Con đường của máu và hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng. Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa. Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”.

Những thi từ trong Nước non ngàn dặm của nhà thơ Tố Hữu đã khái quát phần nào về Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh qua dải đất Quảng Trị kiên trung trong cuộc trường chinh vĩ đại đánh Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tôn vinh những người con ưu tú

Khe Hó (Vĩnh Hà - Vĩnh Linh- Quảng Trị) nằm giữa thung lũng hẹp, dưới chân dãy núi Động Nóc, cạnh thượng nguồn sông Rào Thanh. Năm 2011, Khe Hó được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia “Địa điểm xuất phát của Đường dây 559”.

Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đường Hồ Chí Minh được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, trở thành tuyến đường huyết mạch trong hệ thống giao thông quốc gia. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, năm 2000, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh này được khởi công xây dựng với hai nhánh Đông và Tây. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đi qua ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; nhánh Tây có hai đoạn (một đoạn đi qua huyện Hướng Hóa, một đoạn đi qua huyện Đakrông) với tổng chiều dài các nhánh hơn 200km. Tuyến đường này trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương và liên kết vùng. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông cùng với Quốc lộ 1A, cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đang xây dựng trở thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục Bắc-Nam. Tuyến đường này hiện có hai làn, thảm bê tông nhựa, đi xuyên qua vùng gò đồi phía Tây của Quảng Trị. Sau khi được xây dựng, phương tiện lưu thông trên tuyến đường này ngày càng nhộn nhịp, các khu dân cư đông đúc hình thành. Những vườn hồ tiêu, lô cao su, rừng sản xuất trải dài cùng nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất xây dựng ở hai bên đường.

Bí thư Huyện ủy Gio Linh Lê Tiến Dũng chia sẻ, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông ngày nay được xây dựng hiện đại và phương tiện lưu thông nhộn nhịp. Đến nay, đi trên con đường này vẫn có thể nhận thấy một thời “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của quân và dân ta. Nằm bên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Linh Trường, huyện Gio Linh là cầu treo Bến Tắt. Đây là cầu treo đầu tiên do lực lượng Công binh Trường Sơn xây dựng từ năm 1973-1974 ở phía thượng nguồn sông Bến Hải-Vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam-Bắc từ năm 1954. Với sức chịu tải cho xe 10 tấn, cấu trúc cáp treo nhịp vượt hơn 100m qua sông Bến Hải, cầu treo Bến Tắt góp đẩy nhanh tốc độ chi viện hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Lực lượng mở đường trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Lực lượng mở đường trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị - cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào 10/4/1977, tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

“Ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hiện có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên coi sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Nghĩa trang Trường Sơn, Khe Hó, cầu treo Đakrông, cầu treo Bến Tắt là những di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh”, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng năm 2013", ông Hồng nói.

Tuyến huyết mạch

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng thông tin, đi qua Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có hai đoạn gồm đoạn từ Quốc lộ 9 tại thị trấn Khe Sanh qua các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Việt ở huyện rẻo cao Hướng Hóa. Đây là tuyến độc đạo nối các địa phương vùng miền núi biên giới của Quảng Trị, đồng thời kết nối với tỉnh Quảng Bình. Tuyến đường này có nhiều đèo dốc quanh co, một bên là núi cao một bên là vực sâu; mặt đường có hai làn và bêtông hóa. Hai bên tuyến đường có nhiều khu dân cư đông đúc và những cánh rừng sản xuất, cây công nghiệp xanh bạt ngàn.

Nhiều nhà máy điện gió của tỉnh Quảng Trị tập trung ở ven đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh. Các nhà máy điện gió đi vào hoạt động từ năm 2021 đến nay đã tạo sự lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là các tua du lịch tham quan những cánh đồng điện gió luôn thu hút khách. Những tuyến giao thông được mở ra vừa phục vụ nhà máy điện gió, vừa tạo sự kết nối giữa các xã vùng miền núi biên giới. Nhờ đó, tạo thêm sinh kế và cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương đa phần là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.

Cầu Bến Tắt bây giờ.

Cầu Bến Tắt bây giờ.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua đèo Sa Mù ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ở độ cao 1.040 m

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua đèo Sa Mù ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ở độ cao 1.040 m

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn từ cầu treo Đakrông giao với Quốc lộ 9 tại xã Đakrông, huyện Đakrông đến huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có vai trò rất quan trọng trong vận tải hàng hóa và kết nối vùng. Các phương tiện nhận hàng hóa nhập khẩu từ Lào, Thái Lan tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay vận chuyển trên Quốc lộ 15D khoảng 12 km, sau đó đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cầu treo Đakrông ra Quốc lộ 9 và đi khắp các tỉnh miền Trung.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Minh - Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay - cho hay những năm gần đây, cửa khẩu này luôn nhộn nhịp hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh.

Theo Chủ tịch tỉnh Võ Văn Hưng, từ năm 2021, Quảng Trị xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giai đoạn 1. Dự án có vốn đầu tư gần 230 tỷ đồng, dài gần 15km đi qua xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh và xã Linh Trường, huyện Gio Linh dự kiến hoàn thành cuối năm nay. “Tuyến đường này có vai trò rất quan trọng là phá thế độc đạo Quốc lộ 9 từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và ngược lại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, tiếp tế lương thực khi có thiên tai xảy ra và đảm bảo quốc phòng-an ninh”, ông Hưng nói.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 ngày 19/5/2024 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là sự kiện quan trọng của quốc gia được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.