Chuyện thường ngày của người lính tình nguyện Võ Văn Sung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa đi phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh về lại gặp đoàn cựu chiến binh có nguyện vọng đi thăm chiến trường xưa, không cách nào từ chối, anh Võ Văn Sung-Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị tỉnh Gia Lai lại khăn gói lên đường vừa làm hướng dẫn viên vừa kiêm phiên dịch cho các đồng đội cũ.

Nhờ có quá trình rèn luyện nên sức khỏe khá dẻo dai, thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên và trên đất nước bạn Campuchia nên anh Võ Văn Sung chịu đựng được với các chuyến đi kéo dài và liên tục.

11-anh-vo-van-sung-va-nguoi-vo-thu-hai-o-duc-co.jpg
Anh Võ Văn Sung và người vợ thứ hai ở Đức Cơ (ảnh nhân vật cung cấp).

Dù rời xa quê hương Quảng Nam khá lâu nhưng tính cách, giọng nói vẫn còn mang dấu ấn đặc trưng của người con mảnh đất “Trung dũng, kiên cường”. Chỉ riêng màu da sạm nắng của anh Võ Văn Sung thì mọi người cho rằng có nét giống người Khmer ở Campuchia.

Bạn bè hay đùa, nếu anh Sung cũng quàng khăn rằn đứng lẫn với người Cam thì khó phân biệt ai là Khmer ai là Việt. Anh Sung cười: - Đúng vậy! Nhờ thế mà tôi một lần thoát chết khi bị bọn Pôn Pốt bắt ở Campuchia. Anh kể, có một lần đi công việc ở đất nước Chùa Tháp trên chuyến xe đò toàn người dân Campuchia và bị lính Pôn Pốt chặn đường bắt vào rừng. Bọn chúng theo dõi thanh lọc xem có ai là người Việt không. Khi chúng phỏng vấn đến anh Sung (bằng tiếng Khmer) thì anh không đáp lại mặc dù hiểu chúng hỏi gì. Anh ra hiệu cho chúng biết là mình bị viêm họng, đau lắm không nói được, đề nghị chúng đưa giấy bút để “bút đàm” bằng tiếng Khmer.

Anh viết tiếng Khmer trên giấy giải thích là mình là người Campuchia, ở đâu, địa chỉ nào và làm gì. Thấy anh viết “quốc ngữ xứ Cam” rành rọt nên chúng tin anh là “đồng hương” và tha bổng như những người Campuchia khác. Anh giải thích, nếu lúc đó anh nói tiếng Cam với bọn chúng, sợ rằng âm vực không giống lắm, chúng sẽ tinh ý phát hiện mình khác “giống nòi” thì nguy to.

22-anh-sung-dang-tiep-doan-campuchia-sang-tham-tinh-gia-lai.jpg
Anh Võ Văn Sung (bìa phải) tiếp đoàn Campuchia sang thăm tỉnh Gia Lai (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhập ngũ,được biên chế vào bộ đội Sư đoàn 860, thuộc Quân khu 5 khi chiến trường Campuchia bước vào thời kỳ cao điểm, Võ Văn Sung cầm súng trong đội ngũ Quân tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng với đội quân cách mạng Campuchia đánh đuổi bọn Pon Pot-Ieng Xary.

Mặc dù, trong thời chiến tranh vệ quốc ở Việt Nam, anh chưa đến tuổi được cầm súng chống giặc ngoại xâm, nhưng bản thân đã hiểu thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh với bom đạn và sự chết chóc tang thương, nhất là ở vùng chiến trường Đất Quảng quê anh. Khi bước vào người lính tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế nơi xứ lạ với bao hiểm nguy rình rập, anh hiểu số phận con người chỉ như chiếc lá trước cơn cuồng phong.

Sự tàn độc của Khmer Đỏ, với chỉ trong một thời gian ngắn ngủi (sau năm 1975), chúng đã biến đất nước Chùa Tháp tươi đẹp thành những bãi tha ma tanh tưởi máu và nước mắt của hàng triệu sinh linh vô tội. Tội ác diệt chủng của Pon Pot với đồng bào mình đã gây nên sự phẫn uất của hàng vạn con tim trên hành tinh này, trong đó có những người lính Quân tình nguyện Việt Nam. Bởi vậy, biệt danh “Quân đội nhà Phật” mà người Khmer dành cho bộ đội Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Campuchia không chỉ là lời đầu môi mà nó hàm chứa một tình cảm thiêng liêng, một sự cứu rỗi cho bao số phận con người mà còn đem đến sự hồi sinh cho một đất nước bị dìm trong bể khổ đau.

33-anh-sung-chup-anh-luu-niem-cung-doan-tham-quan-campuchia-sang-viet-nam.jpg
Anh Võ Văn Sung (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn tham quan Campuchia sang Việt Nam (ảnh nhân vật cung cấp).

Suốt trong thời quân ngũ ở đất nước bạn, trải qua các nhiệm vụ khác nhau, khi thì trực tiếp chiến đấu, khi thì làm trinh sát, làm trợ lý cho các cấp chỉ huy… anh Sung luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Anh tâm sự: Ở đâu cũng vậy, quân đội muốn làm tốt nhiệm vụ của mình thì phải gắn bó với quần chúng, nhân dân nơi mình công tác, chiến đấu. Từ suy nghĩ đó, anh đã cố gắng tự học tiếng Khmer hằng ngày; vừa tập nói trực tiếp với người bản địa vừa ghi chép để làm quen với chữ viết của họ. Thấy cách viết chữ loằng ngoằng như con giun, nhiều anh em chỉ học nói dăm ba câu giao tiếp còn không kiên trì học viết chữ.

Nhờ đức tính cần cù, miệt mài, chỉ sau thời gian ngắn, anh Sung đã có thể làm một thông dịch viên tiếng Khmer cho các cấp chỉ huy quân đội ta. Từ khi nói viết thành thạo tiếng Campuchia, anh Sung cảm thấy rất thuận lợi trong công tác, nhất là công tác dân vận. Đi đến đâu, anh và đồng đội cũng được người dân quý mến, sẵn sàng giúp đỡ và trao đổi thông tin vì bức tường ngôn ngữ đã được phá vỡ.

Có lẽ vì thế, trong thời gian công tác giúp bạn ở xứ Cam, chàng bộ đội tình nguyện Võ Văn Sung với bản tính thật thà, vui tính đã lọt vào mắt xanh của nàng apsara- cô Xon Phola, một sĩ quan trong lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Dù khác nhau về văn hóa, dân tộc nhưng hai người lính này đã cùng chung một chiến hào nên sớm hiểu biết, hòa nhập và có tình yêu chân thật.

Nhưng bấy giờ, có một rào cản quan trọng là thủ tục pháp lý kết hôn với người nước ngoài đang còn rắc rối. Tuy vậy, với tình yêu mãnh liệt giữa hai người lính Việt- Cam đã tác động đến các cấp chỉ huy quân đội hai bên và các thủ trưởng ấy ra tay bảo lãnh, tạo mọi điều kiện để hai trái tim này được thỏa ước nguyện về cùng một nhà.

Cuộc chiến ở Campuchia cũng đến lúc ngưng tiếng súng, Khmer Đỏ của tập đoàn Pon Pot đã bị tiêu diệt, vợ chồng hai người lính Việt-Cam đưa nhau về Việt Nam xây tổ ấm ở vùng biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình anh Sung với 6 đứa con ra đời kéo dài một thời gian thì chị Xon Phola bị trọng bệnh và qua đời. Anh Sung, vừa công tác trong quân đội vừa nuôi các con mang hai dòng máu Việt-Khmer khôn lớn, trưởng thành.

Các con của mối tình “hữu nghị” ấy, vài cháu theo đời binh nghiệp của bố mẹ, một số học hành đến nơi chốn, hiện là công chức, viên chức trong các cơ quan dân sự ở Gia Lai. Thời gian sau khi về hưu, anh tiếp tục tái hôn với người vợ mới quê Nghệ An là công nhân cao su ở Đức Cơ và hai người có với nhau cô con gái thuần Việt dễ thương…

44-gia-dinh-anh-sung-sang-tham-gia-dinh-mot-vien-chuc-o-campuchia.jpg
Gia đình anh Võ Văn Sung (bìa phải) sang thăm gia đình một viên chức ở Campuchia (ảnh nhân vật cung cấp).

Mối lương duyên Việt-Cam của người cha tưởng chừng đã là viên mãn, nhưng không ngờ về sau, người con trai thứ hai của anh Sung lại kết hôn với cô Hên Rina xinh đẹp, người Khmer ở Campuchia. Cuộc hôn nhân này tuy không đến với nhau bằng tình yêu như bố mẹ khi cùng chiến tuyến mà là hệ quả của lời hứa hôn của anh Sung với người bạn Campuchia trong thời chiến. Hai ông bố Việt-Cam vẫn nặng tình nghĩa và kết tình sui gia khi con cái lớn khôn, trưởng thành. Hiện nay, cô Hên Rina đã theo chồng cũng về sinh sống hạnh phúc và buôn bán tạp hóa ở vùng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Dù là một sĩ quan quân đội nghỉ hưu theo chế độ được gần 10 năm nay, gia đình anh Võ Văn Sung đa phần cư trú, làm ăn ở huyện biên giới Đức Cơ, trong đó có gia đình người em trai và các con của anh. Có lần lên thăm gia đình anh Sung ở thị trấn Chư Ty và cơ sở buôn bán của em trai và các con ở gần Cửa khẩu Lệ Thanh, tôi đùa vui với anh: -Người lính như anh, làm xong nghĩa vụ giúp nhân dân Campuchia được sống trong hòa bình, nay trở về lại phải canh giữ vùng biên cương quốc gia và kết nối phát triển kinh tế, thương mại với bạn, quả là tuyệt vời!

Anh Sung chỉ cười hiền lành: -Anh ơi! Tụi em trở về từ đất nước bạn vừa bước qua cuộc chiến, thấy vùng đất sát biên giới này của mình có tiềm năng nên xin phép ở lại để có kế hoạch làm ăn nuôi đàn con còn nhỏ dại. Vả lại, nơi đây gần với quê ngoại bên nước bạn Campuchia, gia đình, con cháu có điều kiện qua lại, gắn bó, thăm nhau.

Từ ngày mang danh nghĩa là về hưu nhưng anh Sung luôn được các đơn vị quân đội, chính quyền địa phương trưng dụng làm phiên dịch tiếng Campuchia khi diễn ra các mối quan hệ ngoại giao các cấp hàng năm. Nhờ thông thạo ngôn ngữ Khmer, am tường địa hình, hiểu biết văn hóa, phong tục đất nước bạn và có mối quan hệ với các cấp chỉ huy quân đội và chính quyền ở Campuchia nên các đoàn công tác, ngoại giao thường rất cần người phiên dịch có kinh nghiệm, linh hoạt như Võ Văn Sung.

Anh hay tâm sự với tôi rằng, người phiên dịch không chỉ là nhịp cầu ngôn ngữ cho hai đối tác mà còn là người có hiểu biết về ngoại giao, biết người biết ta để có sự ứng xử phù hợp, giúp người lãnh đạo của mình đạt được mục tiêu khi quan hệ với đối tác. Nhiều cán bộ phiên dịch trẻ, ít va chạm nên khi gặp các sự cố trong quan hệ đối tác thường tỏ ra lúng túng trong xử lý tình huống khiến cho cuộc gặp gỡ không như ý muốn.

Anh Sung cũng được các đơn vị quân đội, các ngành ở địa phương có quan hệ với Campuchia mời giảng dạy các lớp tiếng Khmer cho cán bộ, công nhân. Có những lúc anh Sung phải đi lại đất nước Campuchia như con thoi, gặp gỡ đủ thành phần, đi khắp các địa phương nước bạn…

Vừa mới đi phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo của tỉnh về chưa ráo mồ hôi lại gặp đoàn cựu chiến binh có nguyện vọng đi thăm chiến trường xưa, không cách nào từ chối, anh lại phải khăn gói lên đường vừa làm hướng dẫn viên vừa kiêm phiên dịch cho các đồng đội cũ. Nhờ có quá trình rèn luyện nên sức khỏe khá dẻo dai, thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên và trên đất nước bạn nên anh Võ Văn Sung chịu đựng được với các chuyến đi kéo dài và liên tục.

55-anh-sung-va-con-gai-o-duc-co.jpg
Anh Võ Văn Sung và con gái ở Đức Cơ (ảnh nhân vật cung cấp).

Gần đây, cuối năm 2024, Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Gia Lai đã tín nhiệm bầu anh làm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị tỉnh, và là đại biểu tham dự Hội Hữu nghị Việt Nam.

Có thể nói, trong những năm qua, tình hữu nghị giữa địa phương tỉnh Gia Lai với các tỉnh vùng lân cận của đất nước Campuchia có được mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó và luôn tạo điều kiện cho nhau là có sự đóng góp một phần công sức của anh Võ Văn Sung, một người lính tình nguyện có mối quan hệ mật thiết với chính quyền và người dân ở đất nước Campuchia. Có nhiều lần bất ngờ tôi lên biên giới đến thăm anh thì lại gặp các đoàn bên phía Campuchia đi tham quan cũng ghé nhà chào anh hay phía gia đình sui gia, dòng họ ngoại các cháu sang thăm. Họ rất quý mến anh Sung và xem anh như những người thân trong gia đình vậy.

cuocthilogo.jpg

Có thể bạn quan tâm

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Già Rơ Lan Hlếk (làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơ. Ảnh: T.D

Một dải biên cương nặng nghĩa tình - Kỳ cuối: Gắn bó với người dân, vun đắp tình đồng đội

(GLO)- Đáp lại những việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, người dân luôn dành những sự trân trọng đối với người lính quân hàm xanh và góp sức bảo vệ bình yên biên giới.

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.