gió

Bằng ý chí và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ ở Trạm ACOS số 3, Cụm 1, Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử hằng ngày vượt qua mọi khó khăn, vất vả, vững vàng giữa đèo mây núi gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.