Công cụ AI mới dự đoán bạn sống đến khi nào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia quốc tế đã tạo ra một chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán bạn sống đến khi nào, với độ chính xác lên tới 78%.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) cùng Đại học Copenhagen, Đại học ITU, Đại học Đông Bắc Hoa Kỳ đã phát triển một công cụ mới dự đoán thời gian ra đi của một người, dựa trên công nghệ AI biệt lập cho ra kết quả có độ chính xác cao.

Được mô phỏng theo ChatGPT, hệ thống đặc biệt mới có tên là AI Life2vec, nó sử dụng thông tin cá nhân như sức khỏe gồm bệnh án, các cuộc hẹn với bác sĩ, số lần đến bệnh viện, giáo dục, nghề nghiệp, thu nhập cá nhân,.v.v. để dự đoán cái chết của con người.



Mô hình Life2vec được mô phỏng tương tự như ChatGPT của OpenAI, nó được đào tạo thông qua dữ liệu thị trường lao động và sức khỏe rộng rãi từ 6 triệu người Đan Mạch. Ảnh: Aitoolmall

Mô hình Life2vec được mô phỏng tương tự như ChatGPT của OpenAI, nó được đào tạo thông qua dữ liệu thị trường lao động và sức khỏe rộng rãi từ 6 triệu người Đan Mạch. Ảnh: Aitoolmall

Dựa trên dữ liệu dân số của Đan Mạch, mô hình AI này đã cải tiến độ chính xác dự đoán của nó. Khi tiến hành phân tích dữ liệu thị trường lao động và sức khỏe dân số từ năm 2008 đến năm 2020 với sự tham gia của 6 triệu người Đan Mạch, công cụ này đã dự đoán thời gian ra đi của một người với độ chính xác lên tới 78%.

"Chúng tôi sử dụng công nghệ AI để phân tích cuộc sống con người, thông qua dạng chuỗi các sự kiện xảy ra trong cuộc đời của họ", Sune Lehmann, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết.

Theo Sune Lehmann, không giống như ChatGPT tập trung vào việc tạo văn bản sáng tạo có khi vượt qua các rào cản chuyên môn, thì hệ thống Life2vec có cách tiếp cận khác hơn một chút. Công cụ AI này đi sâu vào dữ liệu lịch sử của các cá nhân, phân tích các chi tiết như sức khỏe, giáo dục, sự nghiệp và thu nhập, nói chung là các chuỗi dữ liệu sự kiện đã xảy ra trong một cuộc đời con người.

Bước tiếp theo, các chuyên gia có kế hoạch tích hợp các loại thông tin bổ sung, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh và dữ liệu về kết nối xã hội, để nâng cao khả năng dự đoán của mô hình AI.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận những lo ngại về mặt đạo đức xung quanh mô hình Life2vec này, bao gồm việc bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, các vấn đề về quyền riêng tư, nguy cơ sai lệch tiềm ẩn trong quá trình phân tích dữ liệu. Theo họ, những thách thức này phải được giải quyết triệt để trước khi áp dụng mô hình rộng rãi ra công chúng. Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo rằng, các công ty bảo hiểm không nên sử dụng hệ thống này vì lý do đạo đức.

Có thể bạn quan tâm