Chuyện một nhà nông hiến tạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiến tạng là thuật ngữ không xa lạ với y học thế giới, nhưng còn khá mới mẻ trong suy nghĩ của người dân Việt Nam. Vậy mà ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi), một nông dân chính hiệu của xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã tiên phong đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM kể từ năm 2015

 

 Chú Nguyễn Văn Tác phấn khởi cầm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay
Chú Nguyễn Văn Tác phấn khởi cầm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay


Để sự sống được hồi sinh!

Từ UBND xã Trung Hưng, ông Tác đưa chúng tôi về căn nhà của mình, cách đó không xa, chừng 500m. Ông nói, căn nhà không thuộc vị trí đắc địa nhưng nằm phía sau chợ xã, nên bà nhà cũng buôn bán được đồng vô đồng ra. “Còn tôi ngoài lo việc đồng áng thì kiêm luôn tổ trưởng tổ xe từ thiện của xã này, vậy mà cũng gần 20 năm rồi còn gì”.

Trong căn phòng riêng của ông ở tầng trên, tôi choáng ngợp với nhiều giấy khen, bằng khen của ông. Đắt giá nhất chắc là “Chứng nhận kỷ lục gia về hiến máu tình nguyện”, người có số lần hiến nhiều nhất tại Cần Thơ (trong 22 năm có 65 lần hiến máu). Nhưng nhìn xung quanh chẳng có giấy khen nào ghi nhận việc ông tiên phong đăng ký tình nguyện hiến tạng, với thâm niên 5 năm tính từ ngày đăng ký hiến mô, tạng.

Ông nở nụ cười hiền trên khuôn mặt tròn phúc hậu, bảo: Giấy khen chỉ là nhất thời, quan trọng việc mình làm có giúp được gì cho xã hội này hay không thôi!

Với dáng người rắn chắc, ông bước thật nhanh đến tủ kiếng gần đó, lấy ra một tấm thẻ, rồi nói: “Nó nè, tấm thẻ đăng ký hiến tạng”.

Trong thẻ có ghi dòng chữ “Hiến mô, hiến tạng nhân đạo khi qua đời, cứu người duy trì cuộc sống mãi mãi” được chứng nhận bởi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vào năm 2015.

Ông vui vẻ kể: Trong một lần chuyển bệnh từ TPHCM về, người nhà bệnh nhân bàn tán chuyện hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Do ấp ủ việc hiến tạng cứu người từ lâu, nên lần chuyển bệnh sau đó, ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi rõ và đăng ký. Tôi hỏi ông lúc đó ông nghĩ sao về việc hiến tạng?

Ông trải lòng: “Đời người, ai mà không trải qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Nhưng sau khi mình lìa xa trần thế, thể xác cũng bị sẽ bị phân hủy, có còn lại gì đâu. Duy chỉ có cho đi những gì trên cơ thể mình để giành lại sự sống cho những người cận kề giữa sự sống với cái chết thì ý nghĩa hơn rất nhiều. Người ở lại như một thành viên mới trong gia đình của mình. Vậy đó!”.

Ông nói thêm, bà nhà với 2 đứa con gái biết vậy rất ủng hộ “nên tôi lấy đó làm niềm vui, làm động lực sống cho bản thân mình, làm nhiều việc thiện hơn nữa giúp người, giúp đời”.

Hiệu ứng domino

Lát sau, có thêm vài người nữa đến. Chuyện hiến mô, tạng càng rôm rả. Ông Đỗ Văn Quảng (75 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Trung Hưng cũng là một trong 20 người đăng ký hiến mô, tạng của đơn vị. Ông đăng ký hiến xác cho y học, thẻ được cấp vào năm 2019.

Trước khi nói về “hiệu ứng domino” hiến mô, tạng, ông kể: Việc làm thiện nguyện, giúp đỡ mọi người đã có cái nôi. Trung Hưng ngày xưa đường sá khó khăn, cách trở, di chuyển chủ yếu bằng đường sông. Mọi người xóm trong khi trái gió trở trời thì chở bằng ghe, xuồng ra trạm xá. Rồi vài năm sau, có được chiếc Cup 67 để chuyển bệnh. Mãi sau này, Trung Hưng phát triển, giao thông thuận tiện, xã hội hóa nên giờ được 2 xe cứu thương, một chiếc đời cũ, một chiếc đời mới dùng để làm từ thiện, đưa người bệnh đi cấp cứu… bất kể ngày đêm.

Thật bất ngờ, mấy ngày gần đây, vợ chồng cô Hồng, chú Út, người ở tận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang nghe thông tin cũng đã chạy lên đây để đăng ký với hội xin được hiến mô, tạng. “Tôi vừa hướng dẫn đăng ký hồ sơ để bổ sung vào danh sách”, ông Quảng đưa hồ sơ kèm với danh sách hiến mô, tạng cho tôi xem.

Kết nối bằng điện thoại với cô Trần Thị Phước Hồng và chú Lê Văn Út, bên kia đầu dây, tôi cảm nhận được cô chú cười rất tươi khi tôi hỏi về chuyện hiến mô, tạng. Cô Hồng kể,  chiều hôm đó, vợ chồng tôi xem trên báo đài mới biết đến việc hiến mô, tạng của những thành viên Tổ xe từ thiện thuộc Hội Chữ Thập đỏ Trung Hưng. “Đêm đó gần như vợ chồng tôi không ngủ được, nghe được thông tin này như vớ được vàng. Chờ trời gần sáng rồi chú chở cô bằng xe máy, vượt đoạn đường gần 100km lên tới Trung Hưng để đăng ý hiến tạng”.

Theo cô Hồng, đây là việc làm có ích giúp đỡ được nhiều người duy trì sự sống nên cô chú rất sẵn lòng. Cô Hồng nói thêm, trước giờ cũng có thấy đăng ký hiến mô, tạng mà ở tận Sài Gòn, chứ ở miền Tây này chưa thấy nơi nào. Khi nắm được thông tin có thể đăng ký hiến mô, tạng ở Tổ xe từ thiện Trung Hưng, cô chú vội vã đến ghi tên mình. Cô bộc bạch, đôi khi mình có tấm lòng nhưng đường về Sài Gòn xa xôi, tốn kém chi phí nên chưa thể đi. Giờ thông qua Hội Chữ Thập đỏ xã Trung Hưng là cơ hội tốt nhất rồi.

Theo ông Quảng, tổ xe từ thiện thuộc sự quản lý của Hội Chữ Thập đỏ Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, được thành lập cũng lâu. Hiện tổ xe có 20 tài xế luân phiên trực, đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời trong bất kỳ thời gian nào, ông Nguyễn Văn Tác là tổ trưởng tổ xe từ trước đến nay.

“Chú Tác tiên phong đăng ký hiến tạng, thấy việc làm ý nghĩa nên những thành viên trong tổ xe cũng đăng ký theo. Tính từ năm 2015 đến nay, ngoài những thành viên trong hội thì người ngoài hội cũng đăng ký hiến tạng. Từ một người tiên phong mà giờ danh sách đã có 20 người đăng ký, trong đó có 11 người đăng ký hiến mô, tạng còn 9 người, trong đó có tôi là đăng ký hiến xác cho y học”, quả là một hiệu ứng domino từ việc làm có ý nghĩa cho xã hội.

Anh Bùi Thanh Vũ, năm nay chỉ mới 23 tuổi, là tài xế nhỏ tuổi nhất trong Tổ xe từ thiện thuộc Hội Chữ Thập đỏ Trung Hưng. Anh nói, một lần lướt web, thấy được một người hiến mô, tạng mà cứu được 3 người, từ đó anh cũng mạnh dạn ghi tên vào danh sách hiến mô, tạng. Được biết giờ rảnh, anh là thành viên năng nổ của tổ xe từ thiện chuyển bệnh bất kể đêm khuya hay giữa trưa nắng gắt, khi có bệnh nhân cần cấp cứu.


Theo TÍN HUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.