Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vai trò, vị trí của cây cao su trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để cây cao su giữ vững sứ mệnh của mình trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn hiện nay thì cần có những giải pháp phù hợp.

Quyết tâm bám trụ vườn cây

Cũng như một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, cây cao su đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc giá tăng nhưng cũng có khi rớt giá thảm hại. Việc này đồng nghĩa với diện tích cao su tăng-giảm theo thời gian. Giai đoạn 2007-2010, giá mủ cao su tăng cao khiến người dân ồ ạt trồng cao su tiểu điền.

Ông Rơ Châm Nhel (làng Klũh Klăh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi trồng cà phê, điều và 3 ha cao su tiểu điền. Nhờ cao su mà chúng tôi có cuộc sống như ngày hôm nay. Theo tôi, cao su dù rớt giá nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến người trồng, vì khi cao su kiến thiết cơ bản, có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày khác”.

Hội thi cạo mủ là dịp để công nhân thể hiện tài năng. Ảnh: V.H

Hội thi cạo mủ là dịp để công nhân thể hiện tài năng. Ảnh: V.H

15 năm về trước, gia đình anh Trưi (làng Om, xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) bắt đầu trồng cao su tiểu điền. “Vào thời điểm giá cao su xuống thấp, nhiều nơi chặt bỏ cao su để chuyển sang cây trồng khác mong có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn giữ nguyên diện tích cây cao su cho đến nay. Thời gian gần đây, giá mủ cao su tăng cao. Điều đó khẳng định niềm tin của chúng tôi về cây cao su là có cơ sở”.

Không chỉ người dân trồng cao su mà những công nhân cạo mủ cao su cũng luôn tin tưởng, bám vườn cây, bám đội sản xuất dù có thời điểm cuộc sống của họ gặp khó khăn do cao su giảm giá. Chị Rơ Mah H’Byên là công nhân Đội sản xuất số 7 (Công ty TNHH một thành viên 74, Binh đoàn 15). Hiện nay, chị nhận cạo 3,5 ha và chăm sóc 10 ha cao su kiến thiết. Từ năm 2020 đến 2022, giá mủ cao su giảm thấp nhưng chị vẫn bám trụ vườn cây, đồng cam, cộng khổ với đơn vị.

Chị tâm sự: “Bố mẹ tôi cũng từng cạo mủ để nuôi chúng tôi ăn học nên người. Vì vậy, tôi phải có trách nhiệm với vườn cây, với đơn vị”.

Theo thống kê, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 251.314 ha cao su, trong đó, 139.115 ha đang trong giai đoạn khai thác mủ, còn lại là đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và tái canh. Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 86.780 ha cao su, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Kbang và TP. Pleiku. Trong đó, cao su đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 63.500 ha, năng suất bình quân khoảng 15,2 tạ/ha, sản lượng mủ khô khoảng 95.395 tấn/năm. Các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho gần 100 ngàn lao động.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh xử lý mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh xử lý mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho hay: “Chúng tôi rất mừng là vào thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, nhưng các công nhân của đơn vị vẫn không bỏ vườn cây. Điều này khẳng định cây cao su đã có vị trí và thế đứng trong ngành nông-lâm nghiệp của tỉnh.

Khi cao su xuống giá, để giữ chân công nhân, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như tiết kiệm chi, quản lý chặt đầu ra, tiết giảm chi phí gián tiếp để tập trung nâng cao đời sống cho người lao động. Thời gian gần đây, cao su đã tăng giá, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các kế hoạch quản lý để đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động”.

Để có những vườn cao su xanh tốt, cho dòng nhựa trắng thì đội ngũ công nhân đóng vai trò rất quan trọng. Cách đây 15 năm, anh Trần Hữu Thắng khăn gói từ huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vào Tây Nguyên lập nghiệp và bén duyên với cây cao su.

Anh chia sẻ: “Tôi vốn quen với việc nhà nông nên lần đầu tiên làm công nhân cạo mủ cũng có chút bỡ ngỡ. Nhưng theo thời gian, luyện tập nhiều cũng quen việc. Cạo mủ không khó nhưng cạo làm sao đúng kỹ thuật, được nhiều mủ, không ảnh hưởng đến cây mới khó. Cây cao su cũng như con người vậy, cơ địa tốt mới khỏe, cây có khỏe thì mới cho ra nhiều mủ. Chúng tôi không bao giờ bỏ vườn cây dù có những thời điểm giá mủ giảm thấp”.

Để cây cao su sâu rễ, bền gốc

Tây Nguyên là vùng chuyên canh cao su lớn thứ hai của cả nước, sau Đông Nam Bộ. Dù thuộc sở hữu doanh nghiệp hay cao su tiểu điền thì sự đóng góp của cây cao su vào việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh là thể phủ nhận. Trên thực tế, cây cao su được trồng đến đâu thì cơ sở hạ tầng được xây dựng đến, góp phần hình thành diện mạo nông thôn mới trong các vùng chuyên canh cao su.

Binh đoàn 15 khánh thành và bàn giao tuyến đường trên địa bàn biên giới cho huyện Ia Grai quản lý và sử dụng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Binh đoàn 15 khánh thành và bàn giao tuyến đường trên địa bàn biên giới cho huyện Ia Grai quản lý và sử dụng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa phương và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những năm gần đây, giá mủ cao su ở mức thấp, lợi nhuận không cao, nhất là những diện tích cao su trên những chân đất kém phát triển, hiệu quả thấp. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thì Gia Lai chỉ giữ lại những diện tích cao su trên những chân đất phù hợp với điều kiện thời tiết, cho năng suất cao. Dự kiến đến năm 2030, diện tích cao su giảm còn 60.000 ha.

Theo tính toán của các chuyên gia, cây cao su có thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, chi phí đầu tư cho cả chu kỳ này khoảng 60 triệu đồng/ha. Với giá mủ cao su trong thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta cao su thu lãi ròng gần 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trở ngại là chất lượng cao su nguyên liệu vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, nhất là từ nguồn cao su tiểu điền do nông hộ quản lý.

Hiện nay, giá gỗ cao su già cỗi ở Tây Nguyên đang ở mốc hơn 100 triệu đồng/ha đã tạo nguồn thu không nhỏ cho người trồng khi hết thời kỳ kinh doanh lấy mủ. Ngoài ra, cao su có thể trồng xen với các cây khác hoặc cây rừng và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học.

Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng carbon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Cao su cũng là loại cây trồng thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác.

Cây cao su làm thay đổi diện mạo huyện Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cây cao su làm thay đổi diện mạo huyện Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông: Trên địa bàn huyện có 3 công ty cao su của Nhà nước và Quân đội; ngoài ra, còn một số công ty, nông trường cao su tư nhân. Cây cao su đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi. Hiện nay, đường ô tô đã đến 100% thôn, làng. Cùng với đó, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc nơi có các công ty, đơn vị trồng cao su đứng chân.

Tiến sĩ Phan Việt Hà-Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 3 tỷ USD, cao su được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên.

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện nay, năng suất trung bình của cao su Việt Nam khoảng 1,6 tấn/ha, với giá xuất khẩu trung bình năm 2023 là 1.300 USD/tấn thì 1 ha có thể mang lại thu nhập xấp xỉ 2 ngàn USD, thấp so với các cây trồng chủ lực khác ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu nhưng chi phí đầu tư cũng thấp hơn.

Ngoài ra, cao su được xem là cây trồng đa mục đích nên diện tích cao su còn được xem là diện tích rừng và có tiềm năng rất lớn trong thu nhập lâu dài như thu hoạch gỗ cuối chu kỳ khai thác hay có thể tạo thu nhập từ tín chỉ carbon trong tương lai.

“Do cao su là sản phẩm cần chế biến tập trung nên việc liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ là rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả sản xuất cao nhất. Ngoài ra, do giá nhiều biến động và cao su là cây trồng dài ngày nên cần có sự cam kết và hỗ trợ giữa các bên, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân để cùng nhau phát triển cây cao su theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương cần nghiên cứu xây dựng các mô hình xen canh các loại cây trồng trong vườn cao su”-Tiến sĩ Phan Việt Hà cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.