Chuyện về người phụ nữ 15 năm tìm thuốc cứu chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến với nhau từ những ngày kháng chiến chống Mỹ, hai vợ chồng ông Đinh Văn Chương (SN 1937) và bà Đinh Thị Linh (SN 1939, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã viết nên một chuyện tình cổ tích giữa đại ngàn. Đáng khâm phục hơn, người vợ trước sau giữ trọn lòng thủy chung khi suốt 15 năm lặn lội tìm thuốc chữa bệnh cho chồng. Bà đã trở thành niềm tự hào đối với những người phụ nữ Bana nơi bản làng vùng cao Bình Định.

15 năm tìm thuốc cứu chồng

Những năm 1960, đất nước đang thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Bản làng bị bom đạn cày nát, dân làng phải di chuyển từ đồi nọ đến núi kia. Nơi bản làng vùng cao xã Canh Thuận có người con gái Bana tên Đinh Thị Linh mang vẻ đẹp say đắm lòng người. Dân làng ví nàng như một bông hoa rừng, tràn trề sức sống mà vẫn dịu dàng, đằm thắm. Tiếng hát nàng ngân nga vang vọng núi đồi, làm mê mẩn bao trai làng.

 

Bà Linh cài lại cúc áo cho chồng.
Bà Linh cài lại cúc áo cho chồng.

Thấm thoắt mấy mùa xuân qua đi, nàng đến tuổi bắt chồng. Dù sống trong thời chiến, Linh vẫn được nhiều chàng trai ưng lòng theo đuổi. Không giống như những người bạn cùng trang lứa, nàng đều từ chối khéo và tình nguyện vào đội thanh niên xung phong của xã, làm nhiệm vụ mang lương thực, thuốc men lên vùng rừng núi huyện Vân Canh tiếp tế cho bộ đội. Trong những lần dân quân gặp gỡ, Linh đã yêu chàng tiểu đội trưởng Đinh Văn Chương.

Đến năm 1966, trước đơn vị và bản làng, một đám cưới đơn sơ được tổ chức, hai người nên duyên chồng vợ. Được phép ở nhà cùng vợ nửa tháng nhưng mới 5 ngày, Chương nhận được thư hỏa tốc phải lên đường ngay trong đêm. Về sau, thời gian gặp nhau của đôi vợ chồng cũng nhanh chóng vì chiến tranh dai dẳng. 3 đứa con lần lượt chào đời mà hai người vẫn trong cảnh chồng tiền tuyến, vợ hậu phương. Để chồng yên tâm chiến đấu, người vợ trẻ ở nhà vừa phải tự chăm sóc 3 con vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giao liên, tiếp tế cho chồng.

Đến năm 1975, đất nước thống nhất, hai vợ chồng mới được đoàn tụ. Trên nền mảnh đất bị bom đạn cày phá, vợ chồng ông Chương dựng căn nhà che mưa che nắng. Vừa thoát khỏi cảnh chiến tranh, dân làng lại chịu cảnh đói nghèo. Bà Linh cùng chồng khai khẩn đất đai canh tác, cùng no đói có nhau chăm lo cho các con. Được 5 năm gắn bó hạnh phúc, ông Chương bị bệnh tật hành hạ. Dù chạy chữa đủ mọi phương thuốc nhưng vẫn không khỏi, bà Linh dìu chồng xuống huyện chữa trị, rồi sau đó xuống tận bệnh viện tỉnh. Bác sĩ kết luận ông bị suy thận và loét dạ dày, cần phải nằm viện điều trị.

Biết bệnh chồng khó chữa, bà Linh bươn chải, chạy vạy kiếm tiền thuốc thang. Chẳng mấy chốc, gia đình bà lâm vào cảnh đói nghèo triền miên. Chồng đau bệnh không còn lao động được nữa, con nheo nhóc, bà Linh một mình cáng đáng mọi việc lớn bé trong nhà. Sáng lặn lội lo việc ruộng nương, chiều đến lại vượt cả chục cây số xuống huyện để bắt xe đi thăm chồng. Tối đến lại về chăm đàn con thơ dại. Những ngày chồng nằm viện, mọi người đã quen với hình ảnh người phụ nữ một thân một mình ngược xuôi lo việc nhà, chăm sóc chồng con.

Ngược dòng ký ức, bà Linh tâm sự: “Ngày ấy làm gì có đường như bây giờ. Làng cách bệnh viện hơn 10 cây số nhưng phải băng qua 5 ngọn đồi, 2 con suối, đi cả buổi mới tới huyện. Khi ông ấy xuống tỉnh chữa bệnh, tôi phải xuống huyện rồi phải bắt xe đi gần 50 cây số nữa mới tới nơi. Một tháng đi chẳng biết bao nhiêu lần, đi đến mấy năm trời mà không chữa được bệnh nên phải đưa ổng về”.

Khổ nỗi, biết bệnh tình nhưng chữa trị mãi mà ông Chương chẳng khỏi. Bà Linh trong cơn tuyệt vọng đành đưa chồng về nhà thuốc thang rau cháo qua ngày. Ngày ngày nhìn chồng vật vã trong cơn đau, người vợ đứng ngồi chẳng yên, đêm đến cũng thao thức vì thương chồng. Vậy nên mỗi lần nghe ở đâu có thầy giỏi, bài thuốc hay, dù xa đến mấy bà đều tìm đến thỉnh cầu với hy vọng cứu chồng. Có lần nghe người làng mách trên núi cao có cây thuốc chữa bệnh, bà một mình gùi cơm gùi sắn đi tìm. Ông Chương biết được ý định của vợ ra sức ngăn cản nhưng rồi bà cũng nhất quyết trốn đi.

Nhìn vợ với ánh mắt trìu mến, ông Chương kể: “Bà ấy đi nhiều lần nhưng tôi vẫn không khỏi bệnh nên cũng chán nản phó mặc cho ông trời, nhưng bà ấy thì không. Lần đó tôi khuyên bà ấy đừng đi vì đường sá xa xôi nhiều nguy hiểm. Bà ấy ban đầu cũng nghe nhưng mới tờ mờ sáng hôm sau lại lặng lẽ đi lúc nào chẳng hay. Đến nhiều ngày sau không thấy bà ấy về, tôi nhờ người làng đi tìm nhưng không ai tìm thấy. Khi đinh ninh có điều dữ xảy ra thì bà ấy về. Dù người lấm lem lấm luốc, người đầy vết cào xước nhưng miệng vẫn cười với cây thuốc trên tay”.

Năm 1995, may mắn cuối cùng đã mỉm cười khi những phương thuốc dân gian mà bà Linh tìm kiếm mang về đã giúp chồng khỏi bệnh. Chẳng những khỏi bệnh, ông Chương còn mạnh khỏe trở lại và sống cùng bà đến bây giờ. Khi hai mái đầu đã bạc trắng, ông bà vẫn tâm sự cùng nhau về quãng đời 15 năm ấy.

Viết nên niềm tự hào

Hơn 50 năm gắn bó, giờ đây ông bà vẫn hạnh phúc trong ngôi nhà sàn nhỏ của mình. Các con ông bà đều trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Mỗi khi gia đình sum họp, ông bà lại bận rộn với 10 đứa cháu lớn bé vây quanh. Càng vui hơn khi cháu lớn đã học đến bậc đại học, đối với bản làng nơi heo lảnh này thì đó là sự hãnh diện.

Tuổi già sức yếu nhưng ông Chương vẫn được mọi người tin tưởng bầu làm già làng uy tín. Được mọi người tin tưởng, ông cũng nhiệt tình đáp lại. Mỗi khi có người tìm đến nhờ giúp đỡ, từ việc cúng tế, ma chay, trồng trọt chăn nuôi đến chính sách pháp luật ông đều ân cần chỉ dẫn, giải đáp. Từ ngày có già làng Chương, cuộc sống dân làng ngày một tiến bộ ấm no. Những hủ tục cũng dần dần được xóa bỏ. Nếu ngày trước trẻ con bị đau ốm dân làng mời thầy cúng thì nay bọn trẻ được chăm sóc tại trạm xá. Nhìn công lao của ông, mọi người đều biết rằng phía sau đó là một người vợ giàu đức hy sinh.

Trong khi đó, bà Linh lại trở thành một tấm gương sáng cho con gái, phụ nữ trong làng noi theo. Những câu chuyện kể về bà được truyền tai nhau khắp làng bản. Một người phụ nữ kiên cường trong chiến đấu, một người vợ đảm đang tháo vác và lòng thủy chung cao tựa như ngọn núi sau làng. Tấm gương bà Linh được kể trong nhà rông khi mọi người cùng sinh hoạt, được những người mẹ dùng để răn dạy con gái lớn trong nhà.

Chị Đinh Thị Giàu (hàng xóm bà Linh) cho biết: “Mẹ tôi kể ngày trước bà Linh xinh đẹp lắm, hát hay nữa. Có lẽ ông Chương mê bà cũng vì giọng hát ấy. Bao nhiêu năm làm hàng xóm nhưng tôi chưa bao giờ thấy hai ông bà buồn lòng vì nhau. Mà bà Linh yêu thương chồng con nhiều như thế thì gia đình sao không hạnh phúc được. Giờ lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng bà ấy vẫn tự tay may áo, nấu cơm cho chồng”.

Bà Đinh Thị Xuân Bông - Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận cho biết: “Làng bản chúng tôi rất tự hào vì có người bà, người mẹ, người chị như bà Linh. Ở đây, ai cũng yêu mến vợ chồng bà. Bà là một tấm gương sáng về đức hy sinh, về sự tảo tần của người phụ nữ Bana chúng tôi”.

Phố Nhơn/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.