Chuyện ít biết về Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào văn chương, phim ảnh và bao hồi ức trên báo chí, dường như vẫn còn chưa đủ về cuộc đời của Anh hùng Núp. Đậm đặc cốt cách Bahnar, sự tiếp cận mọi góc hướng về con người ông vẫn luôn là một điều mới mẻ và hấp dẫn. Chuyện kể của ông Hồ Văn Ba từng là cần vụ của Anh hùng Núp sẽ cho ta cảm nhận thêm điều ấy.

Chiếc khố, bếp lửa và…

“Từng có một thời gian sống giữa Thủ đô Hà Nội, từng ra nước ngoài, thế nhưng chiếc khố và bếp lửa vẫn là 2 thứ gắn bó cùng Anh hùng Núp như là hồn cốt khi trở về quê hương chiến đấu”-ông Hồ Văn Ba nhớ lại.

Năm 1970, Hồ Văn Ba mới 17 tuổi, còn Anh hùng Núp đã là Tỉnh ủy viên. Với vai trò của ông lúc ấy, việc bảo vệ phải được tiến hành rất chu đáo. Ngoài ông Ba còn 2 chiến sĩ Công an tên là Tuân và Truyền. “Cả 3 chúng tôi thường trực bên ông, cả khi ở nhà cũng như đi công tác”-ông Ba hồi tưởng. Người ta làm riêng cho ông căn nhà lợp tranh, vách nứa, ẩn dưới tán cây rừng rậm rạp như thường thấy ở chiến khu Krong hồi ấy. Lúc này, bà Chơ Rơ-người vợ thứ 3 của ông đã lên ở chung. Bok Núp rất thích ăn cơm độn. Thỉnh thoảng, ông bảo tôi: “Ba xuống nói nhà bếp độn mì vào cơm cho bác, ăn cơm không nhạt lắm”. Cũng có khi, bà Chơ Rơ xuống bếp lấy tiêu chuẩn về nấu riêng. Những lúc đó, bà lại được “quán triệt” là phải nấu sao để đảm bảo sức khỏe cho ông.

Là một nhân vật huyền thoại nhưng Anh hùng Núp sống vô cùng khiêm tốn và giản dị. Cuộc đời ông đã đi vào văn học với tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc (ảnh tư liệu).
Là một nhân vật huyền thoại nhưng Anh hùng Núp sống vô cùng khiêm tốn và giản dị. Cuộc đời ông đã đi vào văn học với tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc (ảnh tư liệu).


Với ông, những ngày ở nhà là quãng thời gian thoải mái nhất. Được cởi bỏ những gì bó buộc, ông sung sướng trở về cái bản ngã của mình như lúc còn sống ở làng. Trừ những ngày mưa rét, còn thì ông đóng khố, cởi trần. Phải nói rằng, ông Núp có một thân hình thật đẹp. Mặc khố càng tôn thêm vẻ gân guốc, cường tráng. Ông bảo: “Mặc quần áo nó vướng víu làm sao ấy”. Và đêm đến bao giờ cũng phải đốt cho ông bếp lửa. Để đề phòng máy bay địch, tôi phải dập hết lửa ngọn và dùng phên che bớt ánh sáng. Bên bếp lửa, đôi “mắt voi” hiền từ của ông cứ như trôi theo những dòng hồi ức xa xăm nào đó không cùng. Cũng bởi cái bếp lửa đã trở nên hồn cốt đó mà sau này nghỉ hưu, ông đã đưa vợ về làng. Tỉnh xây cho ông một căn nhà có thể nói là đàng hoàng thời đó. Thế nhưng, chỉ ở được ít lâu, ông tự mình làm một căn nhà sàn mái tranh, vách nứa, đúng kiểu cách đồng bào để ở. Lý do là vì căn nhà xây kia… không có chỗ cho ông đốt lửa! Rồi ông xin đất làm rẫy, hòa mình trở lại với cuộc sống dân làng. Buồn là ý nguyện của ông đã không thực hiện được. Do đau ốm liên miên, ông phải trở lại Pleiku rồi ra đi vĩnh viễn mà không có dịp trở lại những yêu thích cố hữu của mình.

Nhưng những lúc được tự do trở về với bản ngã của mình với ông là rất ít. Không bao giờ ông cho phép mình được nhàn tản giữa lúc cuộc kháng chiến đang cần đến vai trò của ông. Mỗi tháng, ông đi cơ sở ít ra cũng phải hai chục ngày. Trong bộ quần áo bộ đội, một bên đeo khẩu súng ngắn, bên bi đông nước, tay cầm nỏ, ông sải những bước chân chắc nịch. “Bác có giác quan của người quen sống với núi rừng, tai mắt nhanh nhạy hơn các cháu”-cứ mỗi lần chúng tôi đòi đi trước cho đúng với chức trách của người bảo vệ, ông lại gạt đi bảo vậy. Và quả thật không có âm thanh, dấu vết nào lọt qua được mắt ông. Cũng bởi vậy mà tất cả các chuyến đi công tác của chúng tôi đều được an toàn. Hàng trăm ngôi làng ở Kbang chẳng có làng nào là ông chỉ đến một lần. Vậy mà mỗi lần ông tới, làng nào cũng náo nức. Cứ nghe tin ông về là tối đến cả làng già trẻ, lớn bé lại kéo đến chật nhà rông. Bên bếp lửa than hồng rực, dân làng quây quần bên ông kể đủ thứ chuyện, nêu đủ thứ thắc mắc. Cứ tưởng ông sẽ lớn tiếng giảng giải như kiểu thường thấy của cán bộ cấp trên nhưng không. Ông ngồi lặng lẽ, đưa cặp mắt hiền từ nghe mọi người nói hết. Sau đó, ông mới nhỏ nhẹ lấy chuyện xa, chuyện gần khuyên nhủ. Không bao giờ thấy ông phê phán điều gì nặng lời với đồng bào, cũng không bao giờ thấy ông nói điều gì kiểu răn dạy, đe nẹt. Vậy mà mọi người đều răm rắp nghe theo. Quả là một kiểu dân vận thật độc đáo của riêng ông.

Trầm tĩnh, nhẹ nhàng trong mọi công việc nhưng khi đã quyết thì không khó khăn nào có thể khiến ông lùi bước. Phẩm chất ấy cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian tôi làm cần vụ cho ông. Tháng 10-1973, Kbang xảy ra một trận lụt ghê gớm. Mặc dù trời đang mưa nhưng ông vẫn quyết định xuống các làng xem tình hình bà con thế nào. Sông Ba thường ngày hiền hòa là thế, giờ nước dâng tràn ngập cả đôi bờ. Nhìn dòng nước gồng lên, cuộn khúc như một con trăn dữ, chúng tôi rụt rè ngỏ ý hay là hẵng quay về, chờ cho nước rút nhưng ông vẫn quyết đi. Chúng tôi cứ theo ông men bờ sông mà chưa hiểu sẽ sang bên kia bằng cách nào. Được một quãng chừng 3 cây số thì gặp một khúc sông hẹp, hai bờ có đôi cây đa lớn mọc giao nhau, ông bảo: “Vậy là bác cháu mình đã có “thuyền” sang sông rồi đây. Nhưng mà cháu Ba thì bác biết, còn hai cháu có biết trèo cây không?”. Tuân và Truyền nhìn nhau lúng túng. Ông cười: “Vậy thì bây giờ để bác “làm mẫu” trước. Các cháu phải quan sát thật kỹ xem bác giẫm chân, níu tay vào cành nào thì làm đúng như thế nhé”.

Nói rồi, ông thoăn thoắt trèo lên. Tim tôi đập thình thịch, mắt căng ra tưởng chừng rách mí dõi theo mọi động tác của ông. Thận trọng mà vô cùng quả quyết, chỉ chừng 15 phút, ông đã sang bờ bên kia an toàn. Cất tiếng cười vang, như vừa qua một trò chơi thú vị, ông nói vọng sang: “Nào, các cháu đã nhìn rõ chưa, nếu chưa thì để bác “làm mẫu” lại?”. Bụng vẫn chưa hết run nhưng chúng tôi cùng đồng thanh “Rõ rồi” để ông đừng sang nữa. Một ba lô lương thực, khẩu AK, 2 băng đạn, nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn, những khúc gỗ cả người ôm lao đi vun vút, tôi thoáng nghĩ, nếu trượt chân, mình cũng chỉ như cành củi trong dòng nước xiết kia. “Cứ bình tĩnh đi đúng như bác, không có gì phải sợ cả”-ông luôn miệng động viên tôi. Chẳng rõ sức trai trẻ hay thái độ bình tĩnh của ông tiếp thêm sức mạnh, răng nghiến chặt, mồ hôi ướt đẫm áo, cuối cùng tôi đã sang được bờ bên kia. Sự tiền lệ của tôi đã khiến hai anh Tuân và Truyền cũng qua sông an toàn. “Các cháu thấy chưa, mặt đất dù gồ ghề thế nào cũng có chỗ cho ta đặt chân; cành cây dù gai góc đến đâu cũng có chỗ cho bàn tay ta nắm”-ông ôn tồn nói.  

Tài săn bắt

“Không biết lúc ở làng, liệu có ai hơn ông Núp về khả năng săn bắt nhưng với những gì tôi được chứng kiến thì tài nghệ ấy quả thật tuyệt vời”-ông Ba hồi tưởng. Không phải là người say mê xem việc săn bắt là một cái thú, ông ít đi nhưng đã đi là không bao giờ chịu về không. Ông biết dấu chân nào của bầy thú dẫn tới nơi kiếm ăn, dấu chân nào dẫn về nơi ẩn nấp. Có lần tôi hỏi đùa: “Cháu thích ăn thịt cọp, bác có bắn được không ?”. Ông cười: “Được chứ nhưng mà không nên bắn cọp. Người Bahnar kiêng, tôn nó là “thần cọp”. Chúng ta không nên chạm vào tín ngưỡng của đồng bào”.

 Làng Stơr phục dựng (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: internet
Làng Stơr phục dựng (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: internet



Lấy mật ong lại là một cái tài khác của ông mà có lẽ ít người sánh được. Chỉ thoạt nhìn qua, đôi mắt tinh tường của ông đã biết cây nào có ong làm tổ rồi đánh dấu gốc cây đó. Tục lệ đồng bào, cây nào đã có đánh dấu là cây đó có chủ, không ai xâm phạm. Tuy nhiên, điều đáng nói là không biết ông đánh dấu kiểu gì nhưng dân các làng nhìn đều biết “cây của Bok Núp” và không ai đụng tới. Gần như lần nào ông đi lấy mật cũng dẫn tôi theo. Tuổi trẻ thích khám phá và mạo hiểm, cây nào có ong tôi cũng đòi trèo nhưng ông chỉ cho phép tôi lên những cây thấp. Còn ông, tôi chưa thấy ông “đầu hàng” một cây nào, dù khó đến đâu. Có ai có thể nghĩ được một ông già đã ngót 60 tuổi lại có thể nhanh nhẹn, dẻo dai đến vậy! Mỗi vụ ong, dù chỉ tranh thủ những ngày nghỉ, ông cũng lấy được vài trăm lít. Mật lấy về, ông đổ vào ghè dùng chung cho cả cơ quan; không hết thì mang xuống làng đổi thực phẩm về để nhà bếp cải thiện cho anh em.

Tôi làm cần vụ cho ông đến năm 1973 thì đi học. Quãng thời gian 3 năm đó, tôi được ông đối xử đầy tình thương, như con cháu trong nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nhờ quãng thời gian ngắn ngủi đó mà tôi được hiểu thêm một chút về ông-một con người đã đi vào huyền thoại mà vẫn đầy cốt cách Barhnar; một con NGƯỜI viết hoa đúng nghĩa.

Ông Ba dừng kể, khuôn mặt chợt trĩu vẻ trầm tư, đôi mắt đăm chiêu nhìn ra khoảng hiên nhà đầy nắng.

 

NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.