Cô giáo người Việt được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn tham gia chương trình danh giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 20 năm kinh nghiệm, chị Thùy Linh vừa được chọn tham gia chương trình Chuyên gia Anh ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ, hoạt động được cho là danh giá và uy tín hàng đầu trong cộng đồng dạy tiếng Anh tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chọn tiến sĩ Phùng Thùy Linh, cô giáo người Việt hiện đang dạy tiếng Anh tại Mỹ, cho chương trình Chuyên gia Anh ngữ. Ảnh: NVCC
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chọn tiến sĩ Phùng Thùy Linh, cô giáo người Việt hiện đang dạy tiếng Anh tại Mỹ, cho chương trình Chuyên gia Anh ngữ. Ảnh: NVCC

Một trong những đại diện xuất sắc nhất

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20.9 công bố ứng viên tham gia dự án của chương trình Chuyên gia Anh ngữ (English Language Specialist). Người được chọn là tiến sĩ Phùng Thùy Linh (Linh Phung), sáng lập viên Eduling International đồng thời là Giám đốc Chương trình tiếng Anh tại ĐH Chatham (Mỹ). "Tôi rất vui khi nhận tin vì từng nghĩ vị trí này chỉ dành cho những đồng nghiệp có tiếng nhất trong ngành", chị Linh bộc bạch.

Chuyên gia Anh ngữ được Bộ Ngoại giao Mỹ khởi xướng từ năm 1991, đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng trăm học giả và nhà giáo dục về lĩnh vực dạy tiếng Anh cho người nước ngoài (TESOL). Chương trình nhằm thúc đẩy việc học tiếng Anh, nâng cao năng lực dạy tiếng Anh và tạo thuận lợi cho việc thấu hiểu lẫn nhau giữa Mỹ và các quốc gia khác thông qua việc trao đổi văn hóa.

"Qua các dự án được Đại sứ quán Mỹ tại hơn 80 quốc gia xây dựng, người tham gia sẽ làm việc trực tiếp với những nhà đào tạo giáo viên, lãnh đạo giáo dục và quan chức giáo dục của nước sở tại để trao đổi kiến thức, xây dựng năng lực và thiết lập quan hệ đối tác. Các dự án này đầy thử thách, và người được chọn là những đại diện xuất sắc nhất của cộng đồng TESOL tại Mỹ", Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý.

Chị Thùy Linh dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế tại ĐH Chatham. Ảnh: NVCC

Chị Thùy Linh dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế tại ĐH Chatham. Ảnh: NVCC

Là "người được chọn", thời gian tới, tiến sĩ Linh sẽ dành hai tuần để truyền đạt các phương pháp TESOL tại Trường Sư phạm ở TP.Navojoa, Mexico dưới hình thức trực tuyến. Điều này nhằm chuẩn bị hành trang cho những tân cử nhân sắp giảng dạy tại các trường Telesecundaria và Telebachillerato (hệ thống giáo dục từ xa cho học sinh THCS, THPT tại vùng nông thôn Mexico-PV).

"Với dự án này, tôi vinh dự được trình bày cùng giáo sư Stephen Krashen, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng đã đặt nền móng cho lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ thứ hai. Tôi cũng có cơ hội truyền đạt về phương pháp dạy ngoại ngữ qua tác vụ (task-based language teaching), cũng như cách tôi áp dụng phương pháp này trong lớp học và với ứng dụng di động Eduling Speak mà tôi phát triển", chị Linh hào hứng.

Trí tuệ nhân tạo là xu hướng dạy học của tương lai

Tiến sĩ Linh sinh ra và lớn lên ở một thôn nhỏ ở tỉnh Bắc Giang, sau đó đỗ vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP.Hải Dương). Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và làm giảng viên ở trường trong vài năm, chị Linh tiếp tục theo đuổi chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ, tất cả đều liên quan đến ngành TESOL.

Chị Thùy Linh cùng đồng nghiệp tại APEC 2023. Ảnh:NVCC
Chị Thùy Linh cùng đồng nghiệp tại APEC 2023. Ảnh:NVCC

"Khi bắt đầu sự nghiệp dạy tiếng Anh ở Mỹ, tôi đã tham gia các cộng đồng chuyên môn như TESOL International Association, EnglishUSA, hay NAFSA. Thời điểm đó, tôi luôn thấy choáng ngợp trước một cộng đồng giáo viên và chuyên gia rộng lớn. Song, tôi cũng dần tiếp cận với những cơ hội làm việc cùng các tổ chức khác nhau trong đó có chính phủ Mỹ", tiến sĩ Linh nhớ lại.

Qua các hoạt động chuyên môn, chị Linh dần phát triển kinh nghiệm, vốn kiến thức đến mức độ có thể được gọi là "chuyên gia". "Thế nên, tôi nộp hồ sơ cho chương trình Chuyên gia Anh ngữ và được chọn vào danh sách chuyên gia tiềm năng. Nếu có dự án phù hợp với kiến thức và kinh nghiệm của tôi, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ liên hệ với tôi để xác nhận. Sau đó, đơn vị tôi dự kiến làm việc và Đại sứ quán Mỹ ở nước đó sẽ phỏng vấn tôi và các ứng viên khác trước khi ra quyết định cuối cùng", chị Linh nói.

"Khi làm việc trong một môi trường mới, thách thức lớn nhất với tôi bao giờ cũng là câu hỏi liệu mình có hiểu bối cảnh để chia sẻ, trình bày một cách có ích nhất cho người tham gia không. Tuy nhiên, tôi luôn sẵn sàng tìm hiểu thêm, và khi làm tốt, tôi có thể được lựa chọn cho những dự án khác nữa", tiến sĩ Linh chia sẻ thêm.

Chị Thùy Linh chụp cùng quyển sách tranh Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ do chị làm tác giả. Ảnh: NVCC

Chị Thùy Linh chụp cùng quyển sách tranh Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ do chị làm tác giả. Ảnh: NVCC

Cũng theo chuyên gia giáo dục, công việc giảng dạy đòi hỏi kiến thức sâu rộng ở nhiều mảng khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là giáo viên suy nghĩ và sáng tạo làm sao để tạo được hoạt động học tập thú vị, giúp học sinh thực sự phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ.

"Công nghệ là công cụ có thể giúp giáo viên thiết kế hoạt động, và khi nó được áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, việc từ chối công nghệ là không thể. Hiện tại, thầy cô cũng như nhà trường cần suy nghĩ và tìm hiểu thêm về cách áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động quản lý, giảng dạy, và học tập, vì đây chính là xu hướng của tương lai", tiến sĩ Linh nêu quan điểm.

Bên cạnh vai trò giảng viên, chị Linh còn là đồng tác giả sách Học bằng tiếng Anh: Chiến lược để thành công trong giáo dục ĐH, IELTS Speaking Part 2 và là tác giả sách tranh Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ. Tiến sĩ Linh cũng từng trình bày trước hàng nghìn giáo viên tại các hội thảo khoa học, cũng như thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà xuất bản ĐH Oxford-ELT.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hằng năm có khoảng 240 dự án được chương trình Chuyên gia Anh ngữ hỗ trợ, và dự án tại Mexico của tiến sĩ Linh là một trong số đó. Ngoài ra, chị Linh cũng là một trong hơn 50.000 cá nhân tham gia các chương trình trao đổi của Bộ Ngoại giao Mỹ mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.