"Cùng em học trực tuyến": Lan tỏa tinh thần nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, một số gia đình không có điều kiện mua sắm thiết bị học trực tuyến cho con em mình. Trên cơ sở khảo sát thực tế, tổ chức Đoàn-Hội-Đội và các nhóm tình nguyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa để “tiếp sức” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Vừa qua, nhóm từ thiện Fly To Sky triển khai chương trình “Màn hình chia sẻ”. Đối tượng giúp đỡ là học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; con em gia đình có bố hoặc mẹ qua đời do dịch Covid-19; con em gia đình cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, y tá, các lực lượng tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh khó khăn… chưa có thiết bị học trực tuyến. Nhóm từ thiện đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để trao tặng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và kinh phí sửa chữa các thiết bị cũ quyên góp được.
Cuối tháng 10-2021, nhóm từ thiện Fly To Sky đã tặng máy tính xách tay cùng ba lô và một số thiết bị phục vụ nhu cầu học trực tuyến cho 10 em học sinh khó khăn ở TP. Pleiku và huyện Chư Sê. Em Nguyễn Ngọc Như (lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) hiện đang sinh sống tại chùa Bửu Châu (phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Vui mừng khi được nhóm từ thiện tặng máy tính, Như chia sẻ: “Do sử dụng nhiều nên điện thoại của em thường xuyên trục trặc, việc học online bị ảnh hưởng. Được các anh chị tặng máy tính, em rất mừng và sẽ bảo quản, sử dụng thật tốt, chia sẻ với các em trong chùa để cùng học tập”.
Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp Thành Đoàn Pleiku trao tặng máy tính cho em Nguyễn Ngọc Như (ở giữa, lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Hoa Thám). Ảnh: Thủy Bình
Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp Thành Đoàn Pleiku trao tặng máy tính cho em Nguyễn Ngọc Như (ở giữa, lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Hoa Thám). Ảnh: Thủy Bình
Bên cạnh tặng máy tính, nhóm từ thiện Fly To Sky cũng trao tặng gel rửa tay sát khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn và một số đồ dùng học tập. Anh Lê Văn Phúc-Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky-thông tin: “Thời gian triển khai chương trình “Màn hình sẻ chia” của nhóm bắt đầu từ ngày 14-10-2021, dự kiến kéo dài đến tháng 9-2022. Sau khi trao tặng, nếu máy tính bị lỗi hay hư hỏng, nhóm sẽ sửa chữa giúp các em. Các em được hỗ trợ đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhìn các em vui mừng khi nhận được máy tính, điện thoại, nhóm càng có động lực để thực hiện tốt chương trình. Với mục tiêu hỗ trợ hàng ngàn thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh, chương trình hy vọng nhận được sự chung tay giúp sức của các Mạnh Thường Quân”.
Anh Đỗ Duy Nam (bìa phải)-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn tặng máy tính bảng cho học sinh huyện Kbang. Ảnh: Thủy Bình
Anh Đỗ Duy Nam (bìa phải)-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn tặng máy tính bảng cho học sinh huyện Kbang. Ảnh: Thủy Bình
Cũng với mục đích chăm lo thế hệ trẻ, hưởng ứng chương trình “Cùng em học trực tuyến”, Tỉnh Đoàn vừa trao tặng 10 máy tính bảng mới (trị giá 2,5 triệu đồng/máy) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện: Phú Thiện, Kbang và thị xã Ayun Pa. Từ chiếc máy tính bảng do Tỉnh Đoàn trao tặng, em Phạm Tiên Dung (lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Kbang) đã có thể tham gia đầy đủ các tiết học trực tuyến. “Nhà em chỉ có một chiếc điện thoại nhưng 2 chị em cùng học trực tuyến. Do điện thoại đã cũ nên học một lúc là bị sập nguồn. Chiếc máy tính bảng do Tỉnh Đoàn hỗ trợ có camera, màn hình to hơn nên em rất thuận lợi trong học tập”-Dung chia sẻ. 
Để triển khai hiệu quả chương trình “Cùng em học trực tuyến”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo tổ chức Đoàn-Hội-Đội các cấp tích cực vận động nguồn lực với mục tiêu hỗ trợ 1.000 thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo tổ chức Đoàn-Hội-Đội các cấp khảo sát, nắm rõ số lượng học sinh khó khăn khi học trực tuyến để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Ngoài tặng máy tính, Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các đơn vị triển khai thành lập đội hình tình nguyện “IT áo xanh” để tiếp nhận, cài đặt phần mềm học trực tuyến cho học sinh. Những hoạt động ý nghĩa nhằm “tiếp sức” cho các em học sinh khó khăn có điều kiện học trực tuyến, không bị gián đoạn việc học”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.