(GLO)- Chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường xuất-nhập khẩu do Bộ Công thương tổ chức từ ngày 19-11 đến 30-12 đã mở ra cơ hội tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), chuỗi hoạt động tư vấn, xúc tiến thương mại lần này được đổi mới theo hướng ứng dụng, tạo cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào thị trường xuất-nhập khẩu. Qua đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do Covid-19 và đóng góp vào sự phục hồi, phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.
Đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Hà Duy |
Gia Lai hiện có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, thị trường châu Âu chiếm 50-60%, châu Á khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện có 82 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê với tổng công suất 11.800 tấn/năm; 3 nhà máy sản xuất, chế biến hạt tiêu công suất 6.500 tấn/năm; 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su công suất 88.000 tấn/năm; 5 nhà máy chế biến hạt điều công suất 15.600 tấn nguyên liệu/năm; 5 nhà máy chế biến tinh bột mì công suất 1.000 tấn thành phẩm/ngày và một số cơ sở chế biến gỗ, chè, trái cây... |
Với 20 phiên tư vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tập trung vào các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam như: Ai Cập, Australia, Arab Saudi, Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển), Bỉ, Bulgaria, Hungary, Indonesia, Israel, Lào, Mỹ, Myanmar, Nam Phi, New Zealand, Nga, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Mỗi phiên tư vấn diễn ra trong 1 ngày nhằm giới thiệu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xuất-nhập khẩu, phát triển thị trường và hướng dẫn cho từng nhóm, từng địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cụ thể về các vấn đề cần quan tâm. Các ngành hàng tư vấn mục tiêu sẽ được tập trung trọng tâm theo từng phiên trên cơ sở tiềm năng phát triển của thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, như: nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng gia dụng, tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại…
Ông Bùi Vương Anh-Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức-cho hay: “Đức là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua với một số mặt hàng chủ yếu như cà phê, hạt tiêu, hải sản và gần đây là đồ gỗ. Kim ngạch xuất-nhập khẩu 2 nước đạt trên 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam cũng cần phải có hướng đi thích hợp, đặc biệt là gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm để thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường Đức nói riêng, EU nói chung”.
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng. Năm 2016 đạt 342,9 triệu USD, đến năm 2020 tăng gần gấp đôi với 580 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, cao su, mì lát, hạt tiêu, sản phẩm gỗ... xuất khẩu sang 40 quốc gia. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai... đã bắt đầu xâm nhập vào những thị trường rộng lớn của thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hường-hội viên Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai-bày tỏ: Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì chuỗi hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường xuất-nhập khẩu lần này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp. Không chỉ cung cấp thông tin về thị trường mà các doanh nghiệp còn được cập nhật những cơ chế, chính sách riêng liên quan đến xuất-nhập khẩu hàng hóa của từng nước. Ngoài ra, tại các phiên tư vấn, doanh nghiệp còn được tư vấn giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
HÀ DUY
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu