Công ty 715 nâng cao chất lượng vườn cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để nâng cao chất lượng vườn cà phê, Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15) đã đẩy mạnh đầu tư cải tạo, ghép giống mới trên những diện tích già cỗi, năng suất thấp. Bước đầu, việc làm này đã mang lại những kết quả khả quan.
Thượng tá Nguyễn Phúc Kính-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 715-cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động và bà con địa phương, Công ty đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng trọt, khai thác, chế biến. Đồng thời, Công ty chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, tích cực sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả lao động. Với phương châm “Đổi mới làm xanh hay để vườn cây chết”, đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình “Cải tạo, ghép giống cà phê mới”. Nhờ thực hiện đúng quy trình, đảm bảo giống và các yếu tố kỹ thuật nên bước đầu mô hình đã thu được kết quả khả quan. Những cành cà phê ghép phát triển nhanh, thân to, chắc, nhiều thân ghép đã ra quả. Thành công từ mô hình này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu, cải tạo chất lượng vườn cây cà phê mà đơn vị đang quản lý.
Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào giống, điều kiện trồng, chế độ chăm sóc và cách tổ chức khai thác. Những vườn cây già cỗi khó chăm sóc, mức đầu tư lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Vì vậy, để bảo đảm cho vườn cây sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc tái canh, cấy ghép những diện tích già cỗi đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, việc ghép chồi cà phê không những tiết kiệm được chi phí đầu tư mà còn rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản.
Cán bộ Công ty 715 hướng dẫn người lao động ghép chồi non cho cây cà phê (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Quang
Cán bộ Công ty 715 hướng dẫn người lao động ghép chồi non cho cây cà phê (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Quang
Đang ghép nêm từng mầm cây cà phê, anh Phạm Văn Dương-công nhân Đội 16-bộc bạch: “Khi mới trồng cà phê, tôi chưa nắm và vận dụng đúng kỹ thuật canh tác nên cây sinh trưởng, phát triển không đều, lại bị sâu bệnh. Năng suất vườn cây vì vậy không cao. Tháng 3-2020, đơn vị có chủ trương cải tạo vườn cà phê bằng biện pháp ghép nêm, tổ chức cho người lao động tham quan các mô hình ghép cải tạo. Sau đó, được sự hướng dẫn kỹ thuật ghép của cán bộ trong đơn vị, tôi quyết định tái canh, ghép cải tạo từng phần trên vườn cà phê của mình. Đến nay, tuy thời gian chưa dài nhưng số mầm ghép ban đầu phát triển tốt, thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, nhiều cành rất sai quả. Từ những kinh nghiệm và thành công ban đầu, năm nay, tôi quyết định ghép toàn bộ vườn cà phê của mình, hy vọng sắp tới có những vụ mùa bội thu”.
Chị Nguyễn Thị Hiền-công nhân Đội 12-cho hay: “Phương pháp ghép nêm phải đúng quy trình kỹ thuật thì mầm ghép mới phát triển tốt. Sau khi được Công ty tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật và được cán bộ đơn vị tư vấn, hướng dẫn cách chọn giống, cắt mầm, tìm gốc ghép, chẻ thân… tôi quyết định làm thí điểm trên 100 cây. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên các mầm ghép phát triển rất khả quan, ra quả nhiều, sâu bệnh ít. Vì vậy, gia đình tôi quyết định ghép mầm hết trên 2 ha cà phê còn lại”.
Đại tá Nguyễn Thế Bích-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 715-chia sẻ: “Để đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Công ty đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch gắn với đột phá vào vườn cây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống người lao động. Sau nhiều lần khảo sát, Đảng ủy-Ban Giám đốc Công ty quyết định tái canh ghép chồi để trẻ hóa vườn cây. Để chủ trương này mang lại hiệu quả, đội ngũ cán bộ đơn vị đã tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm, bám dân và người lao động vừa hướng dẫn, tư vấn, vừa “cầm tay chỉ việc”. Từ 50 ha, năm nay, Công ty quyết tâm ghép nêm tất cả 220 ha cà phê còn lại”.
LÊ QUANG

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.