Đám cưới trẻ con ở miền Tây xứ Nghệ: Nỗi sợ mang tên lá ngón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất khó để ngăn cản những đứa trẻ kết hôn vì bị dọa ăn lá ngón tự tử. Trẻ con cưới nhau, sinh ra những đứa trẻ và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết mãi vùng đất này, chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt.  

Một góc bản làng ở xã Mường Lống (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) nơi có nhiều trẻ tảo hôn. ẢNH: KHÁNH HOAN
Một góc bản làng ở xã Mường Lống (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) nơi có nhiều trẻ tảo hôn. ẢNH: KHÁNH HOAN
Thích là... cưới
Đang học lớp 9, Vừ A Sùa (ngụ xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) thích Mùa Mạnh Hồng, ngụ cùng bản. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, cả hai hẹn hò rồi quyết định cưới nhau. Hồng đến nhà Sùa, “bắt” Sùa về nhà, 3 ngày sau, đám cưới được tổ chức. “Chúng em thích nhau nên cưới nhau, không bị ai ép cả”, Sùa nói. “Hai đứa dự tính lúc nào thì sinh con?”, tôi hỏi. Sùa cúi mặt, cười ngượng ngùng.
Tảo hôn không chỉ xảy ra ở những thanh, thiếu niên ít học, một sinh viên đại học đang học năm thứ 2 ở Hà Nội dịp tết vừa rồi vẫn về nhà cưới vợ mới 15 tuổi, đang học lớp 9 Trường THCS Na Ngoi.
Thầy Hiệu phó Trường THCS Na Ngoi Nguyễn Viết Thắng bảo khổ lắm, tục bắt vợ của người Mông ngày xưa mang tính ép buộc, bị bắt về nhà, người con gái không muốn cũng phải chấp nhận cưới làm vợ. Bây giờ, tục ấy đang bị lạm dụng, đám trẻ thích nhau là hẹn hò, theo nhau về nhà rồi cưới. Học sinh của trường phần lớn ở xa nhà, nên ở bán trú trong trường. Nhiều học sinh có điện thoại thông minh và nó trở thành phương tiện để học sinh lên mạng xã hội kết bạn, hẹn hò nhau.
Để ngăn các thanh niên đến khu nội trú của trường tán tỉnh, “bắt” học sinh về làm vợ, nhà trường đã phải phân công các giáo viên lập tổ tự quản, ban đêm canh gác để bảo vệ học sinh. Nhưng, cách làm này cũng giống như “bắt chạch đàng đuôi”, không thể ngăn được học sinh đi lấy chồng vì hầu hết các em đều có điện thoại di động. Thầy cô không cho gặp tại trường thì học sinh lại hẹn hò nhau qua mạng xã hội. “Có trường hợp, cô giáo phát hiện nên đến thuyết phục, ngăn cản, em học sinh này đã quỳ xuống xin cô cho em về lấy chồng”, thầy Thắng kể.
Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đi qua, những thầy cô giáo ở vùng cao này lại hụt hẫng vì nhiều học sinh theo chồng bỏ học, không còn vương vấn đến trường lớp nữa. Thường ngày, trai bản đi làm ăn xa, ngày tết trở về nhà, rồi hẹn hò học sinh để cưới nhau. Ra tết, những nữ sinh đang tuổi ăn, tuổi học bỗng chốc trở thành thiếu phụ. Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, sau kỳ nghỉ vì dịch Covid-19, có 18 học sinh của Trường THCS Na Ngoi không còn trở lại trường nữa. “Cứ nghe tin học trò đi lấy chồng, thầy cô lại buồn nẫu ruột”, thầy Thắng thở dài.
Cô giáo Vi Thị Châu (Trường THCS Na Ngoi) lắc đầu, nói học sinh ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này đã phải làm người lớn khiến lòng các thầy cô cứ nặng trĩu. Năm kia, có một em đang học lớp 9 thì có bầu, bỏ học, không đến trường nữa. Ở lớp, ngoài những giờ dạy chuyên môn, cô Châu cũng thường dành thời gian để gần gũi, tâm sự với học sinh về chuyện giới tính, về các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giúp các em kiến thức để làm chủ tình thế. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian lấy chồng, những đứa trẻ mới 14 - 15 tuổi này cũng trở thành những người mẹ.

Học sinh THCS ở xã Mường Lống. ẢNH: KHÁNH HOAN
Học sinh THCS ở xã Mường Lống. ẢNH: KHÁNH HOAN
“Bị ngăn cản thì dọa ăn lá ngón tự tử”
Thầy Và Bá Trừ, Hiệu phó Trường THCS Dân tộc bán trú Huồi Tụ (xã Huồi Tụ, H.Kỳ Sơn), nói dịp nghỉ tết vừa rồi, trường có 5 nữ sinh lớp 8 và 9 đã đi lấy chồng, 1 em lớp 8 lấy vợ là nữ sinh lớp 9. Việc học trò lớp 8, 9 bỏ học lấy chồng, cưới vợ đã trở thành hủ tục từ rất nhiều năm nay, nhà trường gần như bất lực dù đã rất cố gắng ngăn chặn. “Chúng tôi phối hợp với chính quyền, công an để tuyên truyền, vận động các em đến tuổi mới cưới vợ, lấy chồng vì tảo hôn là vi phạm pháp luật, nhưng không cản được. Các em cứ thích nhau là lấy, bị ngăn cản thì dọa ăn lá ngón tự tử, nên không ai dám cản”, thầy Trừ nói. Lấy chồng ở tuổi trẻ con, con gái lên 13, 14 tuổi cũng theo mẹ lấy chồng nên có người phụ nữ ở đây mới 27 tuổi đã trở thành bà ngoại.
Căn nhà thâm thấp, lợp fibro xi măng nằm chênh vênh bên sườn núi ở bản Mường Lống 2 (xã Mường Lống, H.Kỳ Sơn) là nơi cư ngụ của gia đình ông Và Chờ Lầu. Hai năm trước, cô nữ sinh lớp 8 Trường THCS Dân tộc bán trú Huồi Tụ là Lỳ Dờ phải lòng con trai ông Lầu là Và Bá Hua. Dờ bỏ lớp theo Hua về nhà làm vợ. Năm sau, Dờ sinh con, nhưng đứa con đầu lòng quá yếu, 2 tháng sau thì mất. “Con dâu còn nhỏ tuổi thế làm sao lo được cuộc sống gia đình?”, tôi hỏi. Ông Lầu cười, bảo nó chưa tự lo được thì bố mẹ nuôi. Thế nhưng, cuộc sống bám vào nương rẫy ở đây cũng đầy bất trắc. Ông Lầu chỉ vào mấy bao lúa đang để ở góc nhà, nói cả mùa chỉ được chừng đó, ăn hết là đói.

Những đứa trẻ ở Huồi Tụ (H.Kỳ Sơn). ẢNH: K.HOAN
Những đứa trẻ ở Huồi Tụ (H.Kỳ Sơn). ẢNH: K.HOAN
Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống, nói biết trẻ em kết hôn là vi phạm pháp luật, gây suy giảm giống nòi, nhưng rất khó để ngăn chặn. “Không cho lấy nhau là chúng dọa lên rừng ăn lá ngón. Ở đây đã từng xảy ra việc đó. Hai đứa trẻ bị gia đình ngăn không cho lấy nhau, cả hai đi hái lá ngón ăn, con gái chết, con trai cứu được. Từ đó, không ai dám cản nữa”, ông Xà kể. Ở vùng này, lá ngón, một loài cây rất độc, như ma quái lại mọc rất nhiều.
Những đứa trẻ được sinh ra từ những người mẹ, thậm chí cả người cha đều chưa đủ tuổi thành niên nên việc khai sinh cho đứa con cũng gặp rắc rối. Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, cho biết do chưa đủ tuổi kết hôn nên những đôi vợ chồng này chưa thể đăng ký kết hôn được. Khi sinh con, những đứa trẻ này hầu hết phải chờ bố mẹ đủ 18 tuổi mới đăng ký kết hôn để làm khai sinh. Nhưng để đảm bảo quyền lợi cho đứa bé, nhiều trường hợp cũng phải làm khai sinh cho trẻ. “Chúng tôi đã làm rất nhiều cách, nhưng đây là việc liên quan đến phong tục tập quán, nên rất khó bỏ. Xử phạt thì bố mẹ các cháu cũng tự gánh chịu và cũng không cản được vì cản thì sợ chúng ăn lá ngón”, ông Giờ thở dài. Con gái ở đây lấy chồng sớm, ở cái tuổi học trò được xem là tuổi đẹp để cưới chồng. Những cô gái trên 20 tuổi nếu không có nghề nghiệp bị xem là đã ế.

Đám cưới trẻ con ở miền Tây xứ Nghệ: Nỗi sợ mang tên lá ngón
 

Lấy chồng sớm, những phụ nữ ở H.Kỳ Sơn phải vất vả mưu sinh
Lấy chồng sớm, những phụ nữ ở H.Kỳ Sơn phải vất vả mưu sinh
Cố gắng giảm được cặp tảo hôn nào tốt cặp đó
Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, thực hiện từ năm 2015 - 2020. Nhiều giải pháp được đưa ra trên cơ sở phối hợp giữa Ban Dân tộc, Hội Phụ nữ, Sở LĐ-TB-XH... Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn rất nhức nhối. Ông Vi Mỹ Sơn, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết riêng năm 2020, tại H.Kỳ Sơn, tình trạng tảo hôn tăng đột biến với hơn 200 trường hợp. Mặc dù luật Hình sự quy định, giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi bị xử lý hình sự, tuy nhiên, việc xử lý theo luật vẫn chưa thực hiện được.
Ngoài nguyên nhân do tập quán, nhận thức, theo ông Sơn, việc học sinh sử dụng điện thoại di động thông minh và mạng xã hội đã góp phần “tiếp sức” cho nạn tảo hôn. “Trước đây, con gái không thích cũng có thể bị con trai bắt về, ép phải cưới. Nay tục bắt vợ vẫn còn nhưng thực ra là cả hai đã bàn bạc và đồng thuận từ trước. Nếu không có điện thoại, việc tiếp xúc, kết bạn sẽ bị hạn chế và các em không bị kích thích bởi tập tục này”, ông Sơn nói.
Đề án giảm thiểu nạn tảo hôn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục được thực hiện. Theo ông Sơn, mục tiêu là mưa lâu thấm đất, cố gắng giảm được cặp tảo hôn nào tốt cặp đó.
Theo Khánh Hoan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.