Cơ hội gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong sự kiện Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa-Pleiku năm 2022, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã thu hút đông đảo khách tham quan và mua sắm. Đây cũng là dịp để các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Gia Lai được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Vũ Thảo

Trong 3 ngày (từ 24 đến 26-6) tại khu vực đường Anh Hùng Núp-Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa-Pleiku thu hút 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Ủy ban nhân dân TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) là đơn vị chủ trì, UBND TP. Pleiku là đơn vị phối hợp. Hội chợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và 2 địa phương quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Ngoài 12 sản phẩm tự sản xuất thì Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý (TP. Tuy Hòa) cũng đem đến 7 mặt hàng của các đơn vị Công ty kết nối để quảng bá, giới thiệu. Tiêu thụ mạnh nhất là sản phẩm bò một nắng ăn liền, chả ram tôm đất, bánh ít lá gai, cá ngừ đại dương, chả cá thu và một số đặc sản miền biển. Ông Phan Văn Hổ-Giám đốc Công ty vẫn không khỏi bất ngờ trước sức tiêu thụ khá lớn: “Dự kiến số lượng hàng mang lên bán trong 3 ngày nhưng mới ngày đầu tiên đã bán gần hết. Chúng tôi đang chuyển thêm hàng lên để phục vụ nhu cầu của người dân Gia Lai. Tôi hy vọng sẽ được kết nối giao thương giữa các sản phẩm của Phú Yên và Gia Lai để đưa sản phẩm thủy sản, đặc sản của quê hương đi xa hơn nữa”.


Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Hương Phú (TP. Tuy Hòa) cho hay, sản phẩm của Công ty là cà phê. Khi đến tham gia tại ngày hội, chúng tôi đã được tiếp cận một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Qua việc trưng bày tại đây, nhiều khách hàng cũng đến tìm hiểu về sản phẩm cà phê. Trên thực tế, cà phê của Công ty cũng đã tiêu thụ trên Gia Lai nhiều năm nay. Qua đợt tham gia này, hy vọng sẽ có cơ hội được hợp tác với các nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm cà phê của Gia Lai tham gia trưng bày tại Ngày hội du lịch kết nối Tuy Hòa với Pleiku năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo
Sản phẩm cà phê của tỉnh Gia Lai tham gia trưng bày tại Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa-Pleiku năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo


Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh, chương trình kết nối tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ. Bà Trịnh Thị Lương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee (TP. Pleiku)-chia sẻ: “Lần đầu tiên có sự kết nối du lịch giữa 2 địa phương, mở ra cơ hội lớn về giao thương sản phẩm vùng miền. Đây là sân chơi để các nhà sản xuất được gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm, phương thức tiêu thụ. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là ngày hội có sự tham gia của các nhà phân phối thì hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm sẽ cao hơn”.

Là người chế tác ra các sản phẩm đặc trưng, anh Siu Thưm (làng Pleiku Roh, TP. Pleiku) đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng các sản phẩm từ thổ cẩm như túi xách, ví, quần áo hay các nhạc cụ như đàn T'rưng, chuông gió, cây nêu, rượu ghè… Anh Thưm phấn khởi cho hay: "Gia đình làm ra rất nhiều sản phẩm và đã được nhiều người đưa đi tiêu thụ ở một số tỉnh. Qua ngày hội, tôi mong muốn được quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, nét đẹp văn hóa đến đông đảo người dân và du khách".  

Sự kiện trưng bày, bán sản phẩm cũng giúp người dân được tiếp cận các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Bà Trần Thị Xuân (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Ngoài các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai thì các gian hàng của tỉnh Phú Yên với nhiều đặc sản như nước mắm cá cơm, cá cơm khô, chả cá, bánh tráng, bò một nắng, yến sào… rất hút khách”.

Tương tự, anh Phùng Đức Tuấn (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) thì vui vẻ nói: “Các sản phẩm của tỉnh Phú Yên mang đi trưng bày chủ yếu là đặc sản miền biển nên tôi cũng rất tò mò và mua được một vài sản phẩm ưng ý. Việc tổ chức các hoạt động trưng bày và bán sản phẩm như thế này sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền. Từ đó, có nhiều sự chọn lựa sản phẩm chất lượng tốt để tiêu dùng”.

Gian hàng đặc sản của TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) thu hút rất đông khách đến tham quan và mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo
Gian hàng đặc sản của TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) thu hút rất đông khách đến tham quan và mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo

Tham gia sự kiện lần này, tỉnh Phú Yên có 15 gian hàng tham gia, trong đó có 11 gian hàng trưng bày các đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bà Trần Thị Thanh Mai-chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Tuy Hòa-cho biết: Sản phẩm tham gia rất đa dạng như bò một nắng, heo một nắng, sườn một nắng, chả ram tôm đất, cá ngừ đại dương, chả cá thu, nước mắm, bánh tráng, bột dong riềng, cà phê, đông trùng hạ thảo, nước tẩy rửa sinh học… Tham gia sự kiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã rất kỳ vọng vào sự tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng đến với người tiêu dùng.

Theo ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng Kinh tế (TP. Pleiku): Tỉnh Gia Lai có 19 gian hàng OCOP và đặc sản địa phương, 6 gian hàng của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku. Tham gia sự kiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.