Chuyện ở đại ngàn: Đi tìm bùa ngải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi khi lên miền núi, hẳn ai cũng từng được nghe lời dặn dò: “Lên đó coi chừng bị thư ếm, bỏ bùa nhé!”. Bùa ngải của dân tộc ít người là gì mà đáng sợ vậy?
 
Tào Thắng trưng nhiều sách chữ Hán cho chúng tôi xem. Ảnh: Quang Viên
Tây nguyên đầy nắng gió không chỉ có núi rừng hùng vĩ mà còn mang trong mình nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống, phong tục tập quán, đời sống tâm linh của các dân tộc anh em Ba Na, Ê Đê, Tày, Nùng... Mỗi khi lên miền núi, hẳn ai cũng từng được nghe lời dặn dò: “Lên đó coi chừng bị thư ếm, bỏ bùa nhé!”. Bùa ngải của dân tộc ít người là gì mà đáng sợ vậy?
Bùa ngải khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Nghe nói người Thái dùng xác hài nhi luyện bùa Kumathong (Quỷ linh nhi) để được phù hộ may mắn, làm ăn phát tài; người Campuchia có bùa Thiên linh cái làm bằng đầu lâu của cô gái trẻ còn trinh, khi luyện thành công có thể sai bảo vong hồn đoạt mạng kẻ khác. Người VN cũng lưu truyền những câu chuyện về các dân tộc miền núi có hình thức thư ếm quả trứng, mảnh sành, bó giẻ vào... bụng. Người trúng bùa đang khỏe mạnh bỗng ốm yếu xanh xao, bác sĩ khám không ra bệnh...
Chúng tôi lên Tây nguyên tìm đến các xã, buôn làng heo hút, nơi tập trung đông cộng đồng người thiểu số để tìm hiểu sự thật về bùa ngải.
“Có mà... chưa thấy”
Hầu hết người dân bản địa mà chúng tôi gặp đều nói một câu tương tự “Bùa ngải là có đấy”. Nhưng hỏi cụ thể bùa ngải ra sao, làm bằng thứ gì, tên người làm bùa ngải thì... không biết vì theo họ những người làm bùa ngải không ai dám công khai.
Theo ông Y Kô Niê, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, nghe già làng nói có bùa ngải, nhưng bản thân chưa thấy. Người giữ bùa ngải thường là phụ nữ. Trong làng có 1 - 2 người giữ cái ngải này thôi và phải là người có tâm hiền lành. Nếu ai xin với lý do gì chính đáng thì họ mới cho. Bùa yêu thì nghe đồn thôi chứ chưa thấy. Nhưng có những người bị “tam tam” (điên điên, khùng khùng) mà dân làng nói là do bị bỏ bùa là có.
Thời ba tôi còn sống ông vẫn không tin bùa ngải. Đôi khi trùng hợp ngẫu nhiên nên họ nghĩ vậy thôi. Ví dụ họ đang ghét ai đó mà đúng thời điểm người họ ghét đang bị bệnh. Thời xưa nhiều bệnh không biết là bệnh gì mà lại chết, hoặc bệnh mãn tính, lúc đó họ đổ cho là bỏ bùa bỏ ngải gây chết
Bác sĩ Y Bliu Arul
Ông giải thích: “Trong cộng đồng người Ê Đê, phụ nữ “nắm giữ” đàn ông. Nếu người đàn ông có biểu hiện không chung thủy, đánh đập vợ thì vợ dùng bùa ngải để khiến họ rơi vào trạng thái “tam tam”. Đây là bùa dính, bùa kéo người ta lại chứ không phải đẩy người ta đi. Phụ nữ muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, đàn ông cũng sợ bị “tam tam” nên phải sống tốt, chung thủy. Đó cũng là nét nhân văn”.
Cô La Bế Thùy Trang, người Tày, Phó chủ tịch xã vùng sâu Ea Tam (H.Krông Năng, Đắk Lắk), nơi có đến 85% dân tộc Tày, Nùng sinh sống), ngập ngừng: “Trong cộng đồng người Tày, Nùng nghe nói là có bùa ngải, nhưng cũng không biết ai làm và cũng chưa thấy bùa ngải”.
Tôi tìm đến anh Đại Hà, người chuyên nghiên cứu văn hóa Tày, Nùng. Anh Hà là người Kinh nhưng sinh ra và lớn lên trong làng người Tày nên rất am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào Tày, Nùng. Anh cho biết người Tày có bài thả bùa yêu khá lạ.
 
Một số “bửu bối” của Tào Thắng khi hành lễ cúng và giải bùa ngải
Bùa ta thả trúng quả mơ, quả mơ nhớ ta mà rụng cuống/Bùa ta thả trúng trái mận, trái mận yêu ta mà phải lìa cành/Bùa ta thả lên trời, mặt trời phải trốn vào trong mây/Bùa ta thả xuống dòng sông, dòng sông phải sôi lên vì thương nhớ/Bùa ta thả trúng gái tơ, gái tơ yêu ta tha thiết/Bùa ta thả trúng gái già, gái già vì yêu ta mà quên nhà/Không phải mai sau mới yêu mà yêu ngay tức thì/Thái thượng lão quân/Cấp cấp như lập lệnh.
“Tôi có quen một thầy Tào (thầy cúng) người Tày tên Hoàng Văn Thắng, nghe nói biết nhiều về bùa ngải, giải bùa rất giỏi. Ông đến đó hỏi thử”, anh Hà gợi ý.
Gặp thầy Tào chuyên “giải” bùa ngải
Anh Hà lấy xe máy chở tôi đến nhà Tào Thắng, trên đường đi anh dặn: “Cậu phải gợi chuyện sao cho khéo chứ để thầy “dị ứng” thì không khai thác được gì đâu”.
Gặp thầy Tào, sau khi hỏi chuyện lòng vòng về văn hóa người Tày hồi lâu tôi mới gợi chuyện: “Thầy biết người Tày, Nùng có bùa yêu, bùa ghét... gì đó không?”. Tào Thắng cho biết bùa có thật. Ví dụ một chàng trai thích cô nào đó sẽ nhờ người khác làm bùa yêu cho. Có người còn dùng bùa ngải yểm cho người khác tán gia bại sản nhưng thầy chưa thấy bùa ngải đó và chỉ đi giải bùa chứ không làm.
 
Tào Thắng ở điện thờ thần linh tại gia
“Tôi giải bùa nhiều lắm, nhớ không hết. Có cháu kia ở Thủ Đức, TP.HCM bị người khác bỏ bùa nên bị điên mấy tháng. Đầu tháng 6 lên đây, tôi cúng giải 3 ngày thì khỏi luôn. Tôi là đời thứ 10 của dòng họ làm thầy Tào và giải bùa ngải. Làm nghề này phải có căn duyên, học hành nghiêm túc và phải tu nhân tích đức. Làm bậy sẽ bị phản, con cháu không làm ăn được, ốm yếu, có khi chết, bản thân mình cũng có thể bị điên”, thầy nói.
Để chứng minh “sự học” của mình, Tào Thắng đưa tôi xem một thùng sách đã ố vàng viết bằng chữ Hán cổ và một đống đồ hành nghề cúng, giải bùa lỉnh kỉnh. Theo anh Hà, trong hệ thống tín ngưỡng của người Tày có Pựt, Then, Tào. Pựt là học thuộc lòng, không cần có chữ. Then chủ yếu là đàn hát cúng tâm linh. Thầy Tào phải học chữ Hán, học xong còn thông qua “hội đồng sát hạch” (gồm những thầy Tào có đẳng cấp và uy tín cao hơn), rồi mới được hành nghề.
Tôi đem những câu chuyện về bùa ngải nghe được ở Ea Tam hỏi bác sĩ Y Bliu Arul, Phó giám đốc BV đa khoa Đắk Lắk, con của già làng huyền thoại Ama H’rin, thì ông phản bác: “Thời ba tôi còn sống ông vẫn không tin bùa ngải. Đôi khi trùng hợp ngẫu nhiên nên họ nghĩ vậy thôi. Ví dụ họ đang ghét ai đó mà đúng thời điểm người họ ghét đang bị bệnh. Thời xưa nhiều bệnh không biết là bệnh gì mà lại chết, hoặc bệnh mãn tính, lúc đó họ đổ cho là bỏ bùa bỏ ngải gây chết”. (còn tiếp)
Sự thật về bùa ngải
Bùa ngải là một trong những hình thức khai triển huyền thuật. Bùa hiểu nôm na là một vật để con người “truyền phép” vào (quần áo, khăn, tóc, móng tay, đồ ăn...). Ngải, theo truyền tụng, thuộc họ thực vật, thân thảo, có củ, là những loại cây có tâm linh được các pháp sư dùng quyền phép truyền vào. Bùa ngải khởi thủy nhằm trị bệnh, trừ tà ma; sau bị một số người ác tâm sử dụng cho mục đích xấu.
Ở VN, người ta thường đồn người Nam giỏi bùa ngải vì chịu ảnh hưởng của huyền thuật Cao Miên (Campuchia). Người Trung biết về thư phù vì ảnh hưởng của triều đại Chiêm Thành (Chăm Pa) tinh thông về phù thư, đối ếm. Người Bắc giỏi về độc trùng do chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa cổ chuyên dùng hương mê và thuốc độc.
Theo các nhà khoa học, cái gọi là bùa mê có thể là do các vị pháp sư đã biết và kết hợp một số loại thảo mộc có tác dụng gây mê tạm thời lên thần kinh khiến người bị “bỏ bùa” rơi vào trạng thái mơ hồ, thiếu kiểm soát; hoặc dùng độc dược, hóa chất, năng lượng phóng xạ nhưng người bị hại lại tin bị trúng bùa ngải.
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.