Đám cưới đặc biệt: Gác lại hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM đã đi qua những ngày tháng kinh hoàng nhất, và cuộc sống cũng đã dần trở lại bình thường, nhiều dự định dang dở được thực hiện. Một đám cưới đặc biệt với 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175 sẽ được tổ chức vào tối 20.2.
Ngày 20.2, Bệnh viện (BV) Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) sẽ tổ chức đám cưới đặc biệt cho 20 cô dâu, chú rể là những y bác sĩ (BS), điều dưỡng đã và đang tham gia chống dịch Covid-19 nhiều tháng qua với chủ đề “Mạch sống”. Lễ cưới đặc biệt nhằm tri ân những cặp đôi có dự định kết hôn nhưng bị trì hoãn do đại dịch.
Trước đó, ngày 8.2, một buổi gặp mặt giữa các cặp đôi được tiến hành để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt. Các cặp đôi cũng trao đổi về các hoạt động liên quan như chụp ảnh cưới, mặc áo dài truyền thống lấy cảm hứng từ các nhân viên y tế được nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế riêng trong ngày đặc biệt này.
Chống dịch đi trước, đám cưới theo sau
Là một trong 20 cặp đôi tham gia đám cưới đặc biệt, BS Nguyễn Cảnh Chung (BV Quân y 175) cho hay đang được nghỉ phép chăm vợ mới sinh, và tranh thủ tới buổi gặp mặt cùng mọi người để thống nhất các hoạt động. “Vợ vừa sinh mấy ngày nên chỉ có mình tới dự”, BS Chung hồ hởi.
 
BS Nguyễn Cảnh Chung và BS Hoàng Thị Lâm. Ảnh: NVCC
BS Nguyễn Cảnh Chung và BS Hoàng Thị Lâm. Ảnh: NVCC
BS Chung cùng vợ là BS Hoàng Thị Lâm đều tốt nghiệp Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và cùng công tác tại BV Quân y 175, từ đó nên duyên vợ chồng. Đã chuẩn bị xong mọi thứ cho đám cưới nhưng dịch Covid-19 bùng phát, số ca nhiễm, ca tử vong tăng cao, BS Chung và vợ đành gác lại hạnh phúc riêng, lên tuyến đầu chống dịch. BS Chung nhận nhiệm vụ vào khu điều trị bệnh nhân (BN) nặng ngay tại BV Quân y 175. Còn BS Lâm sau đó mang thai, lại chưa tiêm vắc xin nên vẫn công tác tại khoa, và khi dịch bệnh căng thẳng hơn thì chị được nghỉ ở nhà để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con.
 
Vợ chồng BS Nguyễn Cảnh Chung - Hoàng Thị Lâm. Ảnh: NVCC
Vợ chồng BS Nguyễn Cảnh Chung - Hoàng Thị Lâm. Ảnh: NVCC
Khi hay tin, cả 2 bên nội ngoại của đều lo lắng và muốn vào TP.HCM chăm sóc cho BS Lâm đang bầu bí lại phải ở nhà một mình. Thế nhưng, vì tình hình dịch bệnh phức tạp, thời điểm ấy chưa tiêm vắc xin nên chưa thể vào hỗ trợ được ngay. Lúc này, BS Chung vừa căng mình chống dịch, vừa lo cho vợ.
Đối với BS Chung, vợ mang bầu ở nhà một mình trong suốt đại dịch là điều khiến anh bận tâm, vì không thể ở bên cạnh chăm sóc vợ trong khoảng thời gian ốm nghén. Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, việc cung cấp lương thực cho vợ anh đành nhờ người quen và đồng nghiệp mua giúp. “Tôi muốn mua gì bồi bổ cũng chịu cứng vì đang giãn cách. Trong suốt thời gian đó, vợ cũng không dám thèm ăn bất cứ cái gì cho đến ngày sinh”, BS Chung chia sẻ.
Thời gian đầu thông tin về Covid-19 còn khá mới mẻ, 24/24 làm việc trong khu bệnh, BS Chung không dám cầm điện thoại vào khu bệnh mà chỉ liên lạc với đồng nghiệp qua bộ đàm; vì thế việc liên lạc với vợ cũng gián đoạn. BS Chung tranh thủ lúc ăn cơm để gọi điện cho vợ nhưng nhiều khi xong ca đã quá khuya nên đành thôi. “Mỗi lúc 2 vợ chồng gọi điện cho nhau, câu đầu tiên luôn là “có ổn không?”, BS Chung kể.
"Nhìn người bệnh nghĩ đến người thân"
BS Chung đã cùng nhiều đồng nghiệp ăn ngủ suốt nhiều tháng trong Trung tâm điều trị Covid-19, BV Quân y 175. Phụ trách kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo - PV) là kỹ thuật cao nhất của chuyên khoa hồi sức (áp dụng cho BN nặng, nguy kịch, giúp kéo dài sự sống), BS Chung luôn phải đối mặt với áp lực lớn và luôn đòi hỏi sự tỉnh táo.
 
BS Nguyễn Cảnh Chung thực hiện ca ECMO tách đôi cứu một sản phụ nguy kịch. Ảnh: BVCC
BS Nguyễn Cảnh Chung thực hiện ca ECMO tách đôi cứu một sản phụ nguy kịch. Ảnh: BVCC
“Chạy ECMO này phải luôn túc trực bên BN vì sơ hở 15 giây thôi là nguy hiểm cho BN rồi. Vì vậy mà suốt một thời gian dài, tôi chỉ quanh quẩn trong khu điều trị Covid-19 để kịp thời hỗ trợ BN. Có thời điểm BN đông, nhân lực chuyên về hồi sức bị thiếu hụt, ca bệnh tăng cao, tôi cùng các đồng nghiệp thường nói với nhau là cố một chút để vượt qua sự mệt mỏi của bản thân, để làm việc nhiều hơn, cơ hội sống của BN cũng cao hơn; không thể mang tư tưởng làm đủ giờ, đủ việc là thôi”.
BS Chung tâm sự rằng, khi tiếp nhận ca bệnh nặng nhiều, áp lực công việc cũng theo đó mà nặng thêm. Anh cùng các đồng nghiệp luôn động viên nhau để vượt qua, không buông bỏ, vì buông thì BN sẽ tử vong, “bởi không ai giúp đỡ họ được, khi gia đình không ở bên, không có phương tiện liên lạc mà chỉ có các nhân viên y tế”.
Chứng kiến nhiều đồng nghiệp làm quá sức đến ngất xỉu, được đưa ra ngoài ngồi quạt cho khỏe lại chút thì liền lao vào làm tiếp, anh tự nhủ bản thân cũng luôn phải mạnh mẽ, cố gắng hết sức để lo cứu chữa BN. Đối với những nhân viên y tế đang chống dịch tại tuyến cuối như BS Chung, thành công lớn nhất chính là BN được xuất viện khi đã vượt qua cơn nguy kịch. Bản thân BS Chung rất hạnh phúc mỗi khi thực hiện kỹ thuật cứu được người bệnh và chứng kiến họ xuất viện sau thời gian dài điều trị. “Có những BN chạy ECMO tới 2 tháng, truyền tới 50 lít máu thì ai cũng hiểu được sự ác liệt trong đó. Cảm nhận được niềm vui vỡ òa khi BN gặp lại người thân, mọi mệt nhọc của mình đều không là gì cả”, BS Chung chia sẻ.
Quá trình điều trị Covid-19 đối mặt nhiều áp lực, nhất là khi số BN nặng nhiều nhưng máy ECMO lại không có đủ cho tất cả. “Có lúc tại Trung tâm điều trị BN Covid-19 chỉ có 2 máy ECMO mà 2 BN đang sử dụng. Rồi cũng vào lúc đó, trung tâm tiếp nhận thêm một BN là sản phụ vừa mổ bắt con xong, đang nguy kịch cần chạy ECMO. Lúc này, tôi xác định giờ không phải là lúc bảo vệ bản thân, không làm thì người ta chết. Người bệnh chỉ còn cơ hội duy nhất là phải thử phương án của mình thôi”, BS Chung tâm sự.
Với quyết tâm đó, BS Chung cùng các đồng nghiệp sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia về máy, đã cùng kíp trực quyết định thực hiện sáng kiến “chia” 1 máy ECMO cho 2 F0 cùng sử dụng. Tình huống 1 máy ECMO dùng cho 2 BN là kỹ thuật chưa từng được sử dụng tại TP.HCM trước đó. Sáng kiến này thành công giúp sản phụ qua cơn nguy kịch, hồi phục và xuất viện.
Chứng kiến sản phụ vượt qua Covid-19, BS Chung nhớ đến người vợ đang mang thai ở nhà. “Khoảng thời gian đó vợ tôi cũng mới có bầu. Lúc này nhìn vợ mấy ông khác cũng chẳng khác gì vợ mình, thương những bà mẹ vô cùng, nên tìm mọi cách để cứu sống họ”, BS Chung nói và chia sẻ thêm “vẫn luôn áy náy vì trước đó vẫn chưa tổ chức cho vợ một đám cưới tử tế”. Vì vậy, anh rất kỳ vọng ngày đám cưới đặc biệt, anh và vợ có khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn nhất sau thời gian dài phải gác lại vì dịch Covid-19.
Vỡ òa hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng, niềm vui như nhân đôi khi vợ chồng BS Chung được tổ chức một đám cưới đặc biệt tri ân những ngày tháng gian khổ cùng nhiều đồng nghiệp lo chống dịch. Đám cưới đặc biệt như tiếp thêm sức mạnh cho y BS tuyến đầu tiếp tục chiến đấu với Covid-19.
Theo Khánh Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.