Trung tá Hứa Thị Bích Hằng nữ Công an cơ sở xuất sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những thành tích tiêu biểu trong công tác, Trung tá Hứa Thị Bích Hằng-Phó Trưởng Công an phường Chi Lăng (TP. Pleiku) là 1 trong 63 cá nhân trong cả nước được biểu dương tại chương trình “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Khát vọng vươn lên

Một chiều cuối tháng 7, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến trụ sở Công an phường Chi Lăng nơi Trung tá Hứa Thị Bích Hằng công tác theo lịch đã hẹn trước. Quá hẹn hơn 10 phút, chị mới có mặt. Chị phân trần: “Các anh thông cảm! Mấy ngày nay trời mưa quá, tôi tranh thủ xuống làng Ngol Tảl trao đổi với bà con về cách phòng-chống mưa bão và nhắc nhở dân làng đề cao cảnh giác vì các loại tội phạm có thể lợi dụng mưa gió để trộm cắp tài sản”.

Nhanh tay rót nước mời khách, chị tiếp tục câu chuyện với chúng tôi bằng chất giọng trầm ấm: “Nghề nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân, phải biết khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc, đặc biệt là người chiến sĩ Công an.

Không chỉ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà cần phải xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng dân bằng những việc làm, hành động cụ thể. Phải biết sống vì cộng đồng, lấy hạnh phúc của người dân làm niềm vui, hạnh phúc cho mình”.

Trung tá Hứa Thị Bích Hằng (thứ 4 từ trái sang) được Bộ Công an biểu dương là “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Trung tá Hứa Thị Bích Hằng (thứ 4 từ trái sang) được Bộ Công an biểu dương là “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Phong (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), năm 1989, chị Hằng theo gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã ấp ủ ước mơ trở thành chiến sĩ Công an nhân dân.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát, chị về nhận công tác tại Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku), sau đó được điều động về phường Thắng Lợi. Năm 2017, chị tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và năm 2018 thì được điều chuyển đến công tác tại Công an phường Chi Lăng cho tới nay.

Hơn 20 năm gắn bó với cơ sở, chị đã lập nên nhiều chiến công và được người dân quý mến. “Đối với người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, ai cũng phải đối mặt với vất vả, khó khăn, đặc biệt là phụ nữ. Bản thân tôi luôn cố gắng phát huy những kiến thức, kỹ năng đã được học trong nhà trường, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác để làm tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ được giao”-Trung tá Hằng tâm sự.

Bám sát phương châm “Lấy dân làm gốc”, Trung tá Hứa Thị Bích Hằng thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân. Từ đó, chị kịp thời đề ra chương trình, kế hoạch công tác phù hợp từng thời điểm và tình hình thực tế tại địa bàn, tạo sự đồng thuận, tranh thủ sự đóng góp tích cực của cán bộ và người dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Với tinh thần “Làm hết việc chứ không hết giờ”, chị luôn có mặt tại điểm “nóng” xảy ra các vụ làm mất an ninh trật tự. Đồng thời, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tá Hằng đã phối hợp với Công an phường và các đoàn thể tổ chức hơn 50 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Ngoài ra, bản thân chị còn thực hiện 30 lần tuyên truyền, gặp gỡ động viên các thanh-thiếu niên, đối tượng tù tha.

Hết lòng vì cộng đồng

Trung tá Hứa Thị Bích Hằng bày tỏ: “Tôi may mắn vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống, bố và 2 anh đã và đang công tác trong lực lượng Công an. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng sống làm sao để không phải tiếc nuối, không hổ thẹn với mọi người.

Bố tôi từng nói: “Làm nghề gì cũng phải làm cho hết sức, đặc biệt là người chiến sĩ Công an thì phải biết cống hiến, dấn thân, chịu gian khó, sẵn sàng hy sinh vì bình yên cho Nhân dân”. Chính lời căn dặn của bố đã tiếp thêm sức mạnh để tôi phấn đấu và trưởng thành”.

Trung tá Hứa Thị Bích Hằng làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: V.H

Trung tá Hứa Thị Bích Hằng làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: V.H

Với quan điểm, lý tưởng sống đó, trong quá trình công tác, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 6-2023, Trung tá Hằng được phân công nhiệm vụ Cảnh sát khu vực kiêm công tác đăng ký cư trú tại Công an phường Chi Lăng. Chị cùng đồng đội bám sát cơ sở để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

“Những ngày ấy, tôi cùng đồng đội tham gia thu nhận hồ sơ căn cước công dân, hồ sơ cài đặt định danh điện tử tại trụ sở Công an phường, tham gia tổ lưu động để hướng dẫn công dân cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử vào tất cả các ngày trong tuần, thậm chí cả ngày nghỉ lễ, Tết.

Trong 90 ngày đêm đó, ngoài những giờ cùng tổ công tác thực hiện thu nhận căn cước công dân thì còn làm sạch dữ liệu dân cư để đảm bảo kịp tiến độ, cũng như làm cho dữ liệu đúng, đủ, sạch sống. Thời gian này, tôi gần như ở lại đơn vị. Có những ngày chúng tôi phải thức trắng đêm để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn”-Trung tá Hằng kể.

Trong những ngày trắng đêm cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, chị không thể nào quên được những câu chuyện thấm đượm tình người. “Khi chúng tôi đang làm căn cước công dân thì có cụ ông tuổi gần 80 tại làng Ngol Tảl mang một túi hoa quả đến cơ quan. Ông bảo: “Các con đã vất vả nhiều rồi, nhà có mấy quả thanh long nên mang đến biếu”.

Chúng tôi biết gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo nên khéo léo từ chối. Nghe vậy, ông liền nói: “Hay các con chê ít, hoa quả không ngon”. Vậy là, chúng tôi đón nhận tấm lòng của ông. Đến giờ, tôi vẫn luôn trăn trở, ước gì mình làm được nhiều hơn để những người dân vơi đi phần nào khó khăn”-chị Hằng chia sẻ.

Trung tá Hồ Xuân Quyền-Trưởng Công an phường Chi Lăng: Trung tá Hứa Thị Bích Hằng là cán bộ năng nổ, nhiệt tình trong công tác, không ngại khó, ngại khổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Tháng 6-2024, Trung tá Hứa Thị Bích Hằng được Bộ Công an biểu dương là “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Với cương vị là Phó Trưởng Công an phường, chị thường xuyên vận động người dân duy trì mô hình “Zalo kết nối an ninh”, “Camera giám sát an ninh, trật tự” để phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngoài ra, Trung tá Hằng còn tham mưu cho chỉ huy đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, lực lượng nòng cốt ở khu phố đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn phường.

Không chỉ giỏi việc nước, khi trở về gia đình, nữ chiến sĩ Công an Hứa Thị Bích Hằng cũng làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Chị tâm sự: “Tôi may mắn vì có chồng làm cùng ngành Công an nên thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn trong công việc. Mẹ tôi đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn cố gắng chăm sóc các cháu để vợ chồng tôi yên tâm công tác”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Hồ Thị Ngọc Huyền-Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng-nhận xét: “Đồng chí Hứa Thị Bích Hằng là đảng viên tiêu biểu của phường. Chị luôn gần gũi, giúp đỡ cũng như tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, được dân làng Ngol Tảl yêu mến, đánh giá cao”.

*

Chia tay Trung tá Hứa Thị Bích Hằng, tôi vẫn nhớ sự ví von của một cán bộ trong đơn vị: Chị Hằng như đóa hoa xương rồng, lớn lên từ đất cằn, đá sỏi, luôn mạnh mẽ, kiên cường, âm thầm cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Già Rơ Lan Hlếk (làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơ. Ảnh: T.D

Một dải biên cương nặng nghĩa tình - Kỳ cuối: Gắn bó với người dân, vun đắp tình đồng đội

(GLO)- Đáp lại những việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, người dân luôn dành những sự trân trọng đối với người lính quân hàm xanh và góp sức bảo vệ bình yên biên giới.

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.