Cuộc thi Tài năng tiếng Anh: "Tiếp lửa" đam mê ngoại ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc thi Tài năng tiếng Anh tỉnh Gia Lai lần thứ II-2022 không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn góp phần “tiếp lửa” và lan tỏa niềm đam mê học ngoại ngữ trong học sinh, sinh viên.

Được khởi động vào giữa tháng 11-2022, cuộc thi đã thu hút hơn 300 thí sinh các bậc: tiểu học, THCS và THPT đăng ký tham gia. Sau vòng cơ sở, Ban tổ chức đã chọn ra 48 thí sinh xuất sắc để bước vào vòng bán kết. Ở vòng thi này, thí sinh tham gia các bài thi theo chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế. Trong đó, thí sinh bậc tiểu học làm bài thi với định dạng, hình thức và mức độ tương đương bài thi Flyers, thí sinh bậc THCS tương đương với bài thi PET và thí sinh bậc THPT tương đương bài thi IELTS với các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.

 Ông Michael Edward Smithson-thành viên Ban giám khảo đến từ Trung tâm Khảo thí ủy quyền Cambridge chấm thi vấn đáp thí sinh tại vòng bán kết. Ảnh: Mộc Trà
Ông Michael Edward Smithson-thành viên Ban giám khảo đến từ Trung tâm Khảo thí ủy quyền Cambridge chấm thi vấn đáp thí sinh tại vòng bán kết. Ảnh: Mộc Trà



Kết thúc vòng bán kết, 24 thí sinh xuất sắc nhất của 3 bậc học tiếp tục được xướng tên để tham gia tranh tài ở vòng chung kết cùng với 3 thí sinh đến từ Trường Cao đẳng Gia Lai và các phân hiệu trường đại học đứng chân trên địa bàn tỉnh. Vòng thi cuối cùng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả và người tham dự bởi sự đầu tư chuẩn bị công phu, chu đáo và tài năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh. Dưới hình thức sân khấu hóa (diễn kịch, hát, múa, đọc thơ), talkshow, thuyết trình… các thí sinh đã mang đến những phần thi vô cùng sinh động và lôi cuốn. Qua đó, nhiều thông điệp ý nghĩa được chuyển tải đến người xem như: quảng bá văn hóa, du lịch; bạo lực học đường, bạo lực gia đình, nghiện mạng xã hội và cách phòng ngừa, ngăn chặn; tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử; câu view, câu like vô cảm của các TikToker; người trẻ với biến đổi khí hậu…

Với chất giọng truyền cảm, em Võ Hồng Oanh-học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) mang đến vòng chung kết cuộc thi bài hát “Hello Viet Nam” cùng màn múa phụ họa đẹp mắt. “Đây là bài hát được khá nhiều người biết đến, thể hiện tình yêu đất nước và khát khao tìm về nguồn cội của những người trẻ gốc Việt chưa một lần được đặt chân đến quê hương. Con rất vui vì đạt giải ba tại cuộc thi khi thể hiện bài hát này cùng phần ứng xử”-Oanh bày tỏ.

Đáng chú ý, một số thí sinh đã mạnh dạn thể hiện tài năng tiếng Anh của mình thông qua việc lồng tiếng các bộ phim hoạt hình. Đơn cử như phần lồng tiếng trailer bộ phim hoạt hình “Chú mèo đi hia” của em Hồ Nguyên Minh (lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê). Minh chia sẻ: “Lồng tiếng là sở thích của em. Vì vậy, em khá tự tin khi chọn hình thức này để thi chung kết. “Chú mèo đi hia” là bộ phim hoạt hình khá vui nhộn, gần gũi với nhiều người nên giúp em có nhiều “đất diễn”. Cuộc thi đã giúp em có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân; giao lưu, rèn luyện thêm về kỹ năng tiếng Anh và tự tin hơn khi đứng trước đông người”. Với phần thi thuyết phục, Hồ Nguyên Minh đã xuất sắc giành giải nhất ở khối THPT và giải thưởng phụ “Xử lý tình huống xuất sắc”.

Là thí sinh người dân tộc thiểu số duy nhất tham gia cuộc thi và đạt giải nhì, em Kpă SaLim (Trường Cao đẳng Gia Lai) cũng góp phần lan tỏa đam mê học tiếng Anh cho nhiều học sinh, sinh viên. “Em thích học tiếng Anh từ nhỏ nhưng không có nhiều điều kiện để theo đuổi đam mê. Đến năm lớp 10, với sự đồng hành và hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy tiếng Anh, em mới bắt đầu phát triển hơn về kỹ năng ngoại ngữ. Đến nay, em có thể tự tin giao tiếp cơ bản. Giải thưởng lần này là động lực để em tiếp tục cố gắng, bởi giỏi ngoại ngữ sẽ mở ra cơ hội cho một sinh viên Jrai như em tiếp cận với nhiều điều hay trên thế giới”-SaLim vui vẻ nói.

Đánh giá về cuộc thi, ông Tạ Ngọc Thinh-Giám đốc Trung tâm Khảo thí ủy quyền Đại học Cambridge tại Gia Lai, Phó Trưởng ban giám khảo-cho hay: “Chất lượng thí sinh dự thi năm nay khá tốt cả về 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Tất cả thành viên Ban giám khảo đều bất ngờ về khả năng trình bày tiếng Anh và phần trả lời câu hỏi tình huống khá thông minh của các em. Đặc biệt, nhiều thí sinh còn sử dụng hình thức lồng tiếng phim khá ấn tượng. Đây cũng là một phương pháp để các em học tiếng Anh tốt hơn”.

Ông Michael Edward Smithson-thành viên Ban giám khảo đến từ Trung tâm Khảo thí ủy quyền Cambridge-cũng nhận định: “Gia Lai ở xa các thành phố lớn nhưng ngành Giáo dục tỉnh đã làm rất tốt công tác giảng dạy tiếng Anh cho học sinh. Tôi đặc biệt ấn tượng với học sinh bậc THCS, bởi thường kỹ năng nói ở lứa tuổi này chỉ tương đương bậc tiểu học. Tuy nhiên, qua cuộc thi này, tôi nhận thấy trình độ của các em đã gần đạt mức tiền trung cấp. Điều này rất tuyệt vời!”.

Cuộc thi là cơ hội để học sinh trải nghiệm với các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế. Ảnh: Mộc Trà
Cuộc thi là cơ hội để học sinh trải nghiệm với các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế. Ảnh: Mộc Trà


Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban tổ chức cuộc thi: Ngay từ vòng thi bán kết, nhiều học sinh đã cho thấy thành tích vượt trội. Chẳng hạn, có những học sinh THPT đạt 7.5 đến 8 điểm IELTS trong khi chuẩn năng lực ngôn ngữ bậc 3 đối với học sinh THPT chỉ cần đạt 4.5-5.0; học sinh THCS đạt 160-165 điểm bài thi PET, vượt chuẩn năng lực ngôn ngữ 2 bậc (đạt B2 thay vì A2); đa số học sinh tiểu học cũng đạt 14-15 khiên (điểm tối đa trong bài thi FLYERS-A2, trong khi chuẩn năng lực ngôn ngữ bậc tiểu học là A1).

“Kết quả này cũng phần nào phản ánh thực trạng dạy và học tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành sẽ có định hướng xây dựng kế hoạch dạy học tiếng Anh phù hợp hơn theo chuẩn năng lực ngôn ngữ, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn”-ông Long cho biết.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.