Cuốn nhật ký của một tử tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi bị thi hành án tử hình, tử tù Nguyễn Thành Luân, sinh năm 1986, trú tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã nhờ Giám thị Trại tạm giam Thái Bình gửi cho tôi cuốn nhật ký mà cậu viết trong những ngày biệt giam.
Trong đó là những tâm sự xót xa, nỗi ân hận giày vò, lời tự sự chân thực nhất của một tử tù như muốn nhắn gửi: Đừng ai sai lầm như Luân! Gần 10 năm, mỗi lần nhìn cuốn nhật ký trong tủ tài liệu, tôi lại băn khoăn về nó và số phận của tử tù Nguyễn Thành Luân. Rồi đến ngày 9/10 vừa qua, tôi đã quyết định về Thái Bình để trao lại cuốn nhật ký của Luân cho gia đình cậu ấy.
Nhà của bố mẹ Luân ở ngay gần UBND xã Minh Hòa, cũng rất nhiều người biết vì vốn dĩ làng quê ấy rất yên bình, chuyện một thanh niên phạm tội giết người cướp tài sản, bị kết án tử hình đã trở thành chuyện động trời, ám ảnh tâm trí những người dân nơi đây. Khi tôi đến, chỉ có ông Nguyễn Văn Thi, bố Luân ở nhà. Ông nhìn chúng tôi với ánh mắt dè dặt. Tôi tự giới thiệu về mình, nói về mục đích tìm về gia đình để trao lại cuốn nhật ký của Luân thì lúc đó khuôn mặt của người cha mới dãn ra.

Ông Nguyễn Văn Thi, bố tử tù Nguyễn Thành Luân nhận lại cuốn nhật ký của con.
Ông Nguyễn Văn Thi, bố tử tù Nguyễn Thành Luân nhận lại cuốn nhật ký của con.
Nỗi đau về đứa con trai đầu, dù đã gần chục năm trôi qua, vẫn hiện hữu trong từng lời nói của ông, dù ông bảo: “Đã 9 năm trôi qua rồi, nỗi đau ấy đã ngủ yên”. Ông chỉ cho chúng tôi bàn thờ của Luân trên tầng 2. Tôi thắp cho Luân nén nhang. Thôi thì mỗi người một số phận, cậu đã mắc sai lầm tuổi trẻ, đã gây tội ác tày trời thì phải trả giá. Đó là quy luật của cuộc sống. Hôm nay, tôi đưa cuốn nhật ký của Luân về cho bố mẹ cậu ở quê nhà, để cuốn nhật ký ấy được thay cậu nói với bố mẹ mình lời xin tha thứ khi cậu đã viết, “con đã làm nhiều người đau khổ”.
Trong cuốn nhật ký, Luân kể về tuổi thơ của mình và gia đình, cũng bôn ba từ Nam ra Bắc; kể về những câu chuyện tình yêu của cậu… Đọc hết những tâm sự của Luân, mới thấy rằng, tâm hồn của cậu trai ấy rất giàu cảm xúc, khi yêu luôn cháy bỏng và luôn mơ về một mái nhà, nơi ấy có cậu, có người cậu yêu và những đứa con… Nhưng có lẽ bị cảm xúc dẫn dắt quá nhiều nên Luân đã không nhận thức rõ ràng được đúng, sai; không có những kỹ năng sống cần thiết để giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Sau này, khi bị bắt, Luân khai với các điều tra viên rằng, Luân yêu Lê Thị Uyên nhưng bị mẹ Luân ngăn cản do tuổi hai đứa không hợp nên đã dắt nhau bỏ nhà ra Quảng Ninh sinh sống. Uyên xin làm lễ tân cho một khách sạn, còn Luân xin làm thuê cho một số nơi; nhưng cuộc sống rất nhọc nhằn, khó khăn.
Rồi một ngày, Uyên nói với Luân cô đã có thai. Luân mừng rỡ nhưng rồi lại lo sợ khi cuộc sống của hai đứa còn bấp bênh, lấy đâu ra tiền khi có thêm một đứa trẻ? Thay bằng những cách tính tích cực cho cuộc sống, Luân lại nghĩ đến chuyện đi cướp lấy tiền vào Tây Nguyên mở một cửa hàng điện thoại di động, kiếm tiền sinh con.

Những dòng nhật ký của tử tù Nguyễn Thành Luân khi viết về cha mẹ.
Những dòng nhật ký của tử tù Nguyễn Thành Luân khi viết về cha mẹ.
Nông nổi trong suy nghĩ, Luân rủ Uyên đi xe khách từ Quảng Ninh về huyện Hưng Hà để tìm cách thực hiện việc cướp tài sản. Đêm 8/1/2011, hai đứa thuê một phòng trong nhà nghỉ Ngọc Giỏi (thị tứ ngã tư La thuộc xã Minh Khai, huyện Hưng Hà). Đến nửa đêm, Luân đã đột nhập vào phòng của bà chủ nhà nghỉ là chị Nguyễn Thị Ngọc Giỏi, sát hại nạn nhân, lấy đi 1 xe máy Airblade, 1 dây chuyền 3 chỉ vàng tây, 1 nhẫn vàng, 1 điện thoại di động. Tuy nhiên, trong quá trình dắt nhau trốn chạy vào Tây Nguyên, cái thai trong bụng Uyên cũng không giữ được… Sau này, Luân bị xử án tử hình, còn Uyên nhận án 6 năm tù giam về tội “Không tố giác tội phạm”.
Tôi đã vào gặp tử tù này đến 4 lần và bị ám ảnh bởi những câu chuyện được nghe các quản giáo kể về Luân cũng như những câu chuyện Luân tự chia sẻ với tôi mà tôi cảm nhận được độ chân thành. Đó là tình yêu của Luân với Uyên, ngay cả khi ngồi đếm ngày chờ thi hành án tử hình, Luân vẫn tỉ mẩn tết những mảnh nilon xin được của các cán bộ quản giáo thành những con tôm xinh xắn, trên lưng tôm có dòng chữ Luân - Uyên. Đến khi biết Uyên chuyển đi thi hành án tại Trại giam Ninh Khánh, Luân đã xin quản giáo gửi cho Uyên một hộp sữa và được nhìn một lần cuối, qua song sắt cửa sổ, thấy Uyên được dẫn giải qua… Một cậu trai có tình cảm tha thiết ấy, thật đáng tiếc, đã nông nổi sai đường, gây tội ác để phải trả giá đắt.
Những lần tôi gặp Luân, tử tù này khoe tôi những con tôm xinh xắn kết cho Uyên, cho bố mẹ, khoe cả chiếc mũ hay cái túi cậu kỳ công ngồi làm trong phòng biệt giam. Cậu kể với tôi về việc những lúc buồn nhất hay viết nhật ký, hồi tưởng về quá khứ và cả những nỗi buồn hiện tại… Và một ngày của năm 2013, tôi bất ngờ khi nhận được cuốn nhật ký của Luân từ anh Đặng Văn Ba, lúc đó là Giám thị Trại tạm giam Thái Bình (đã nghỉ hưu) chuyển cho tôi lên Hà Nội. Anh Ba nhắn rằng, đó là cuốn nhật ký của tử tù Nguyễn Thành Luân xin gửi cho tôi trước ngày đi thi hành án. Vẫn biết sẽ có ngày Luân phải trả giá về tội lỗi của mình, nhưng sao trong lòng vẫn thấy buồn. Tôi đã đọc hết những trang viết, những tâm sự của Luân, sau đó định đem ra chùa hóa tro nhưng lại tiếc, tôi rất muốn một ngày nào đó, cô gái Lê Thị Uyên sẽ đọc được bài báo của mình để liên hệ, tôi sẽ gửi cuốn nhật ký cho cô ấy để cô hiểu được tình yêu và những tâm sự chân thực nhất của Luân…
Trong cuốn nhật ký, Luân đã ghi lại một số câu sưu tầm về tình cha mẹ:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ như cha/ Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn/ Đem cả tấm thân gầy cha che chở cho con”. Đó còn là những câu thơ vụng về Luân tự viết ra để nói về sự khắc khoải của mình khi nghĩ về cha mẹ: “Công cha con đã hết nước mắt/ Nghĩa mẹ con biết tính sao đây/ Thân con đang đợi ngày hành thi án/ Nước mắt con vẫn cứ tuôn rơi/ Thôi đợi kiếp sau con xin hứa/ Bên cha mẹ suốt đời”. Đến lúc này, dù quá muộn, nhưng Luân đã nhận ra, như cậu cũng từng chia sẻ với tôi khi gặp trong trại tạm giam: “Bố mẹ ngăn cấm em yêu Uyên cũng chỉ vì muốn tốt cho em. Giờ em không còn giận mẹ như lúc chúng em bỏ nhà đi nữa, em chỉ thương bố mẹ vì em đã làm bố mẹ đau khổ”.

Nguyễn Thành Luân thời điểm chờ thi hành án.
Nguyễn Thành Luân thời điểm chờ thi hành án.
Luân đã có những trang viết rất kỹ về ngày 28/8/2011, ngày Luân được đưa đến tòa án để xét xử. Cậu rất lo, không biết phải làm sao khi gặp gia đình. “Đã tới tòa án, tôi xuống xe, tôi đã nhìn thấy bố tôi và em trai tôi và các chú, các anh. Tôi vào tòa án với bao niềm đau đớn. Tất cả cùng vào, tôi không dám nhìn bố tôi, ông trông già đi nhiều và tiều tuỵ. Tôi thương ông lắm, biết làm sao đây”. Khi bố Luân gọi, cậu đã không quay lại “tôi cứ quay đi như vậy còn hơn vì tôi biết tôi không còn cơ hội rồi, có quay lại cũng chỉ làm cho bố tôi đau lòng mà thôi”. HĐXX đã tuyên Nguyễn Thành Luân án tử hình, Luân đau xót kể: “Tôi thấy bố tôi không khóc nhưng tôi biết ông đang đứt từng khúc ruột và cả em trai tôi cũng vậy. Tôi chỉ mong tôi chết ngay lúc đó mà thôi, để quên đi hết đau thương…”.
Nghe tôi kể về nỗi niềm của Luân trong cuốn nhật ký khi viết về cha mẹ, đôi mắt của bố Luân rơm rớm. Ông kể rằng, Luân là đứa con trai đầu, sống tình cảm và rất giỏi về kỹ thuật máy móc. Loại máy móc gì Luân ngồi vào nghiên cứu một lúc là sửa chữa, sử dụng được. Nhắc lại đôi chút về câu chuyện ngày xưa, ông chia sẻ, lúc đó, Luân gặp và yêu Uyên ngoài đường nên gia đình cũng không thích. “Nhưng nếu chúng nó cứ dắt nhau về, rồi kể cả có con đưa về nhà, là bố mẹ, ai nỡ không nhận con cháu mình…”. Giá như Luân hiểu được tấm lòng cha mẹ, biết mở lòng, chia sẻ với gia đình, chứ không chọn con đường bỏ đi nông nổi thì đã không có kết cục xấu xảy ra. Âu cũng là bài học đối với những bạn trẻ khi đứng trước những tình huống của cuộc sống và cũng là câu chuyện cần suy ngẫm trong mỗi gia đình khi con cái đến ngưỡng tuổi trưởng thành.
Câu chuyện đã cách xa gần chục năm, nỗi đau mất đi đứa con trai đầu gia đình cũng đã trải. Tôi chỉ muốn được trao lại cuốn nhật ký của Luân cho cha mẹ cậu để các bậc sinh thành hiểu được tấm lòng của con trai trong những ngày cuối của cuộc đời. Luân đã không còn giận sự ngăn cản tình yêu của bố mẹ như những ngày đầu khi mới bị bắt giam, Luân đã hiểu được rằng sự ngăn cấm đó chính là sự lo lắng của cha mẹ dành cho cậu. Và quan trọng hơn cả, cuối cùng cậu đã hiểu được giá trị của tình cảm gia đình, hiểu được tình thương của mẹ cha, cậu muốn gửi lời xin lỗi đến bố mẹ vì đã không làm tròn phận làm con, gây đau khổ cho gia đình. Câu chuyện về Luân cũng như cuốn nhật ký của tử tù này xin được khép lại từ đây. 
Theo Thu Hòa (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.