Đặc sắc di sản tư liệu đình Tân Tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đình Tân Tạo hiện tọa lạc tại thôn 5 (xã Thành An), cách trung tâm thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) 8 km về phía Bắc. Số lượng di sản tư liệu hiện còn tại đình ít ỏi nhưng có giá trị lớn bởi chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa của địa phương mà trước đây chưa được giải mã.

Làng Tân Tạo ra đời từ cuối thế kỷ XIX và đến đầu thập niên 30 của thế kỷ XX đã trở thành làng giàu có nhất nhì tổng Tân Phong. Đình Tân Tạo được xây dựng quy mô kiên cố trong những năm 1920-1930. Giữa thập niên 60, làng Tân Tạo được sáp nhập với làng An Dân thành xã An Dân-Tân Tạo. Sau năm 1975, theo chính sách giãn dân, dân làng Tân Tạo chuyển đến vị trí hiện tại và đình cũng được xây dựng lại tại đây từ năm 1980.

Đọc sắc thần đình Tân Tạo. Ảnh: Anh Minh.

Đọc sắc thần đình Tân Tạo. Ảnh: Anh Minh.

Ngày lễ quan trọng nhất diễn ra tại đình Tân Tạo là lễ cúng mùa xuân tiến hành vào ngày 15 và 16-2 âm lịch. Ngoài ra còn các ngày lễ Khai sơn (10-1), Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Trung nguyên (rằm tháng 6), Hạ nguyên (rằm tháng 10)... Các vị thần linh được dân làng Tân Tạo tín phụng theo truyền thống là Thiên Y A Na, Bạch Mã, Thành Hoàng được triều đình nhà Nguyễn cấp sắc công nhận; ngoài ra còn nhiều vị khác được kê trong văn tế tại đình: La Sát, Tiêu Diện, Cao Các, Ngũ hành, Thổ địa, Sơn lâm chúa tể (thần Hổ)... Dòng họ Võ tại đây được xem là có nhiều công lao đóng góp vào việc phát triển làng xã, xây dựng đình, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Di sản tư liệu đình Tân Tạo tập trung trong các hiện vật có văn tự Hán Nôm được lưu giữ tại đình, gồm 14 đơn vị tài liệu, trong đó có 5 hiện vật giấy, 2 hiện vật gỗ, 6 hiện vật xi măng, 1 hiện vật vải.

Nhóm văn tự trên giấy gồm 2 đạo sắc thần thời Vua Duy Tân (1911), kích thước 50 cm x 126 cm, làm bằng giấy dó vàng tinh luyện. Tình trạng nguyên vẹn đến mức đáng ngạc nhiên của các đạo sắc thần tại đình Tân Tạo được chúng tôi cho là tốt nhất trong tổng số 26 sắc thần hiện còn tại Gia Lai. Đạo sắc thứ nhất phong cho nữ thần Thiên Y A Na với danh hiệu “Hoằng huệ-Phổ tế-Linh cảm-Diệu thông-Dực bảo-Trung hưng thượng đẳng thần”. Đạo sắc thứ hai hợp phong cho thần Bạch Mã danh hiệu “Đôn ngưng-Dực bảo-Trung hưng chi thần” và thần Bản cảnh Thành Hoàng danh hiệu “Bảo an-Chính trực-Hựu thiện-Đôn ngưng chi thần”. Cả 2 đạo sắc cùng được cấp vào ngày 8 tháng 6 nhuận (âm lịch) năm Duy Tân thứ 5 tức năm 1911, lúc này làng/thôn Tân Tạo thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, đình còn giữ được 3 bài văn cúng bằng chữ Hán khá toàn vẹn, nội dung ca ngợi công đức của các vị thần linh “thông minh chính trực, anh linh sáng chói muôn đời, giữ cho nước vững mạnh, che chở cho dân chúng khỏi tai họa, công lao cao dày, đức độ lớn lao”, tiền nhân “phát cỏ chặt cây, mở rộng đất đai, đùm bọc đồng bào, yêu thương đồng loại, trải bao phong sương khổ nhọc, thành xóm nên làng. Lại dạy dân làm việc, giúp dân dựng nhà, công đức ngời sáng, đời sau luôn ghi nhớ phụng thờ” và an ủi các cô hồn “kẻ vì đao kiếm mà mất mạng, kẻ vì rắn rết mà thân vong, kẻ vì hổ vồ mà hồn xiêu phách tán, kẻ bị sét đánh, kẻ bị lửa thiêu, kẻ chết đường chết chợ, kẻ không nhà không cửa, kẻ sa hầm sẩy hố, chết oan hồn phách bơ vơ không người thờ cúng”.
Các bài văn tế được cất trong hộp, hiện trở thành di vật hiếm khi được mở ra, bởi việc cúng tế từ sau năm 1975 đến nay chủ yếu theo các văn bản đã được phiên ra chữ quốc ngữ. Như vậy, làng Tân Tạo được thành lập từ cuối thế kỷ XIX và đến năm 1911 thì chính thức được sự công nhận của chính quyền đương thời bằng sắc phong.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh khai thác tư liệu chữ viết tại tư gia ông Võ Ngọc Lâm-thành viên Ban nghi lễ đình Tân Tạo. Ảnh: Bá Tính

Cán bộ Bảo tàng tỉnh khai thác tư liệu chữ viết tại tư gia ông Võ Ngọc Lâm-thành viên Ban nghi lễ đình Tân Tạo. Ảnh: Bá Tính

Nhóm văn tự trên gỗ gồm 2 cặp liễn đối ván đặt trong chánh điện. Cặp thứ nhất có niên đại đề trên liễn là Giáp Dần 1914, phần chữ được khảm trai màu trắng bạc trên nền ván sơn đen, một số chữ đã bong mất phần trai khảm, nhưng tình trạng vẫn khá tốt, còn thấy khá rõ nét chữ, có thể đọc được, người tặng là ông Nguyễn Văn Oản. Nội dung là lời chúc tụng làng và đình Tân Tạo sẽ tồn tại, phát triển vững bền cùng thời gian: “Bách tải quang âm thiên cổ xã/Tứ thời phong cảnh vạn niên đình” (Làng xã sẽ tồn tại trăm năm và vững bền mãi mãi/Đình đứng vững vàng trong phong cảnh tươi đẹp bốn mùa và sẽ trường cửu thiên thu). Cặp thứ hai có niên đại muộn hơn, đề “Bảo Đại thập bát niên trọng thu” tức tháng 8-1943, chữ viết được sơn vàng trên nền ván sơn đen, còn nguyên vẹn, rõ đẹp, người tặng là ông Lê Đó-cựu phụng tế đình. Nội dung là ca ngợi đình được xây dựng tại địa thế cảnh quan đẹp và có phong thủy tốt: “Miếu vũ đông ngung long hổ phục/Thần cơ nam hướng nguyệt trừng minh” (Phía đông đình miếu có rồng chầu hổ phục/Điện thần hướng về phía nam có trăng sáng soi chiếu).

Mốc 1914 có lẽ là năm xây dựng đình kiên cố lần thứ nhất, sau khi nhận sắc phong; mốc 1943 có thể là năm đại trùng tu đình lần thứ nhất. Bởi theo lệ thường, các hoành phi, liễn đối được tặng và treo trong đình miếu là nhân dịp khánh thành hoặc trùng tu đình miếu đó.

Nhóm văn tự trên xi măng gồm 1 câu đối ở cổng, 1 câu đối ở bình phong, 2 câu đối ở hiên trước chánh điện và 2 bức thờ Tả ban-Hữu ban trong chánh điện. Nhóm hiện vật này thuộc loại chất liệu hiện đại, chữ viết bằng sơn trên nền xi măng tô màu. Nội dung ca ngợi công lao che chở bảo vệ dân làng của thần thánh, nhắc nhở hậu thế ghi nhớ ân đức của các bậc tiền nhân và giữ nếp sống hài hòa trong gia đạo làm nền tảng của hạnh phúc, an lành. Nhóm văn tự này có niên đại vào khoảng thập niên 80-90 của thế kỷ XX, khi đình được dời đến vị trí hiện tại.

Nhóm văn tự trên vải là 1 bộ nghi đặt tại nhà thờ tiền hiền phía sau chánh điện, gồm một tấm hoành và đôi câu đối chất liệu vải, chữ thêu. Văn tự và nội dung tương đồng với các bộ nghi, liễn thờ gia tiên phổ biến tại các tư gia ở An Khê: “Tổ công tông đức thiên niên thịnh/Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh” (Công đức của tổ tiên ngàn năm còn mãi/Con cháu hiếu hiền muôn đời vững bền).

Nếu tính thêm số tư liệu hiện vật giấy được chúng tôi phát hiện tại nhà ông Võ Ngọc Lâm-Hương lễ của Ban nghi lễ đình, hậu duệ tiền hiền làng Tân Tạo thì phần di sản tư liệu làng Tân Tạo càng thêm phong phú. Bởi các tư liệu này đều ít nhiều cung cấp cho chúng ta biết về tình hình địa danh, đất đai, hương chức tại làng Tân Tạo thời Vua Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, Việt Nam Cộng hòa (giấy từ chức Phụng tế thôn Tân Tạo của ông Nguyễn Văn Chữ, đề xuất ông thủ sắc Võ Văn Tĩnh lên thay năm 1913; giấy bán đất của bà Trần Thị Tình năm 1924; giấy bán đất của bà Lê Thị Nga với ông Võ Cơ năm 1930; giấy tờ đất của bà Lâm Thị Chỉ năm 1931; giấy bán đất của ông Nguyễn Đáo và Nguyễn Hòa với ông Võ Cơ năm 1935; giấy chứng chỉ thừa kế của ông Võ Minh năm 1968; đơn xin cấp chứng thư thừa kế của ông Võ Minh năm 1972).

Xét về số lượng, di sản văn tự tại đình Tân Tạo khá ít. Tuy nhiên, đây lại là những bằng chứng, căn cứ khoa học hiếm hoi của cả vùng Tân Tạo xưa còn sót lại và chúng được người dân gìn giữ cẩn thận. Trong số này có đến 2/3 tài liệu hiện vật chứa đựng những thông tin trực tiếp về lịch sử, văn hóa của làng Tân Tạo và đình Tân Tạo. Riêng 2 đạo sắc phong thần năm 1911 mà dân làng Tân Tạo còn giữ được thuộc loại bảo vật của tỉnh, có tầm quan trọng mang tính quốc gia bởi liên quan đến địa giới hành chính Việt Nam thời Nguyễn và hệ thống thần linh của đất nước.

Năm 2023, thị xã An Khê đã tiến hành lập hồ sơ di tích cấp tỉnh cho đình Tân Tạo. Hy vọng sau khi được chính thức công nhận, đình Tân Tạo sẽ được chính quyền và người dân quan tâm đầu tư nhiều hơn để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích này.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.