Cô giáo Phan Thị Khánh: Tận tâm, sáng tạo vì học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Puih Ly hứa sẽ quay trở lại trường học tập nhưng em chỉ giữ lời hứa ấy với tôi được 2 năm. Sau khi bỏ học, Ly ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy rồi vài năm sau đó thì lấy chồng. Không ít học sinh khác của tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Điều đó khiến tôi mãi trăn trở, cố gắng tìm cách để các em thích đến trường và kiên trì theo đuổi giấc mơ con chữ”-cô Phan Thị Khánh-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) bộc bạch.

Nhiều giải pháp giáo dục hiệu quả

Gia Lai bắt đầu bước vào mùa khô. Tại điểm trường Păng Gol-Phù Tiên (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân trước sáp nhập), lớp 4A do cô Phan Thị Khánh chủ nhiệm nằm ở gần cuối dãy tầng trệt bên trái. Trong tà áo dài hoa nhí sẫm màu, cô Khánh say sưa với bài đọc môn Tiếng Việt “Ở vương quốc Tương Lai” cùng 30 học trò nhỏ.

Nhờ sự tận tình chỉ dạy của cô Phan Thị Khánh, em Rơ Châm Ngoan (lớp 4A) đã có nhiều tiến bộ trong đọc, viết tiếng Việt. Ảnh: M.T

Nhờ sự tận tình chỉ dạy của cô Phan Thị Khánh, em Rơ Châm Ngoan (lớp 4A) đã có nhiều tiến bộ trong đọc, viết tiếng Việt. Ảnh: M.T

Sau khi đọc mẫu, cô Khánh cho học sinh tiếp cận với bài học thông qua các trò chơi nhỏ khiến cả lớp vô cùng thích thú. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và kết nối trình chiếu trực tiếp trên ti vi giúp giờ học môn Tiếng Việt của cô trò càng thêm sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều năm nay, cô Khánh luôn dành thời gian để rèn kỹ năng đọc cho học sinh, nhất là các em người dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cô chia sẻ: “Khi năng lực đọc của các em hạn chế sẽ kéo theo việc đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc diễn cảm chưa chất lượng. Từ đó, các em sẽ chán đọc hoặc e ngại khi đọc thành tiếng vì sợ bạn bè chê cười. Tôi cố gắng giúp các em đọc đúng để tạo tiền đề cho việc đọc nhanh, tiến đến thông hiểu nội dung và đọc diễn cảm tốt”.

Cũng theo cô Khánh, học sinh DTTS khi đọc thường bị mất dấu thanh hoặc sai dấu thanh. Vậy nên, cô thường xuyên cho các em luyện đọc, lắng nghe và sửa lỗi phát âm theo từng bước, từ đọc đúng các phụ âm đầu, âm chính, âm cuối rồi đến các dấu thanh. Sau khi học sinh đã luyện đọc đúng từ ngữ trong bài, cô Khánh cho các em ghép đôi với 1 bạn đọc tốt và tiếp tục luyện đọc. Ngoài ra, cô còn chú trọng giúp học sinh đọc ngắt, nghỉ đúng dấu câu, đọc liền tiếng không bị ngắt quãng, tiến đến đọc trôi chảy và thể hiện được giọng đọc tự tin, diễn cảm.

“Với sự nỗ lực của cả cô và trò, chất lượng đọc của học sinh trong lớp ngày càng đồng đều hơn. Học sinh DTTS đọc yếu đã tiến bộ rõ rệt, không còn phát âm sai, tốc độ đọc nhanh hơn hẳn so với đầu năm học. Tỷ lệ đọc đúng, đọc rõ ràng đạt 100%. Đáng mừng hơn là các em tỏ ra yêu thích và mong chờ đến giờ tập đọc; mong được tham gia đọc bài và thi đọc diễn cảm”-cô Khánh cho hay.

Song song với rèn luyện kỹ năng đọc, cô giáo Khánh còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh DTTS. Việc làm này được cô tập trung thực hiện khi giảng dạy tại các điểm làng và duy trì đến hiện tại. Theo cô Khánh, luyện đọc và luyện viết phải tiến hành đồng thời, bởi nếu các em đọc đúng, phát âm đúng thì sẽ dễ dàng đặt đúng dấu thanh khi viết. Sau khi viết đúng được dấu thanh, cô tiếp tục hướng dẫn học sinh nắm vững, ghi nhớ một số quy tắc và mẹo luật chính tả; quy trình và cấu tạo con chữ; viết theo mẫu; rèn kỹ năng nghe-viết chính tả và cuối cùng là giúp các em trình bày đúng, đẹp trên vở.

Cô Khánh còn được Ban Giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao bởi tổ chức được nhiều hoạt động dạy học tích cực ở môn Toán, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Chẳng hạn, khởi động bài học bằng một số trò chơi sôi nổi như: “Truyền điện” (áp dụng ở tất cả bài học, giúp học sinh củng cố, rèn luyện kỹ năng tính toán), “Hái quả”(áp dụng cho các tiết học tìm phân số của một số, ôn tập về phân số), “Gà mẹ tìm con” (áp dụng cho các tiết học cộng, trừ, nhân, chia phân số); hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tư duy theo từng nội dung bài học và thuyết trình theo nhóm; sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học nhằm tạo hứng thú, tăng tính tập trung cho học sinh…

“Đầu năm học, con đọc và viết chậm, tính toán cũng chưa nhanh bằng các bạn. Cô Khánh đã giúp đỡ rất nhiều để con luyện đọc diễn cảm, viết chữ đẹp. Con rất thích những giờ học Toán vì vừa học vừa chơi rất vui”-em Rơ Châm Ngoan cho hay.

Không chỉ áp dụng các biện pháp cho riêng lớp mình chủ nhiệm, với vai trò là Tổ trưởng tổ khối 4, cô Khánh cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm học 2020-2021 đến nay, cô là một trong những giáo viên cốt cán của huyện tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được chọn góp mặt trong Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh từ năm học 2022-2023. Đây cũng là cơ hội để cô phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo, giúp học trò ngày càng yêu thích việc đến trường.

Hạnh phúc với nghề

Cô Khánh sinh năm 1975 tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Năm 1982, khi lên làm công nhân cà phê tại Nông trường Ia Sao 1 (nay thuộc xã Ia Yok, huyện Ia Grai), bố mẹ cô đưa các con đi theo. Sau khi ổn định cuộc sống mới, Khánh mới được bố mẹ cho đến trường, trễ hơn 2 năm so với bạn bè đồng trang lứa. Tốt nghiệp THCS, Khánh theo học Sư phạm Tiểu học hệ 9+3 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với mong muốn quay về giảng dạy cho các em nhỏ nơi mình đang sinh sống. Năm 1995, cô được phân công về Trường Phổ thông cơ sở Nông trường Ia Sao 1. Hai năm sau, trường được chia tách bậc học, cô Khánh chuyển đến công tác tại ngôi trường mới mang tên Tiểu học Trần Quốc Toản. 15 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Khánh đã dành trọn thanh xuân với nghề, không ngừng thắp sáng tri thức và “tiếp lửa” đam mê cho nhiều thế hệ học trò.

Cô giáo Phan Thị Khánh luôn được học sinh yêu mến vì sự gần gũi, ân cần. Ảnh: M.T

Cô giáo Phan Thị Khánh luôn được học sinh yêu mến vì sự gần gũi, ân cần. Ảnh: M.T

Cô Nguyễn Thị Yến-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Đak La, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) xúc động bày tỏ: “Cô Khánh là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của tôi tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản năm học 2003-2004. Tôi cảm thấy mình khá may mắn vì được là học trò của cô, bởi cô không chỉ giỏi mà còn rất tận tâm, ân cần, chu đáo. Cô cũng là người truyền cảm hứng để tôi yêu nghề giáo và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Mỗi khi về Gia Lai thăm nhà, tôi đều liên lạc và đến thăm cô. Đó là tình cảm mà tôi luôn trân quý”.

Năm 2012, cô Khánh được cấp trên điều chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (nay là Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh). Với cô Khánh, đây là bước ngoặt đáng nhớ trong nghề và cũng là sự khởi đầu cho những câu chuyện đẹp về tình cô-trò nơi vùng khó.

“Khi biết tin, tôi đã trăn trở rất nhiều. Không phải vì bản thân ngại khổ mà bởi không biết mình có thể giúp gì cho các em học sinh khó khăn vốn đã chịu nhiều thiệt thòi ở xã Ia Bă. Bất đồng ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp, phụ huynh hầu như ít quan tâm đến chuyện học hành của con, học sinh bữa học bữa nghỉ… là những áp lực mà tôi phải đối mặt trong thời gian đầu. Điều này khác hẳn so với lúc tôi giảng dạy tại vùng thuận lợi trước đây”-cô Khánh nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Gấm-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh: “Nỗ lực của cô Khánh đã được nhà trường, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục địa phương ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý. Mới đây, cô Khánh là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Gia Lai được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen Nhà giáo tiêu biểu năm 2023”.

Với mục tiêu không để tình trạng ấy mãi kéo dài, cô Khánh tự học tiếng Jrai đủ để giao tiếp rồi cùng với các giáo viên khác trong trường đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em tới lớp; đồng thời, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao để níu chân các em đến trường.

Một thời gian sau, vấn đề duy trì sĩ số học sinh cơ bản được giải quyết nhưng vẫn chưa thể bền vững. Bởi lẽ, đời sống học sinh còn nhiều thiếu thốn. Mỗi ngày đi học, nhiều em vẫn phải mặc những bộ quần áo cũ sờn, lấm bẩn, chân không có dép; sách vở, bút viết hầu như không có. Đặc biệt, vào mùa mưa, nhiều em phải nghỉ học vì quần áo không kịp khô.

Chứng kiến cảnh này, trái tim cô giáo Khánh không khỏi quặn thắt. Thế là cô liên hệ bạn bè, người thân, lên mạng kết nối các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ quần áo, giày dép; bản thân cô cũng nhiều lần tự bỏ tiền túi để mua bút, tập vở tặng các em. Nhìn những học trò nhỏ hớn hở trong trang phục sạch đẹp, tinh tươm tới lớp, chăm chỉ học tập và thoải mái vui đùa, cô giáo Khánh bảo rằng, đó chính là hạnh phúc.

Chị Rơ Châm HNhan (làng Dun De, xã Ia Bă) tâm sự: “Gia đình mình thuộc diện cận nghèo, đời sống rất khó khăn. Tuy nhiên, được sự động viên của cô giáo Khánh, vợ chồng mình vẫn cố gắng cho các con đi học để biết cái chữ, sau này không vất vả như bố mẹ. Cô Khánh cũng kèm cặp và hỗ trợ sách vở, bút viết cho con khi tôi chưa có tiền mua. Gia đình biết ơn cô giáo nhiều lắm”.

Nhận xét về người đồng nghiệp gắn bó hơn 10 năm, cô Nguyễn Thị Gấm-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh không tiếc dành những lời “có cánh”: Cô Khánh là đảng viên gương mẫu, là giáo viên có chuyên môn tốt. Nhiều sáng kiến của cô trong quá trình dạy học được các cấp công nhận và áp dụng hiệu quả tại nhà trường. Đặc biệt, hơn 5 năm đảm trách tại các điểm làng khó khăn với 100% học sinh DTTS, lớp cô Khánh luôn đi đầu trong việc duy trì sĩ số, chất lượng học tập và các phong trào thi đua. Gần đây, cô cũng tích cực tham gia công tác chủ nhiệm và dạy học xóa mù chữ cho người DTTS tại các điểm làng.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.