Cơ sở khám-chữa bệnh công lập: Khó khăn trong tự chủ tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện, trung tâm y tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, tạo động lực phát huy sự sáng tạo trong hoạt động là xu thế tất yếu. Tuy vậy, để việc này được thực hiện hiệu quả thì cần có những cơ chế, giải pháp phù hợp.
Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập” và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị. Giai đoạn 2013-2015 và 2016-2018 thực hiện tự chủ từng phần, tiến tới tự chủ hoàn toàn. Đến cuối giai đoạn 2016-2018, ngành Y tế có 35 đơn vị thực hiện tự chủ ở các mức độ khác nhau. Giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã sắp xếp còn lại 28 đơn vị vào năm 2019, năm 2020 và 2021 còn 27 đơn vị thực hiện tự chủ.
Mục đích của việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là các đơn vị chủ động và sử dụng có hiệu quả tài sản, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh, thái độ phục vụ người bệnh nhằm tăng thu, giảm chi, hướng tới nâng cao thu nhập cán bộ, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ, một số đơn vị (chủ yếu là trung tâm y tế cấp huyện) thu thấp hơn chi nên tỉnh phải cấp bù kinh phí thiếu hụt cho các đơn vị ngày càng nhiều hơn. Sự thiếu hụt này xảy ra chủ yếu ở hệ điều trị của các bệnh viện: đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện. Riêng hệ dự phòng, hoạt động dân số, trạm y tế xã ngân sách nhà nước đảm bảo 100%. Khó khăn lớn nhất của các đơn vị trong triển khai thực hiện tự chủ tài chính là mất cân đối thu-chi. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng thu khám-chữa bệnh, phí, lệ phí là 254,94 tỷ đồng (bằng 90% so với cùng kỳ năm trước); tổng chi là 283,53 tỷ đồng (bằng 95% so với cùng kỳ năm trước). Chênh lệch thu-chi âm 28,6 tỷ đồng.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Nguyễn Tú
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Nguyễn Tú
Việc thực hiện tự chủ của các trung tâm y tế gặp khó khăn trong huy động nguồn thu do người dân có mức sống thấp, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hạn chế. Một số bệnh viện chuyên khoa gặp khó khăn do số lượng bệnh nhân khám ít nên số thu thấp, chủ yếu khám-chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Cá biệt có đơn vị còn nợ lương của cán bộ, nhân viên và người lao động như: Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro và Phú Thiện. Các đơn vị còn lại hầu hết đều sử dụng nguồn tạm ứng của BHYT để chi lương. Ngoài khám-chữa bệnh, các đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19, do đó kinh phí để chi vẫn phải đảm bảo hoặc tăng hơn so với năm trước.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay là do dịch Covid-19 bùng phát, số lượt người đến khám-chữa bệnh giảm, nhiều đơn vị có chung tình trạng số thu giảm dẫn đến thiếu hụt kinh phí chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức và người lao động. Ngân sách nhà nước chưa hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch như tạm đóng cửa một số khoa để làm khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19; trưng tập đội ngũ y-bác sĩ để làm công tác phòng-chống dịch, trong khi các đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính.
Năm 2019 và 2020, cơ quan Bảo hiểm Xã hội giao dự toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT cho các đơn vị thấp. Trong khi đó, nguồn thu chính của các đơn vị là từ BHYT, chiếm 96%; các khoản thu phí, lệ phí khác chiếm 4%. Việc tạm ứng, quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT còn bất cập. Hầu hết các bệnh viện chỉ được tạm ứng 80% dự toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT đã được giao và chỉ quyết toán của năm trước vào quý IV của năm sau, dẫn đến thiếu kinh phí để mua thuốc, vật tư, hóa chất tiêu hao phục vụ khám và điều trị, nhất là các đối tượng khám bằng thẻ BHYT.
Từ ngày 1-7, Gia Lai tạm dừng thẻ BHYT một số đối tượng. Ảnh: Như Nguyện
Từ ngày 1-7, Gia Lai tạm dừng thẻ Bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng. Ảnh: Như Nguyện
Bên cạnh đó, những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Sở Y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế xây dựng đề án tự chủ tài chính chưa sát, lộ trình chưa phù hợp với tình hình của đơn vị, dẫn đến tình trạng mất cân đối thu-chi. Năng lực quản lý của một số lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế còn hạn chế. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý hầu hết chưa được đào tạo bài bản về công tác quản trị dẫn đến quản lý chưa tốt một số mặt, trong đó có công tác tài chính.
Để giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị khám-chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh, ngoài việc đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan sửa đổi những quy định, chính sách chưa phù hợp, thiết nghĩ UBND tỉnh nên quan tâm nhiều hơn trong đầu tư mua sắm trang-thiết bị y tế kỹ thuật cao như: siêu âm màu, X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động để các đơn vị nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân, đảm bảo các điều kiện để thực hiện tự chủ. Bổ sung kinh phí cho các đơn vị có nguồn thu từ quỹ khám-chữa bệnh BHYT, phí, lệ phí không đủ để chi lương và các khoản phụ cấp, nhằm đảm bảo hoạt động điều trị.
Cùng với đó, Sở Y tế cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành sơ kết, đánh giá công tác tự chủ tài chính giai đoạn 2019-2021 của các bệnh viện, trung tâm y tế để có cơ sở xây dựng đề án thực hiện tự chủ giai đoạn 2022-2026 sát, phù hợp lộ trình của từng đơn vị; tuyển dụng biên chế ngành Y tế còn thiếu. Tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt thực hiện tự chủ giai đoạn 2022-2026 cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để các đơn vị có thể thực hiện một cách chủ động.
TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu nhưng nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Critical Reviews in Food Science and Nutrition đã phát hiện một loại trái cây được yêu thích có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch và não bộ đồng thời kiểm soát mức cholesterol