(GLO)- Xã Đak Hlơ nằm cách trung tâm huyện Kbang 15 km về hướng Đông Nam, có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.965,5 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 94,3%. Xã có 6 thôn, 1 làng với 2.787 nhân khẩu, trong đó có 62 hộ đồng bào dân tộc Bahnar với 248 khẩu. Phần đông người dân ở đây vốn là công nhân nông trường mía, chăn nuôi bò Sông Ba nên trình độ kỹ thuật, tính kỷ luật, tác phong làm việc khá “công nghiệp”; số hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất trong toàn huyện. đó là những lý do tiên quyết để lãnh đạo huyện quyết định chọn đầu tư xây dựng và đã xây dựng thành xã nông thôn mới. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân trong xã tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đạt được.
Một đoạn đường liên xã của xã Đak Hlơ. Ảnh: Đ.P |
Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Phích, sự đồng thuận của toàn dân thông qua công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đak Hlơ chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của tỉnh, huyện đã và sẽ giúp xã Đak Hlơ trở thành xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để đạt mục tiêu tăng mức thu nhập bình quân của người dân từ 29,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 lên 33 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, xã xác định cây mía và đàn bò đóng vai trò quyết định. Với cây mía, xã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất mới, đó là thành lập các tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu dưới hình thức cam kết đầu tư vốn từ Nhà máy Đường An Khê đến khâu tiêu thụ sản phẩm không qua trung gian để tránh bị ép giá. Nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, xã xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn trên diện tích 42 ha, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất bằng việc huy động nguồn lực máy nông nghiệp, xe vận tải chuyên dụng hiện có từ hợp tác xã cơ khí nông nghiệp xã. Bên cạnh đó, việc phát triển đàn bò, duy trì diện tích lúa nước 2 vụ/năm nhằm bảo đảm an ninh lương thực, phát triển diện tích và chủng loại cây hoa màu; mở rộng dịch vụ thương mại thông qua sử dụng hiệu quả khu chợ vừa mới xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư, nhu yếu phẩm người dân trên địa bàn và cả các xã lân cận cũng được đặt ra trong phương hướng phát triển nông thôn mới bền vững.
Trong số các tiêu chí đã đạt được, có những tiêu chí chưa thực sự bền vững, cần quan tâm đầu tư để ổn định và nâng cao chất lượng như giáo dục, tổ chức hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội... Riêng tiêu chí giao thông, còn có cả việc duy tu, sửa chữa hàng năm. Về nguồn kinh phí, ngoài số tiền ngân sách huyện phân bổ 48 triệu đồng/năm, xã đã xây dựng phương án đóng góp với mức 200 ngàn đồng/hộ/năm; các hộ gia đình thuộc diện chính sách, có mức đóng góp 100 ngàn đồng/hộ/năm. Những hộ có ô tô tải, xe máy cày lớn thì huy động đóng góp thêm theo tinh thần tự nguyện nhưng mức sàn là 200 ngàn đồng/hộ/năm. Tính ra, tổng thu số tiền sửa chữa đường hàng năm trung bình trên 204 triệu đồng.
Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Kbang cho biết: Ngay từ khi được Trung ương chọn là một trong 5 huyện điểm về xây dựng nông thôn mới của cả nước và cho khu vực Tây Nguyên, huyện đã mạnh dạn chọn Đak Hlơ làm xã điểm để triển khai chương trình. Lãnh đạo huyện rất tin tưởng Đak Hlơ không chỉ cố gắng giữ được chuẩn xã nông thôn mới mà còn tiếp tục phát triển lên tầm cao hơn.
Đình Phê