Cô giáo làng và chuyện đưa trò quê hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hải Oanh ở miệt quê nghèo Hải Chánh, Hải Lăng (Quảng Trị) tâm niệm việc dạy học chẳng nên dừng lại ở sách vở lẫn giáo án thông thường mà luôn biết cách tìm tòi sáng tạo giúp học sinh vươn xa hơn, nhất là trong giai đoạn nước nhà đang hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ. Mạch nghĩ ấy đã giúp Hải Oanh mạnh dạn xây dựng nên dự án Amazing English Tour, làm cầu nối đưa hàng trăm học trò ở quê ra phố học tiếng Anh nhằm phục vụ mục đích dạy và học ấn tượng này.

Chưa đầy một năm, dự án của cô giáo tuổi Tân Mùi này trở nên nổi tiếng trong lẫn ngoài tỉnh bởi hiệu quả của nó đã vượt ngoài sự mong đợi.

 

Các học trò của cô giáo Oanh hào hứng nói chuyện bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài.
Các học trò của cô giáo Oanh hào hứng nói chuyện bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài.

Chúng tôi biết dự án Amazing English Tour của Oanh chả phải qua sự chia sẻ, quảng bá trên mạng xã hội hay qua truyền thông báo chí mà qua lời kể của nhiều phụ huynh học sinh, đặc biệt là phụ huynh học sinh ở thành phố Đông Hà  (Quảng Trị) và TP Huế - nơi vốn có điều kiện rất tốt để học và thực hành, trau dồi tiếng Anh. Chị Tôn Nữ Bảo Trân (37/4 Nguyễn Huệ, TP Huế) chia sẻ một kỷ niệm thú vị về Amazing English Tour của cô giáo Oanh với chúng tôi: “Con em đang học lớp 9 một trường THCS có tiếng ở Huế. Ở trường này, cháu là học sinh xuất sắc về môn tiếng Anh. Gia đình vì thế phấn khởi đầu tư tốt nhất cho cháu để dự kiến thi vào lớp chuyên Anh, trường PTTH Chuyên Quốc học Huế năm học tới.

Một hôm Chủ nhật cuối tháng 12 năm vừa rồi, vợ chồng em đưa con vào Đại nội Huế chơi để luyện tiếng Anh với khách tây. Đang lúc tìm kiếm, vợ chồng và cháu thấy một nhóm khách tây đang nói chuyện hào hứng, say sưa với một nhóm trẻ em khoảng 10 đến 12 tuổi và một cô gái chừng 25 tuổi đứng cạnh bên. Vợ chồng em động viên cháu mạnh dạn đến bắt chuyện với họ. Song khi đã làm quen, cháu có rất ít cơ hội để giao tiếp bởi những cháu nhỏ ở đó không chỉ tự tin trước đông người, khả năng nghe hiểu và nói tiếng Anh rất tốt. Từ ngữ, đề tài nói chuyện rất phong phú, nhất là các đề tài về văn hóa, lịch sử của các nước.

Sau này, vợ chồng em biết cô gái chừng 25 tuổi đó là cô giáo Hải Oanh, còn nhóm trẻ kia là học trò của cô. Họ  cứ mỗi tháng 2- 3 lần vượt hàng chục cây số từ miền quê Hải Chánh vào đây để học tiếng Anh qua việc chủ động bắt chuyện, giao tiếp với người nước ngoài. Nhận thấy việc học tiếng Anh của con mình chưa đầy đủ, vợ chồng em xin cô giáo Oanh cho cháu tham gia vào việc học tiếng Anh qua thực tế này. Sau 15 lần tham gia vào Amazing English Tour của cô Oanh, hiện khả năng tiếng Anh của cháu vượt trội hơn rất nhiều so với trước”.

Còn anh Lâm Quang Đạt, nhà ở 18/3 Ngô Quyền, TP Đông Hà chia sẻ thú vị về Amazing English Tour của cô giáo Oanh: “Năm ngoái, tôi trên đường chở con đi học tiếng Anh ở một trung tâm có tiếng tại TP. Đông Hà thì gặp một người bạn. Anh này bảo tôi con anh trước đây cũng học ở đó, nhưng kiến thức, khả năng tiếng Anh đạt được không đáng bao nhiêu. Sau khi tìm hiểu Amazing English Tour của cô Oanh ở xã Hải Chánh, anh này đã cho con vào học ở đó, không ngờ con anh tiến bộ rất nhanh. Nghe anh bạn bảo thế tôi nửa tin nửa ngờ, bởi nghĩ việc học tiếng Anh ở thành phố còn chưa ăn thua, huống hồ giao cho một cô giáo ở nơi “khỉ ho cò gáy” như miền quê nghèo xã Hải Chánh. Chuyện Amazing English Tour, tôi chả còn nhớ cho tới quãng 3 tháng sau, lúc  ngồi cà phê buổi sớm với lũ bạn thì bỗng dưng một đồng môn đưa câu chuyện này ra thảo luận rồi nắc nỏm hết lời làm tôi “động não”.

 

Cô giáo Oanh (áo đỏ) dẫn các học trò của mình đi du lịch để thực hành giao tiếp tiếng Anh.
Cô giáo Oanh (áo đỏ) dẫn các học trò của mình đi du lịch để thực hành giao tiếp tiếng Anh.

Sau đó tôi xin số điện thoại, liên lạc với cô giáo Oanh về việc con tôi có thể vào đó học. Cô đồng ý. Lần đó, do cháu chưa đi xa bao giờ nên vợ chồng tôi lo lắng, quyết định đi theo cùng cháu. Bữa đó đoàn chúng tôi tất thảy 27 người gồm cô giáo, hai chúng tôi và 24 học sinh cấp 2, lớp 6 tới lớp 9. Chưa tới 8 giờ sáng chúng tôi đến Đại nội Huế.

Việc các cháu chủ động bắt chuyện du khách nước ngoài để đạt mục đích học, thực hành, trao dồi tiếng Anh của mình diễn ra thú vị không như sự suy nghĩ của tôi trước đó. Trở về, tôi chưa kịp hỏi cháu học được những gì, cháu đã vui vẻ khoe những điều đã học được. Con tôi nói để việc học tiếng Anh nhanh tiến bộ, đáp ứng được công việc liên quan sau này, trước hết là khả năng nghe và hiểu, tiếp đó là khả năng huy động từ ngữ để trình bày vấn đề một cách thông suốt, dễ hiểu. Và sau mỗi chuyến đi thực tế đó, người học biết mình đang thiếu gì, khả năng nào còn hạn hẹp để tìm tòi học hỏi, rèn luyện bổ sung cho đầy đủ, tốt hơn”.

… Bữa đó, một ngày thượng tuần tháng Tư này, chúng tôi nối mạng với cô giáo Oanh và cô gật đầu cho chúng tôi cùng tham gia Amazing English Tour tại TP Huế. Đúng như những gì phụ huynh học sinh chia sẻ. Việc học, thực hành, trao dồi tiếng Anh của các học trò cô Oanh diễn ra rất hào hứng, mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho cuộc sống và công việc liên quan sau này. Cô Oanh bảo, duyên do lẫn ý tưởng xây dựng nên Amazing English Tour của mình thế này: “Em tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM và lớp Sản xuất Truyền hình, trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn.

Ra trường đứng chân hướng dẫn tham quan du lịch cho người nước ngoài ở Cty Back Of The Bike Tours. Một công việc nhiều người mơ ước, song với em, nỗi nhớ niềm yêu làng quê gối mình bên dòng Ô Lâu xinh đẹp, thơ mộng thúc giục em trở về.  Chỉ sau thời gian ngắn, em quyết định làm cô giáo làng, dạy tiếng Anh cho các em học sinh cấp 1 và 2 xã Hải Chánh quê nhà. Giờ nghĩ lại, em đến với nghề giáo như một cái duyên.

 

Các em chụp ảnh lưu niệm với du khách.
Các em chụp ảnh lưu niệm với du khách.

Trong quá trình dạy học, em thấy học trò ở quê thiếu thốn rất nhiều thứ. Đối với riêng môn học tiếng Anh, các em không có môi trường để thực hành, trau dồi nó một cách thường xuyên nên rất thiệt thòi. Thực tế đó làm em suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Ban đầu, em rủ vài em học sinh của mình vào Huế nơi thường xuyên có khách nước ngoài đến tham quan để bắt chuyện làm quen, giao tiếp bằng tiếng Anh với họ. Sau vài lần như vậy, em tự hỏi sao mình không thành lập nên một tour du lịch cho học sinh tham quan, học hỏi, thực hành, trau dồi tiếng Anh nhỉ!? Ý tưởng thoáng qua em đã nắm bắt nó, quyết tâm thực hiện bằng được.

“Tháng 5-2017, dự án Amazing English Tour của em ra đời. Việc đặt tên cho dự án cũng được em suy nghĩ, chọn lựa kỹ càng, cốt ngay khi nhìn vào, đọc lên cái tên ấy đã thấy mới lạ, hấp dẫn với sự tò mò muốn tìm hiểu, tham gia. Điều đáng mừng là đúng như nhận định của mình. Lúc các em bắt chuyện với khách nước ngoài, họ thoáng thấy dòng chữ trên áo các em với phong nền màu đỏ, dòng chữ màu trắng nổi bật  là cảm thấy một sự vui vẻ, hào hứng để chuyện trò rồi”, Oanh kể.

“Tuy nhiên, khó khăn nhất ban đầu là đường sá xa xôi, từ Hải Chánh vào đến Đại Nội Huế hơn 50 km trong lúc cô trò đều chỉ có xe đạp. Bên cạnh, các em sống ở quê, ít khi ra phố nên ba mẹ các em  lo lắng khi cho con mình đi xa. Rồi các chi phí đi lại tàu xe, ăn uống cũng khó khăn đối với các em, nên em quyết định chi tiêu tiền lương hàng tháng một cách dè xẻn nhất, để có thể trang trải tối thiểu cho các em. Vì thế mỗi chuyến đi cũng phải giới hạn chỉ 7 đến 10 em thôi. Và, niềm vui ngày càng nhân lên khi các bậc phụ huynh biết con mình học tiếng Anh tiến bộ hẳn nhờ vào việc đi thực tế giao tiếp này. Nhờ vậy, nhiều người chủ động liên hệ với em, đặt vấn đề đảm bảo kinh phí cho con em họ lúc tham gia tour học”.

Sau 1 năm thực hiện dự án Amazing English Tour, hiện cô giáo Oanh cùng với các học trò và bậc phụ huynh đã thực hiện được 35 tours. Việc học tiếng Anh theo cách này không chỉ thu hút học sinh các cấp trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và nhất là TP. Đông Hà, mà còn thu hút các em học sinh ở TP. Huế cùng tham gia. Số lượng học sinh tham gia ngày một đông. Vì thế, để đảm bảo chất lượng học tập, Oanh phải tăng số tour hàng tháng từ 1-2 lên 3-4 tours. Với mỗi tour ổn định 28 đến 33 em.

Thành công chưa dừng lại ở đó, để mở rộng môi trường giao tiếp tiếng Anh, Oanh còn mời du khách tham gia tour về quê miễn phí. Ở đây, khách ăn ở nhà của chị, làm quen với học trò, giao lưu với Câu lạc bộ tiếng Anh của trường THCS Hải Tân. Câu lạc bộ này do Oanh bắt tay làm nên với nhà trường theo mô hình Học là chơi - chơi là học!. Oanh kể: “Đến nay, em và nhà trường đã đón được 14 vị khách về Hải Tân theo cách này. Thầy và trò ở đây đều rất phấn khởi với cách dạy và học, trau dồi tiếng Anh trực tiếp với người nước ngoài như thế này, nhất là các khách du lịch đến từ châu Âu”.

Hữu Thành/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.