Cơ cực phận đời di cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít hộ dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã bán hết nhà cửa, tài sản rồi di cư đến các tỉnh Tây Nguyên với hy vọng đổi đời
Cách trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk hơn 20 km, thôn Ea Rớt có 169 hộ với gần 1.000 khẩu, đa số là người dân tộc H’Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào đây lập nghiệp. Hiện 100% hộ dân của thôn Ea Rớt vẫn thuộc diện nghèo và cận nghèo, cuộc sống rất cơ cực.
Chạy ăn từng bữa
Sau gần 2 giờ vật lộn với tuyến độc đạo lầy lội, nhiều đoạn dốc như dựng đứng, từ trung tâm xã Cư Pui, chúng tôi mới về thôn Ea Rớt. Trong cơn mưa phùn lạnh thấu xương, chị Sùng Thị Vàng, quê ở tận Cao Bằng, vẫn địu con trên lưng gieo nốt những hạt bắp cuối cùng. Chị Vàng tâm sự năm 2008 có người bà con về thăm quê nói ở trong Tây Nguyên đất đai bạt ngàn, màu mỡ, chỉ cần phá rừng xuống giống trồng tỉa là không lo gì đói nghèo nên gia đình chị đã bán hết tài sản dắt díu vào đây với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Nhưng đến nay, cuộc sống của gia đình chị nghèo vẫn hoàn nghèo. Bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học thì 2 đứa đã nghỉ học phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. "Việc đi lại của người dân vất vả lắm, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa phải gắn xích vào bánh xe máy mới leo dốc được. Vì vậy, những đợt mưa dầm có khi cả tháng người dân không giao thương với bên ngoài, mọi thứ phải tự cung tự cấp" - chị Vàng cho biết.
 
Dù còn rất nhỏ nhưng trẻ em ở thôn Ea Rớt vẫn phải phụ giúp công việc cho bố mẹ. Ảnh: Cao Nguyên
Đất đai khá nhiều nhưng người dân đa số trồng các loại cây ngắn ngày như: sắn (mì), bắp; nhiều hộ dân cũng làm lúa một vụ nhưng do tập quán canh tác lạc hậu nên sản lượng rất thấp. Vợ chồng anh Sùng Seo Lăng cũng đang chật vật chạy từng bữa cơm cho gia đình với 5 con nhỏ. Nhìn những đứa con tuổi sàn sàn nhau, người lấm lem bùn đất mà chúng tôi không khỏi ái ngại. "Thấy vậy chứ chúng nó ăn nhiều lắm đấy. Vợ chồng mình làm việc quần quật nhưng vẫn không đủ lúa gạo cho chúng nó ăn đâu" - anh Lăng thật thà nói.
Anh Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt, cho biết không chỉ đường đi lại khó khăn, 2 năm nay khi hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng xây dựng khiến đường đi bị ngập. Đến mùa mưa trên địa bàn thôn có 4 điểm bị ngập sâu, người dân phải dùng bè liều mình qua suối. Có rất nhiều vụ người dân, học sinh, hàng hóa bị rơi xuống nước. Theo anh Măng, từ năm 2017 đến nay đã có gần 50 xe máy bị rơi xuống suối, phải thuê người vớt lên với giá 1 triệu đồng/chiếc.
Sống biệt lập giữa rừng
Làng H’Mông nằm ở tiểu khu 540, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ có ít hộ là người H’Mông ở các tỉnh phía Bắc DCTD vào nhưng hiện đã có hơn 200 hộ dân với hơn 1.000 người sinh sống.
 
Căn nhà của chị Hoàng Thị Lý (làng H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nơi sinh sống của 7 người. Ảnh: Cao Nguyên
Từ trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm vào làng H’Mông chỉ khoảng 3 km nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ mới đến nơi. Con đường này thực chất là một lối mòn, gập ghềnh, lởm chởm đá và phải qua 3 con suối. Chị Hoàng Thị Lý mới 30 tuổi nhưng đã có 5 con - đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ nhất chỉ hơn 1 tuổi. Gia đình chị Lý quê ở Cao Bằng, sau nhiều năm phiêu dạt khắp các vùng đất, năm 2012, gia đình chị vào đây phá rừng lấy đất canh tác sinh sống. Vài năm gần đây, chị Lý ở nhà trông con, còn chồng đi làm thuê cho các chủ khai thác gỗ. Căn nhà tranh chưa đầy 20 m2 là nơi tránh mưa nắng của vợ chồng chị Lý và 5 đứa con suốt nhiều năm nay. Mùa khô, nắng hắt vào hừng hực, mùa mưa, gió thổi ào ạt vào nhà, lạnh cóng. Trong căn nhà không có tài sản gì giá trị ngoài cái bình ắc-quy để thắp sáng hằng đêm giữa núi rừng trùng điệp. Khi chúng tôi hỏi tối ngủ ở đâu, chị Lý chỉ lên cái giường bảo vợ chồng và con út ngủ ở đó, còn lại ngủ dưới sàn. Nhìn những tấm ván lát sàn hở toác, chỗ lồi chỗ lõm, chúng tôi ái ngại hỏi, chị Lý cười nói: "Bọn nhỏ xương mềm, ngủ riết cũng quen". Cuộc sống cơ cực, khó khăn là vậy nhưng khi chính quyền thành lập khu dân cư tập trung gần trung tâm xã, gia đình chị cũng không vào mà cho rằng ở đây "dễ sống hơn"(!?).
Anh Lê Quang Hòa, một cán bộ bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm, lắc đầu nói: "Trong một lần đi tuần tra lúc 5 giờ, trời mưa dầm rất lạnh, tôi gặp một bé gái học lớp 4 người ướt sũng, một mình lọ mọ trên đường rừng vì xe đạp của cháu bị đứt xích, bạn bè đã đi trước. Tôi bảo cháu về nhưng cháu bảo không bỏ học được. Ở đây trẻ con luôn khát khao con chữ để không phải mù chữ như bố mẹ mình nhưng cũng chỉ học hết cấp I, cấp II rồi ở nhà làm nương rẫy, lập gia đình. "Con sinh được 5 ngày là mẹ địu trên lưng đi làm rẫy, khi được 1 tháng là để lăn lóc ở nhà rồi đi làm. Trẻ con ở đây sinh tồn theo bản năng, theo quy luật tự nhiên, đứa nào không chịu được thì chết non" - anh Hòa ái ngại nói.
Vòng xoáy khó - di cư - khổ

Theo UBND huyện Krông Bông, từ năm 1996 đến nay đã có 2.535 hộ với 16.607 khẩu chủ yếu là người H’Mông, Mường, Dao, Tày, Nùng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào cư trú. Ngoài những hộ dân di cư vì cuộc sống quá khó khăn thì không ít trường hợp di cư bởi người đi trước rỉ tai, lôi kéo người đi sau rời quê tìm vùng đất mới để lập làng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, do nghèo đói, thiếu đất sản xuất, đến nay đã có 13 hộ dân thôn Ea Rớt tiếp tục di cư tự do sang huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) mua đất để làm rẫy, sinh sống.

Kỳ tới: Tranh giành đất để mưu sinh

 Cao Nguyên (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.