Cõi hoa vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không biết đã bao lần tôi thả bước giữa những đồi chè Biển Hồ xanh ngát. Nơi ấy có những cây muồng già sum suê tỏa bóng, đan xen trong vườn chè. Mùa hoa muồng nở rộ, những chùm hoa vàng dắt díu, đung đưa, ánh lên trong nắng sớm. 

Cảm giác như đang dạo chơi trong cõi hoa vàng khi đứng giữa muôn ngàn cánh hoa bay trong gió.

1. Cõi hoa vàng ấy khiến tôi không khỏi nhớ nhung, ngay cả khi đang hiện diện ở đó. Tôi nhớ Loan, người em gái khi xưa từng có nhiều kỷ niệm. Nhà Loan ở trong một xóm nhỏ giữa những đồi chè Biển Hồ và nằm ngay dưới bóng cây muồng cổ thụ.

Ngày ấy, tôi là kẻ lữ khách ngang qua rồi lưu lại, tuy thời gian không dài nhưng đủ để lưu luyến lúc đi xa, nhất là nụ cười và đôi mắt long lanh như biết nói của Loan. Nhớ cả những cội muồng sừng sững, cành lá xanh tốt, che chở và ôm ấp xóm làng với những ngôi nhà nhỏ.

Vào mùa, những cánh hoa muồng bung nở rực rỡ rồi phủ vàng mái nhà ngói vảy cũ kỹ xanh rêu và cả khoảng sân đất đỏ thẫm, tạo nên sự tương phản sắc màu đầy ấn tượng.

coi-hoa-vang.jpg
Đường hoa dã quỳ Chư Đang Ya. Ảnh: Phạm Quý

Tôi và Loan thường chọc ghẹo, đùa giỡn hồn nhiên, trong sáng theo kiểu của những đứa học trò chưa đủ lớn nhưng cũng không còn bé bỏng và luôn kết thúc bằng những tiếng cười giòn tan. Thi thoảng, ánh mắt chạm nhau và nhận ra trong ấy ẩn chứa những điều không thể thốt thành lời, trong lòng xao xuyến lạ.

Rồi những ngày ấy cũng chóng qua khi tôi chia tay để rời đi. Sau này, dù rất nhiều lần trở lại xóm nhỏ giữa đồi chè nhưng tôi vẫn chưa một lần gặp lại Loan như lời hẹn, dù người nhà cho biết em ở đâu đó không xa. Tôi cũng đã nhiều lần định tìm gặp Loan nhưng rồi lại thôi, bởi muốn giữ mãi cái ký ức trong trẻo ngày xưa, giữ mãi tiếng cười và đôi mắt em vời vợi như chất chứa cả đất trời cao nguyên.

Cuối năm rồi, một lần nữa tôi trở lại xứ chè Biển Hồ. Chè vẫn xanh, nắng vẫn vàng ánh ả và hoa muồng vàng vẫn nán lại như muốn chờ bước chân người thân quen. Riêng Loan vẫn chỉ nằm sâu trong ký ức của tôi.

2. Những con đường trải đầy ắp nắng vàng ở Biển Hồ dẫn dụ, đưa tôi phiêu du đến một cõi hoa vàng rực rỡ khác: dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Tôi thích tên gọi “dã quỳ” bởi sự hoang dại, khoáng đạt vốn có, nhưng lại thích cái màu vàng rất riêng của loài hoa mang hồn cốt họ cúc này nên hay gọi “cúc quỳ”.

Dọc hai bên đường dẫn đến chân núi Chư Đang Ya là những làng mạc, cánh đồng lúa, là những bờ hoa cúc quỳ đang vào thời điểm nở rộ. Những em bé trong trang phục truyền thống người Jrai bán vòng hoa kết sẵn đã đợi ở điểm dừng chân, thấy khách đến là lao ra chào mời: “Mười ngàn 1 vòng, mua giùm con”. Vừa nói, những cánh tay bé nhỏ vừa chìa vòng hoa vàng tươi về phía tôi.

Vòng hoa cúc quỳ là món quà hầu như du khách nữ nào cũng muốn được sở hữu khi đến Chư Đang Ya, dùng làm đạo cụ chụp ảnh, làm duyên và khoe sắc cùng hoa. Đó cũng là cách xác nhận đã đến và hòa trong khung cảnh nên thơ, hùng vĩ này. Ngước nhìn lên, cả ngọn núi Chư Đang Ya, từ chân đến đỉnh đều trải một thảm hoa vàng rực rỡ.

Tôi từng có cơ hội đi xuyên qua những bạt ngàn hoa cúc quỳ ở nhiều nẻo đường Tây Nguyên hay bay trên bầu trời ngắm nhìn bạt ngàn hoa cúc quỳ ở miền Tây Bắc. Nhưng phải khi đến với Chư Đang Ya mới cảm nhận được sự mê hoặc mà loài hoa này đem lại. Tôi ngẩn ngơ giữa những thảm hoa vàng bất tận, trong đầu ùa về những câu thơ mình vừa viết: “Cả đồi hoa bừng thức/Nhuộm vàng tươi chân trời/Nhuộm mây và nhuộm nắng/Nhuộm mù sa hanh vàng”.

Không ngẫu nhiên mà lễ hội hoa được tổ chức hàng năm dưới chân núi Chư Đang Ya. Là ngọn núi lửa ngưng hoạt động hàng triệu năm và được bình chọn là 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới, Chư Đang Ya là viên ngọc vô giá giữa đại ngàn mà thiên nhiên ban tặng. Đây cũng là nguồn tài nguyên du lịch với sức hút bậc nhất của vùng đất này.

Mỗi độ dã quỳ nở, dòng người muôn phương đổ về Chư Đang Ya để ngắm và hòa vào rừng hoa, để tận hưởng sự trong lành và dịu mát trong mùa đẹp nhất của Tây Nguyên, để nghe âm vang cồng chiêng và để nhìn đôi mắt nâu của em gái Jrai... Chỉ cần như thế đã quá đủ cho một hành trình và quá đủ để làm tươi mới cảm xúc của chính mình.

2-chu-dang-ya.jpg
Đỉnh núi Chư Đang Ya (ảnh nguồn internet)

Phát biểu khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: “Với tình cảm chân thành, nồng hậu, mến khách của người con Gia Lai, chúng tôi mong muốn có sự chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức cùng nhau giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường; cùng nhau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển tỉnh Gia Lai giàu mạnh, xây dựng cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

3. Đường dẫn lên đỉnh núi Chư Đang Ya là con đường mòn, do người dân địa phương lên núi trồng trọt và vận chuyển nông sản lâu ngày mà thành. Những vết bánh xe hằn sâu, tạo thành nhiều rãnh gồ ghề sống trâu, bóng nhẫy. Tuy vậy, nhiều thanh niên nam nữ địa phương làm dịch vụ đưa khách từ chân lên lừng chừng núi bằng xe máy vẫn phóng như bay. Chỉ một số du khách lựa chọn đi bằng xe máy, phần lớn tự chinh phục ngọn núi bằng đôi chân. Đường có nhiều đoạn dốc cao và trơn, mọi người phải lần từng bước.

Từ đỉnh núi Chư Đang Ya, ở độ cao 975 m, có thể thu vào tầm mắt những núi đồi, xóm làng, ruộng đồng… với một màu vàng trải mênh mông, nhiều cung bậc. Vàng của hoa, vàng của lúa và vàng của nắng hòa quyện. Không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên, Chư Đang Ya còn mang trong mình một không gian huyền bí của những lớp nham thạch, đá bazan và những hố núi lớn gắn liền với những truyền thuyết của người dân bản địa về sự hình thành núi lửa, về những linh hồn trú ngụ trên núi và về linh hồn của các chiến binh xưa.

Chính quyền địa phương đang kỳ vọng một sự chung tay đánh thức miền đất này bằng việc lên kế hoạch phát triển khu vực Chư Đang Ya và Biển Hồ thành một điểm đến du lịch trọng điểm, với mục tiêu thu hút đầu tư lên đến khoảng 1,5 tỷ USD.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch khu vực du lịch Chư Đang Ya-Biển Hồ với diện tích lên đến 5.191 ha. Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, bao gồm các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp và kết hợp với các hoạt động văn hóa, tâm linh​… Các dự án đầu tư này không chỉ nhắm đến việc phát triển du lịch mà còn giúp thúc đẩy kinh tế địa phương.

Người dân địa phương đang cùng sống tựa vào núi, cùng vươn lên và cùng tìm được niềm hạnh phúc, ngay ở cõi hoa vàng.

Có thể bạn quan tâm

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Đọc để hiểu mình

Đọc để hiểu mình

(GLO)- Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.

Cơn mưa ngang qua

Cơn mưa ngang qua

Tiết trời vào sáng sớm khá oi nồng, nhưng bầu trời lại phủ kín một màu mây xám đục chứ không trong trẻo như mọi khi. Rồi bất chợt mưa rào rào mà không có gió, có sấm báo trước.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa hoa hẹn phố

(GLO)- Thỉnh thoảng, bạn bè thời đại học ngẫu hứng gửi vào nhóm Zalo bức ảnh về một loài hoa. Dù không giải thích lời nào nhưng lập tức nhiều phản hồi, nhiều icon xuất hiện.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Món quà của chị Hai

(GLO)- Thời tiểu học, tôi khá biếng nhác việc học. Kết quả học tập của tôi năm nào cũng gần như “đội sổ”, trầy trật hết cách mới không bị lưu ban. Trong khi đó, các anh chị tôi đều học giỏi. Tuy nhiên, đọc cuốn sách 'Vượt đêm dài' của nhà văn Minh Quân do chị Hai tặng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tan biến giữa rừng

Tan biến giữa rừng

(GLO)- Tôi mê đắm Tây Nguyên bắt đầu từ 2 chữ “đại ngàn”. Tôi cũng đã từng mường tượng về những cánh rừng bạt ngàn, tán cây che kín không thấy ánh mặt trời, dây leo và cây bụi lấp kín không một lối mòn, muông thú chạy nhảy dưới những tán xanh.

Xôn xao chợ núi

Xôn xao chợ núi

(GLO)- Chợ núi cũng như bao khu chợ ở nhiều vùng miền khác, là nơi mua bán trao đổi, gặp gỡ chuyện trò. Song, chính sự chân chất, bình dị của những phiên chợ này lại khiến bao người nhớ nhung.

Theo cánh ong bay

Theo cánh ong bay

(GLO)- Giữa một ngày chớm hạ, bầy ong mật ở đâu bất chợt vần vũ trên khóm hoa xuyến chi trước sân nhà, khiến tôi xao động. Bên khóm hoa muốt trắng nhụy vàng dịu dàng có bao đôi cánh mỏng tang, rộn rã bên ngày mới.

Nhớ hội trại ngày ấy

Nhớ hội trại ngày ấy

(GLO)- Cứ mỗi dịp tháng 3, khi thấy học sinh nô nức chuẩn bị cho hội trại, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những ngày áo trắng tung bay trên sân trường đầy nắng với bao ước mơ, hoài bão.

Những bức ảnh cũ

Những bức ảnh cũ

(GLO)- Một hôm, tôi vô tình phát hiện cuốn album cũ nằm lẫn giữa đống giấy tờ trong ngăn tủ quần áo. Tôi cầm lên, có cảm giác như chạm vào từng ký ức xa xôi. Ngày xưa yêu dấu theo những bức ảnh lần lượt quay về.

Chờ đợi tầm xuân

Chờ đợi tầm xuân

(GLO)- Tầm xuân đã trở thành cái tên rất quen thuộc với chúng ta, nằm lòng như mấy câu lục bát: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Hoa muộn

Hoa muộn

(GLO)- Người xưa yêu chuộng hoa mai, xem mai là loài hoa biểu trưng cho người quân tử, có cốt cách chính trực, phong nhã.

Màu xoan thương nhớ

Màu xoan thương nhớ

(GLO)- Trong những chiều hoa rụng, mẹ nói với bố là mẹ nhớ quê, nhớ cây xoan già bên cạnh cầu ao. Mẹ kể, sau ngày mẹ lấy chồng, ông ngoại đã xẻ hết cây xoan quanh nhà để ngâm dưới ao. Ông bảo phải ngâm trước mới kịp để sau này có gỗ cho bố mẹ làm nhà.

Hương phố, hương đồi

Hương phố, hương đồi

(GLO)- Thường thì khi gắn bó với một nơi quá quen thuộc, chúng ta hay mặc nhiên nghĩ rằng những gì đang hiện diện là hết sức bình thường, chẳng đáng bận tâm. Chỉ đến khi xa vắng mới thấy lòng thật chông chênh, khắc khoải.

Hương cau mùa cũ

Hương cau mùa cũ

(GLO)- Mỗi lần đi ngang qua vườn cau, lòng tôi lại xao động bởi mùi hương thanh khiết mà dịu dàng của những chùm hoa nở rộ. Hương cau không nồng nàn như hoa sữa mà thoảng nhẹ như một ký ức xa xăm, gợi nhớ những mùa cũ đã đi qua trong đời.

Hương lúa

Hương lúa

(GLO)- Tuổi thơ tôi gắn liền với cánh đồng lúa bát ngát với mùi hương lúa thơm nồng mỗi mùa vụ. Đó là hương thơm của quê hương, của những ngày tháng gắn bó với ruộng đồng, của những ký ức tuổi thơ êm đềm và tình yêu đất mẹ thiêng liêng.

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Ai cũng có một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy ở quê cũng “đặc biệt” lắm. Đó là ngoài việc đi học, còn phải phụ giúp gia đình chăn bò, cắt cỏ, làm đồng. Tất nhiên, đó cũng là những ngày tháng vui chơi đầy ắp tiếng cười.