Công nghiệp năng lượng tái tạo khẳng định vị thế tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Những năm gần đây, vị thế ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thể hiện rõ qua giá trị đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khai thác các nguồn năng lượng sạch

Toàn tỉnh có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, phân bố trên các hệ thống sông suối, ao hồ. Sông suối ở Gia Lai có đặc điểm là ngắn và dốc, rất thuận lợi để xây dựng công trình thủy điện, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng hơn 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6-5,2 kWh/m2, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW.

Về tiềm năng điện gió, Gia Lai có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối trên địa bàn cho sản xuất năng lượng với khoảng 620.000 tấn/năm (gồm bã mía có sản lượng khoảng 520.000 tấn/năm; chất thải hữu cơ từ chế biến nông-lâm sản như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa… sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm), quy mô công suất có thể đạt khoảng 850 MW.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: Hầu như các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai có vị trí rất quan trọng về truyền tải điện. Hệ thống lưới điện truyền tải gồm các cấp điện áp 220 kV, 500 kV có quy mô, khối lượng tương đối lớn, đảm bảo công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao, đồng thời đảm bảo khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện quan điểm “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” cũng như các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, UBND tỉnh rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Phạm Quý

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Phạm Quý

Với tiềm năng phát triển và hạ tầng lưới điện, tỉnh đã thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89 MW. Trong đó, thủy điện có 60 dự án với tổng quy mô công suất 2.330,89 MW gồm: 49 dự án đang vận hành với tổng công suất 2.251,69 MW; 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 21 MW; 9 dự án thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 58,2 MW. Toàn tỉnh có 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp (tương đương công suất 630 MW), trong đó, 2 dự án đang vận hành với tổng công suất 84 MWp; 5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 663 MWp; 2 dự án thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 40 MWp.

Bên cạnh đó, tỉnh có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 603 MWp; 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW. Tỉnh có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4 MW, trong đó, 7 dự án đang vận hành thương mại 100% với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117,2 MW, chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án đã triển khai thi công hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW.

Ông Nguyễn Văn Hội-Quản lý Nhà máy Điện gió HBRE Chư Prông-cho hay, dự án điện gió HBRE Chư Prông có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, công suất 50 MW với 12 trụ tua bin. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước khoảng 163 GWh. Dự án vận hành từ cuối năm 2021 đã góp phần tăng sản lượng điện quốc gia. Trong 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện của nhà máy đạt hơn 56,8 triệu kWh, doanh thu hơn 110 tỷ đồng.

Tạo vị thế cho công nghiệp năng lượng tái tạo

Hiện nay, sản xuất và phân phối điện, khí đốt chiếm khoảng 39% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong quý I-2023, giá trị công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt hơn 2.302 tỷ đồng; sản lượng điện đạt hơn 2,3 tỷ kWh (đạt 19,58% kế hoạch, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo đánh giá của Sở Công thương, chỉ trong 2 năm vừa qua, Gia Lai đã có thêm 1.200 MW điện năng lượng tái tạo. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút nguồn vốn rất lớn, mức đầu tư trung bình điện gió là 35 tỷ đồng/MW, thủy điện là 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các dự án năng lượng còn phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Từ khá sớm, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh việc khai thác lợi thế về thủy điện, điện gió và điện mặt trời thì việc tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ ngành chế biến nông-lâm sản để phát triển điện sinh khối là hướng đi đầy tiềm năng. Vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khảo sát để tiến hành đầu tư Cụm dự án điện sinh khối tại xã Gào (TP. Pleiku) có công suất 100 MW. Tập đoàn T&T cũng đã tiến hành khảo sát ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) để xây dựng nhà máy điện sinh khối có công suất khoảng 100 MW”-ông Binh thông tin.

Lắp đặt hệ thống pin mặt trời Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa. Ảnh: Minh Triều

Lắp đặt hệ thống pin mặt trời Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa. Ảnh: Minh Triều

Ông Nguyễn Đức Minh-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: “Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng được khởi công từ tháng 6-2021, có công suất 360 MW với 2 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 180 MW). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.398 tỷ đồng. Dự kiến thời gian phát điện tổ máy 1 vào ngày 30-6-2024, tổ máy 2 vào ngày 30-9-2024, hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 12-2024. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tăng sản lượng điện trung bình 223,2 triệu kWh/năm, tăng khả năng huy động công suất vào giờ cao điểm 364 triệu kWh”.

Để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch tương ứng với tiềm năng của tỉnh, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu rà soát, đổi mới cơ chế, thực thi chính sách về đất đai và bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.