Chuyện về một người lính hy sinh trước giờ toàn thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Lê Quang Đạo sinh năm 1949 trong một gia đình có 6 anh chị em ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Tháng 3-1967, anh nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đang huấn luyện ở Hòa Bình. Cuối năm đó, anh cùng đơn vị vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Anh đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh nảy lửa với quân Mỹ ở thị trấn Hướng Hóa, Động Mã, đồi 105; ở điểm cao 241, Tân Kim, Đồi Không Tên trong chiến dịch Tết Mậu Thân; tiếp đó là ở đồi 75, điểm cao 188 và Bắc Cam Lộ… Và trong trận đánh cuối cùng ở cửa ngõ Sài Gòn, anh đã chiến đấu như một người chiến sĩ thực thụ và anh dũng ngã xuống trước giờ toàn thắng.
Nỗi mất mát không gì bù đắp
Chỉ ít ngày sau khi giải phóng miền Nam, từ đơn vị chiến đấu, tôi được điều lên làm Trợ lý Quân lực Tiểu đoàn. Buổi chiều một ngày đầu tháng 5-1975, trong căn phòng làm việc hầm hập nóng tại căn cứ Đồng Dù ở quận lỵ Củ Chi (Sài Gòn), tôi đang lập danh sách báo cáo số quân nhân của đơn vị bị thương và hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh thì Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Kịch bước vào. Anh đưa cho tôi phong thư và nói: “Cậu tranh thủ đọc và trả lời ngay cho gia đình!”. Đón phong thư, tôi thấy ngoài bì ghi: “Người gửi: Đào Thị Lập, Ban Nông nghiệp TP. Hà Nội; số 48 phố Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội. Kính gửi: Thủ trưởng Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 54, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3”. Thư được viết trên một mặt giấy kẻ ngang, nội dung ngắn gọn, súc tích, nét chữ chân phương. Người viết giới thiệu sơ qua về mình rồi yêu cầu: “Tôi và gia đình được một số đồng đội của chồng tôi báo tin chồng tôi là anh Lê Quang Đạo, cán bộ của đơn vị đã hy sinh. Tôi và gia đình rất muốn được biết cụ thể về anh Đạo. Kính mong Thủ trưởng đơn vị cho tôi và gia đình được rõ!”. Đọc xong thư, tự nhiên hình ảnh hy sinh anh dũng của anh Lê Quang Đạo-Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn, cùng diễn biến ác liệt của trận Đồng Dù hơn chục ngày trước lại hiển hiện trước mắt tôi.
 Di ảnh liệt sĩ Lê Quang Đạo (gia đình cung cấp).
Di ảnh liệt sĩ Lê Quang Đạo (gia đình cung cấp).
…Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, chỉ huy Sư đoàn 320 phát lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù do Sư đoàn 25 ngụy chốt giữ. Pháo binh Trung đoàn 54 và các trận địa pháo chiến dịch tăng cường bắn phá dữ dội vào căn cứ địch. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh xuất phát tấn công. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt ngay từ phút đầu. Ở hướng Tây Nam do Trung đoàn 9 đảm nhiệm, có Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7 mm chúng tôi phối thuộc, các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 lên mở cửa nhưng bị địch tập trung hỏa lực bắn chặn, đã có một số cán bộ, chiến sĩ thương vong. Đến 7 giờ, đài kỹ thuật của Sư đoàn cho biết, Tiểu đoàn 3/50 của địch ở xóm Mới chuẩn bị lên phản kích. Trong khi đó, trên hướng chủ yếu phía Tây Bắc, Trung đoàn 48 đã 3 lần tổ chức cho Đại đội 3 lên mở cửa nhưng đều bị hỏa lực địch cản lại, phần lớn các chiến sĩ hy sinh. Mãi đến 9 giờ, Tiểu đoàn 1 sau nhiều lần đột phá mới vào được căn cứ nhưng lại bị địch tập trung hỏa lực khống chế, phải dừng tại chỗ. Trung đoàn 48 phải đưa thế đội hai gồm Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 8 xe tăng vượt qua cửa mở của Tiểu đoàn 1 vào tham gia tiến công. Ở hướng Tây Nam lúc này, Tiểu đoàn 3/50 ngụy từ xóm Mới cơ động lên, bất ngờ từ vườn cao su tiến vào áp sát phía sau Trung đoàn 9. Tiểu đoàn 16 cùng Tiểu đoàn 5 được lệnh phản kích. Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn bộ đã dùng AK, phóng lựu và lựu đạn chiến đấu với địch. Đồng chí Lê Quang Đạo-Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn chỉ huy một bộ phận gồm các chiến sĩ phục vụ xuất kích đánh địch bảo vệ Sở chỉ huy. Anh xông xáo vừa chỉ huy chiến đấu vừa bình tĩnh điểm xạ từng loạt tiểu liên chính xác về phía địch. Nhưng trước làn đạn dày đặc của địch, anh và một số chiến sĩ đã hy sinh. Cùng lúc, ở phía Đại đội 11, quân địch đang tiến vào. Các chiến sĩ Đại đội 11 chỉ kịp hướng nòng súng 12,7 mm về phía địch bóp cò. Đúng lúc ấy, các chiến sĩ Đại đội 7 (Tiểu đoàn 5) từ hai bên đánh thọc vào, cùng Đại đội 11 nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn 3/50 của địch. Tuy vậy, bộ đội ta cũng bị thương vong không ít, riêng Tiểu đoàn bộ và Đại đội 11 có 19 đồng chí hy sinh. Trong lúc Đại đội 11 tập trung cản địch thì Đại đội 10 chúng tôi ở sát hàng rào phải chịu 3 hướng địch tấn công, phía trước là địch trong căn cứ bắn ra, phía sau là Tiểu đoàn 3/50 và bên phải là địch trong ấp Bắc Hà dùng tiểu liên, phóng lựu đánh vào; Đại đội đã có 2 đồng chí hy sinh và 6 bị thương.
Cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt thì Trung đoàn 46 của địch ở Trảng Bàng về kịp cứu nguy cho Đồng Dù. Sư đoàn lập tức đưa lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 9) cùng Đại đội Xe tăng T54 đánh bật từ phía sau lên, bọn ngụy Trung đoàn 46 nhanh chóng bị tan rã. Từ lúc đó, các mũi tiến công của Sư đoàn mới phát triển thuận lợi. Đến 10 giờ 30 phút, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù, mở thông cánh cửa phía Tây Bắc cho mũi đột kích của Quân đoàn tiến vào Sài Gòn lần lượt tiến công làm chủ Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy... Sau trận đánh, anh Đạo được đưa về mai táng ở vườn cao su phía Nam căn cứ. Anh nằm bên 20 đồng đội của Tiểu đoàn cùng hơn 100 đồng chí của các đơn vị trong Sư đoàn. Ghi nhận thành tích chiến đấu của Chuẩn úy Lê Quang Đạo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã quyết định truy tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba.
Ngay sau khi nhận được thư chị Lập, tôi liền viết thư hồi đáp. Trước tiên, tôi chuyển lời chia buồn của chỉ huy đơn vị đến chị và gia đình. Rồi tôi thông báo về ngày, giờ, nơi anh Đạo hy sinh và địa điểm mai táng. Tôi lựa lời động viên chị và gia đình, đồng thời thông báo đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ để Thủ trưởng Trung đoàn ký giấy báo tử gửi về địa phương và gia đình. Gần 1 tháng sau thì tôi nhận được thư chị gửi vào. Lời lẽ trong thư đượm một nỗi buồn về sự mất mát không gì bù đắp được…
Ấm lòng người nằm xuống
Tháng 4-2018, trong không khí hân hoan kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi nao nao nhớ về những năm tháng đánh Mỹ gian khổ ác liệt, nhớ những đồng đội đã hy sinh ở các chiến trường, trong đó có những đồng đội đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn trước giờ toàn thắng. Bất giác, tôi nhớ lại hình ảnh hy sinh anh dũng của anh Lê Quang Đạo và những lần trao đổi qua thư từ với vợ anh-chị Đào Thị Lập-43 năm trước. Và tự nhiên tôi rất muốn biết những năm qua, gia đình anh và chị Lập ra sao. Qua tổng đài 1080, tôi gặp được chị Nguyễn Thị Của-Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú và nhanh chóng liên lạc được với anh Lê Quang Vận-em trai của liệt sĩ Lê Quang Đạo. Anh Vận cho biết: “Bố mẹ em đều đã qua đời. Các anh chị em trong gia đình đều có cuộc sống ổn định. Năm 1987, trước lúc lâm chung, mẹ em dặn chúng em phải đi tìm đưa anh Đạo về với bố mẹ. Nhưng do điều kiện đi lại lúc đó khó khăn nên mãi đến năm 1996, chúng em mới đưa được hài cốt anh Đạo về quê. Riêng chị Lập, vài năm sau ngày báo tử anh Đạo, có người yêu thương, chị xin phép gia đình em cho tái giá rồi sinh sống ở Hà Nội. Chị sinh được 2 cháu, bây giờ các cháu đều đã có gia đình, chồng chị cũng đã mất”. Dừng một lát, anh Vận hỏi: “Anh có biết anh Hòa, anh Hồ không?”. “Anh Hòa ở Hà Bắc, anh Hồ ở Hà Tây phải không?”. “Đúng rồi!”-anh Vận cười vui. Câu chuyện giữa chúng tôi đang sôi nổi thì anh Vận có khách nên phải tạm dừng. Chưa đầy 10 phút sau, điện thoại của tôi lại reo vang. Tôi bật máy thì vang lên tiếng nói quen thuộc: “Anh là Ngô Xuân Hòa C3, quê ở Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh đây. Có phải Tấn C1, quê Hưng Yên, bổ sung vào tiểu đoàn ở Nam Lào không? Anh vừa được Vận báo tin nên gọi cho em ngay. Nói thật với em, anh với Đạo tuy khác quê nhưng chỉ cách nhau 12 cây số, lại cùng nhập ngũ, có thời gian ở cùng tiểu đội, thân nhau như anh em ruột nên từ ngày ra quân đến giờ, anh thường đến thăm, động viên gia đình Đạo. Hơn 20 năm trước, anh đã cùng Vận vào Củ Chi đưa hài cốt Đạo về quê đấy…”. Qua anh Vận và anh Hòa, tôi biết thêm nhiều điều về anh.
Đầu năm 1969, đơn vị ra Thanh Hóa củng cố, anh Lê Quang Đạo được nghỉ phép thăm gia đình. Trong đợt nghỉ phép này, anh đã xây dựng gia đình với chị Đào Thị Lập, quê ở xóm Chợ, xã Cổ Loa, cùng công tác với chị gái của anh ở Trạm Vật tư nông nghiệp huyện. Chưa bén hơi vợ, anh đã phải trở lại đơn vị. Cuối năm 1970, từ Trung đoàn 64, anh và một số đồng đội được điều về Tiểu đoàn 16. Anh và anh Hòa được về Khẩu đội 7 của Đại đội 3, rồi cùng đơn vị vào tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Kết thúc chiến dịch, đơn vị chuyển hướng về Bắc Quảng Trị, phục kích đánh máy bay địch ở Nguồn Rào, rồi cùng Trung đoàn 52 tiến công tiêu diệt các căn cứ Động Tri, Ba Hồ. Tháng 8-1971, đơn vị ra Hà Tĩnh củng cố và cuối năm đó vào chiến trường Tây Nguyên. Qua những trận đánh ác liệt ở Kleng, đường 14, thị xã Kon Tum trong chiến dịch Xuân-Hè 1972, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tháng 7-1972, trên trận địa tiến công quân địch ở Chốt Mỹ (điểm cao 601) trên đường 19 Tây, từ Khẩu đội trưởng, anh được đưa lên làm Trung đội trưởng. Hơn 2 năm sau, vào tháng 11-1974, anh được giao làm Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn. Với bản chất khiêm tốn, trách nhiệm trong công việc, linh hoạt, dũng cảm trong chiến đấu, anh luôn hoàn thành tốt chức trách, đóng góp vào thành tích chiến đấu của đơn vị, nhất là trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. 
HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.