Dạ nhớ bồn bồn quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở xứ “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, cây bồn bồn bình dị, dân dã mà thủy chung với người dân vùng sông nước, đầm lầy với món ăn lạ miệng. Có một thời, cây bồn bồn suýt bị “diệt chủng” do dẫn dòng nước mặn nuôi tôm. Người dân gom góp, trồng trọt, chăm sóc, khai thác cho ra nhãn hiệu sản phẩm tập thể “Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau”.

Ký ức bồn bồn

 

Cánh đồng bồn bồn.
Cánh đồng bồn bồn.

Xuôi xe từ thành phố Cà Mau về hướng Năm Căn, những đồng ruộng bồn bồn như loài cỏ hoang, xanh mượt, gợn sóng trong gió. Ven QL 1A, thuộc ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau), bồn bồn non tươi, dưa bồn bồn bày mời khách thập phương.

Dừng lại một chòi lá ven đường, bà Nguyễn Thị Liên, ngoài 70 tuổi, xởi lởi: “Xưa cây bồn bồn mọc tự nhiên với cỏ năn, xanh bạt ngàn vùng trũng thấp, ngập nước. Vừa nhổ bồn bồn ăn, vừa phát bỏ cũng không xuể. Còn bây giờ, cây bồn bồn được trồng trọt, chăm sóc và nhổ bán được khối tiền”.

Bà con nông dân ở xã Tân Hưng Đông cho biết, trước năm 2000, vùng đất phèn, mặn trồng lúa được chăng hay chớ chuyển sang nuôi tôm. Nuôi tôm được vài năm, tôm trúng, thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhưng rồi, sau đó, con tôm thất mùa, dân nuôi tôm lỗ nặng bỏ xứ đi làm mướn.

Bà Nguyễn Mỹ Liêm kể chuyện gia đình: “Tôi có hơn 5 công đất, nuôi tôm thất bát,  nên giờ chuyển sang trồng bồn bồn, thu nhập ổn định hơn, giá bán cao. Vừa trồng bồn bồn, vừa thả cá nuôi, tính ra mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Không phải đi xa cũng có việc làm quanh năm”.

Bà Trần Thị Thu, 62 tuổi, ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, cho biết, trước năm 2000, đồng ruộng Tân Hưng Đông đưa nước mặn vào nuôi tôm. Lúc đầu thu hoạch khá bà con ham lắm nhưng sau thất bát hoài, không khá lên được, nên bà con quay lại với nếp canh tác xưa.

Nhìn ruộng bồn bồn thành khoảnh, khuôn hộ thẳng tắp, hàng dừa bao quanh, bà Thu kể: “Tôi nhớ cha mẹ mình nhổ bồn bồn làm dưa bán có tiền xài. Tôi đi tìm bồn bồn giống các huyện trong tỉnh và lên đến Bạc Liêu để mua về trồng. Ngộ thiệt, làm chơi mà ăn thiệt, mỗi năm ruộng bồn bồn thu về hơn 150 triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập thêm từ cá đồng tự nhiên”.

Ở Cà Mau, bà con nông dân tận dụng vùng nước ngọt, đất trũng trồng bồn bồn để bán. Bồn bồn sống lại trên chính mảnh đất một cách tự nhiên ở Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh…Nhưng ông Đặng Hùng Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước khẳng định: “Xã Tân Hưng Đông là thủ phủ bồn bồn với hơn 60 ha, của 48 hộ dân trồng và hàng trăm người mua bán sản phẩm từ bồn bồn”.

Dãi nắng, dầm mưa

 

Thu hoạch bồn bồn tươi.
Thu hoạch bồn bồn tươi.

Bà Trần Thị Thu, ở ấp Đông Hưng, xã Đông Thới (Cái Nước) có ruộng bồn bồn rộng, có trạm dừng chân ngay trên QL1A rất tiện lợi bán bồn bồn tươi, dưa bồn bồn, các món ăn từ bồn bồn cho khách bộ hành. Bà Thu ngân nga câu hát: “Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng/Thương em một đời dãi nắng dầm mưa”.

Bà Thu giải thích: “Trồng bồn bồn, thu hoạch có tiền ham lắm nhưng vất vả, cực thân. Sáng sớm đã phải ngâm mình dưới nước nhổ bồn bồn. Chở bồn bồn tươi về, xúm nhau lột vỏ, lấy lỏi non chế biến để bán. Vất vả sớm hôm thế, nhưng cây bồn bồn tạo việc làm tại nhà cho đàn ông khỏe mạnh đến phụ nữ, em bé”.

Cây bồn bồn hoang thành sản vật mang lại kinh tế cao nên mỗi thành viên trong gia đình làm không rảnh tay. Người có sức dậy sớm nhổ bồn bồn, người yếu hơn lột vỏ, chẻ bồn bồn,…Ông Đặng Việt Hưng, Phó GĐ HTX bồn bồn Đông Hưng nói: “Thanh niên nam nữ khi bồn bồn cho giá trị kinh tế cao họ bám làng, ít đi Bình Dương làm thuê, làm mướn”.

Ông Chung Minh Đúng, ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, vừa chất bồn bồn lên hiên nhà, vừa trò chuyện: “Trước tới nay bồn bồn luôn ổn định giá và tăng đều do nhu cầu. Năm nay, người mua tại nhà giá 25.000 đồng/kg, không đủ bán. Vì vậy, cả nhà ai cũng ham làm để có tiền. Trung bình thu trên dưới 15 triệu đồng/tháng/ha.

Ở gần bên, cả nhà bà Nguyễn Mỹ Liên kéo nhau ra ruộng bồn bồn từ sáng sớm. Lặn hụp trên cánh đồng nhưng mọi người rất phấn khởi: “Cây bồn bồn trồng có hiệu quả, ổn định hơn trồng lúa hoặc nuôi tôm. Bà con chúng tôi bây giờ “dễ thở” lắm rồi”- bà Liên nói.

Nghề bồn bồn bắt đầu từ mùa mưa hàng năm, khoảng tháng 5 âm lịch đến cuối năm. Đi dọc QL1A địa bàn huyện Cái Nước sẽ ngỡ ngàng, thích thú với khung cảnh miền quê thanh bình, độc đáo với những ruộng bồn bồn xanh rì, trải dài. Dọc theo bên tuyến đường, hàng trăm hàng quán bán dưa bồn bồn, mắm tôm, ba khía muối, cá khô… là sản vật vùng đất phương Nam.

Món ăn bồn bồn lạ miệng níu chân khách thập phương dừng lại những hàng quán bán dưa bồn bồn. Bà Nguyễn Thị Ti có thâm niên bán dưa bồn bồn ven đường, cho chúng tôi biết: “Vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn của dưa bồn bồn bắt cơm lắm! Dưa bồn bồn làm bằng cách chắt nước gạo vo, pha với nước cơm chín, nêm thêm muối cho vừa, nhận bồn bồn tươi vài ngày là ăn được”.

Món ngon nhớ lâu

 

Chế biến bồn bồn làm dưa.
Chế biến bồn bồn làm dưa.

Năm 2011, HTX bồn bồn Đông Hưng, xã Đông Thới đã tập hợp được 30 xã viên, với diện tích trồng bồn bồn 30 ha. Ông Đặng Việt Hưng, nói: “Mỗi năm, bà con xã viên thu nhập hơn 3 tỷ đồng từ sản phẩm bồn bồn”.

Tại trụ sở HTX bồn bồn Đông Hưng cũng là nơi chế biến dưa bồn bồn hút chân không, bảo quản được lâu hơn, dễ vận chuyển đi xa. HTX mở 2 văn phòng đại điện tại thành phố Cà Mau, trung tâm huyện Cái Nước và các đầu mối tại TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Ông Đặng Việt Hưng bật mí: “Để khách hàng yên tâm dùng sản phẩm dưa bồn bồn, chúng tôi làm mọi thủ tục để cơ quan chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các khâu từ trồng trọt, thu hoạch đến chế biến dựa theo quy trình lên men tự nhiên, không dùng hóa chất, cho ra sản phẩm hữu cơ”.

Bà Trần Thị Thu, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, thông tin thêm, với bà có thể tự tay chế biến hàng chục món ăn ngon miệng từ bồn bồn: kim chi bồn bồn; bồn bồn gỏi với tôm khô, tôm tươi, gà, heo, mực, vọp; bồn bồn hầm với đuôi và giò heo, bồn bồn nhúng lẩu, đổ bánh xèo…

Bà Trần Thị Thu quả quyết: “Không có món nào lạ miệng, ăn ngon bằng dưa bồn bồn chấm cá rô kho tộ. Bởi vậy, dân gian có câu: Bồn bồn kẹp với cá kho/Đêm khuya mới có kẻ thèm mò bếp niêu”. Dưa bồn bồn dân dã, phổ biến và dễ mua về làm quà cho người thân.

Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Dù chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là nhớ mãi. Bởi vậy, những người dân Cà Mau xa quê thỏ thẻ với nhau: “Về quê ăn món bồn bồn/Xa quê thấy dạ bồn chồn quắt quay”.

Nguyễn Tiến Hưng/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.