Cuộc thi viết "Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc": Tạo hiệu ứng sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi viết “Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” trên báo Gia Lai lần thứ II-2022 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức từ ngày 21-6 đến 5-11 đã kết thúc với nhiều dấu ấn đậm nét, tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội.
Hiệu ứng sâu rộng
Phát động nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022), sự kiện có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức thành viên cùng các nhà báo chuyên và không chuyên. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với lãnh đạo Báo Gia Lai xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ giúp việc; chuẩn bị các nội dung liên quan đến cuộc thi.
Trong quá trình triển khai cuộc thi, Ban tổ chức thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc thi, động viên, khích lệ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Ban tổ chức cuộc thi tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên báo giấy, báo Gia Lai điện tử, trên website của hệ thống Mặt trận, trên mạng xã hội Zalo… đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân để nắm bắt thể lệ, điều kiện tham gia cuộc thi; phối hợp cùng Hội Nhà báo tỉnh làm việc với các chi hội nhà báo trực thuộc tuyên truyền, vận động các nhà báo, phóng viên viết bài tham gia cuộc thi.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đạt giải cuộc thi viết “Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”. Ảnh: Anh Huy
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đạt giải cuộc thi viết “Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”. Ảnh: Anh Huy
Cuộc thi lần thứ II-2022 tiếp tục hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, bám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề đoàn kết, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, chú trọng thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, bảo vệ biên giới. Phản ánh những cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, lan tỏa sâu rộng vì sự nghiệp đại đoàn kết. Nêu bật kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Tập trung phản ánh vai trò và kết quả hoạt động của các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đối với nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; công tác giám sát, phản biện tham gia góp ý xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Mặt trận các cấp.
Phản ánh chân thực, sinh động công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Báo Gia Lai quán triệt tinh thần, ý nghĩa cuộc thi trong toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan; chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn và phóng viên phối hợp thực hiện. Dựa trên yêu cầu phân công, gợi mở phóng viên đi sâu, đi sát, thâm nhập thực tế, tìm tòi phát hiện, lựa chọn đề tài, hướng tiếp cận, thu thập thông tin, tư liệu, triển khai sáng tạo tác phẩm tham gia cuộc thi đảm bảo nội dung và yêu cầu về tiến độ.
Với những nỗ lực đó, tính đến ngày 5-11-2022, Ban tổ chức đã tiếp nhận 40 tác phẩm của các tác giả/nhóm tác giả tham gia dự thi. Sau một thời gian làm việc trên tinh thần nghiêm túc, khách quan, vô tư, Ban giám khảo đã lựa chọn ra 16 tác phẩm tốt nhất để trao giải, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan trao giải cho các tác giả. Ảnh: Anh Huy
Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan trao giải cho các tác giả. Ảnh: Anh Huy
Nhìn chung, cuộc thi đã thu hút khá đông các cây bút chuyên và không chuyên tham gia. Số lượng tác giả không chỉ tăng lên so với cuộc thi năm trước mà còn quy tụ các cây bút là cán bộ, nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trên địa bàn, cán bộ làm công tác tuyên giáo, truyền thanh truyền hình, các tổ chức chính trị-xã hội...
Hầu hết các tác phẩm tham gia giải đều đảm bảo chất lượng, bám sát yêu cầu, thể lệ cuộc thi. Trong đó, những tác phẩm xuất sắc nhất đã thể hiện ngay từ khâu phát hiện và lựa chọn đề tài, xác định thể loại, trăn trở đổi mới sáng tạo, lựa chọn thông tin tư liệu, ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Phạm vi phản ánh của các tác phẩm sâu, rộng thuộc nhiều lĩnh vực và đều bám sát chủ đề, thể lệ, yêu cầu cuộc thi.
Tiêu biểu có tác phẩm “Những cánh chim không mỏi” của tác giả Hà Đức Thành khắc họa sinh động và thuyết phục gương già làng Hip (làng Klah, xã Kon Chiêng), anh Hrun-Trưởng thôn Kon Chrah (xã Hà Ra), anh Bưp-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đak Dwe (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) là những người uy tín, bám sát cơ sở, tấm lòng rộng mở, nhiệt huyết với phong trào, tận lực cống hiến với tâm nguyện giúp dân làng xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no.
Tác phẩm “Thủ lĩnh” vùng đất khó Đak Kơ Ning” của tác giả Ngọc Tấn kể về nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đinh Arớh với vai trò như một thủ lĩnh thật sự, nỗ lực hết mình, bằng chính con người của mình, thành công của gia đình mình để dẫn dắt dân làng học hỏi, làm theo, vươn lên trong cuộc sống, đưa một địa phương từ đa số hộ nghèo trở thành đủ ăn, giàu có, chỉ số ít khó khăn là do đau yếu, mất sức lao động, neo đơn.
Hay như tác phẩm “Mình nói được, làm được thì người dân mới tin và làm theo” của tác giả Phương Thúy đã tái hiện thành công hình tượng nhân vật già làng Mên (làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) với triết lý đã nói là làm, nói được làm được mới thuyết phục được người khác. Ông chuyển từ trồng bắp, mì năng suất thấp sang trồng cà phê, mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò… cho thu nhập 120-150 triệu đồng/năm; giúp nhiều gia đình cùng tiến bộ, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Làng Mơ Nú từ nghèo khó học theo già làng mà giờ đây 80% hộ kinh tế từ đủ ăn đến khá, giàu, nhà ở kiên cố, có điều kiện mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Sáng 16-11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” lần thứ II-2022 trên báo Gia Lai. Từ 40 tác phẩm của các tác giả/nhóm tác giả tham dự cuộc thi, Ban giám khảo đã lựa chọn ra 16 tác phẩm tốt nhất để trao giải gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Trong đó, giải nhất được trao cho tác giả Hà Đức Thành với tác phẩm “Những cánh chim không mỏi”.
Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu nghị quyết đại hội Đảng và nghị quyết đại hội MTTQ các cấp. Cuộc thi được tổ chức trong 5 kỳ (1 tuần/kỳ), mỗi kỳ thi có 7 câu hỏi chính và 1 câu hỏi phụ dự đoán số người trả lời đúng đáp án. Cuộc thi triển khai đồng thời qua 2 hình thức để người tham gia dự thi lựa chọn: Thi trắc nghiệm online qua Trang thông tin điện tử tổng hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: https://ubmttq.gialai.org.vn; thi online dưới dạng biểu mẫu điện tử được đăng và chuyển tải trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo). Kỳ thi thứ nhất bắt đầu vào lúc 9 giờ ngày 18-11-2022.
ANH HUY
Rồi người cán bộ Mặt trận tâm huyết Nay Choan (buôn Trôk, xã Ia Trok), ông Kpa Phinh (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) trong tác phẩm “Cán bộ Mặt trận năng nổ, tâm huyết” của tác giả R’Ô Hok đi đầu vận động người dân xóa bỏ hủ tục, di dời khu nhà mả ra xa giọt nước, trường học để thực hiện chủ trương sắp xếp lại khu dân cư. Đó còn là sự vượt qua mặc cảm tội lỗi bởi từng nghe lời kẻ xấu xúi giục biểu tình, bạo loạn để nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời thành công, trở thành trưởng thôn gương mẫu, khi đề cập đến ông Siu Rik (thôn 6, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) trong tác phẩm “Vươn lên sau lầm lỡ” của tác giả Văn Ngọc…
Có thể nói, mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau nhưng chung quy lại đều cho thấy sự dụng công, tâm huyết, lao động vất vả để chuyển đến cho độc giả những phản ánh chân thật, giàu sức thuyết phục, làm nên thành công cuối cùng của cuộc thi.
Đánh giá về cuộc thi lần này, nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Trưởng ban giám khảo-nhìn nhận: Tuy tổ chức trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, thu hút nhiều cây bút tham gia. Để cuộc thi lần tới đạt kết quả tốt hơn, Báo Gia Lai, Hội Nhà báo tỉnh sẽ có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí cho cán bộ Mặt trận các cấp, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên Mặt trận để có thêm tác phẩm chất lượng tham gia. “Chúng tôi chủ động hướng các tác giả đi sâu phản ánh công tác đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, những biểu hiện sai trái, vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam”-ông Huỳnh Kiên đúc kết.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

(GLO)- Ngày 20-1, đoàn công tác do bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang sinh sống tại TP. Pleiku.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.