Chuyện buồn sau những chuyến vượt biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì trót nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu nên một số người dân tộc thiểu số vượt biên với giấc mộng được hưởng cuộc sống giàu sang. Thế nhưng, nhiều người trong số họ trở về Việt Nam với sự tiếc nuối vì đã hao tổn tiền bạc, tinh thần vào chuyến đi vô nghĩa. Một số người khác mắc kẹt ở nước ngoài vì không có tiền về nước. 
Lao đao nơi đất khách 
Trước nhà Rmah Anhuch (SN 1980, ở làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) là cây sanh cao lớn rợp mát một khoảng sân. Khi chúng tôi đến, chị Siu HPia (vợ Anhuch) đang ngồi dệt trước khung cửi. Từ ngày chồng trở về, chị HPia mới lại dệt thổ cẩm. Gương mặt ủ dột vì lo lắng cho chồng và phải gồng gánh nuôi 5 đứa con nhỏ đã dần tươi tắn trở lại.
Từ phải sang: Rmah Anhuch, Siu Phân và Kpă Grễh, 3 trong số những người may mắn được trở về quê hương. Ảnh: T.T
Từ phải sang: Rmah Anhuch, Siu Phân và Kpă Grễh, 3 trong số những người may mắn được trở về quê hương. Ảnh: Thúy Trinh
Rmah Anhuch và ông Siu Phân (58 tuổi, cùng làng) rủ nhau vượt biên từ đầu tháng 4-2017 và hồi hương từ Thái Lan vào ngày 16-11-2017. Hiện nay, cả 2 đang nỗ lực để ổn định cuộc sống. Chúng tôi ngồi chờ một lát thì gặp họ vừa đi mua cà phê giống bằng vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng thay thế những cây bị chết trong vườn. Có lẽ, những ngày chui lủi, khổ cực ở xứ người đã làm cho họ nhận ra giá trị của việc được tự do sinh sống, làm ăn trên chính quê hương mình. “Một số người ở Campuchia, Thái Lan gọi điện về lôi kéo mình đi qua đó để được đi nước thứ ba, mình tưởng thật. Mình tìm đường qua Thái Lan nhưng đến đó không ai ngó ngàng gì, mình ở nhà thuê, đến nước uống, nước tắm cũng phải mua. Đi làm chui được mấy đồng tiền công, chưa đủ trả tiền phòng trọ nên bị đuổi. May được một nhà chùa cho ở nhờ. Ở Việt Nam có rẫy, có ruộng, có anh em, gia đình, bạn bè…, thiếu thì vay mượn. Bên đó đâu biết xin ai, nhiều khi ngồi khóc một mình thôi”-Anhuch lắc đầu ngao ngán khi nhắc lại cảnh sống dật dờ trên đất Thái.
Ông Siu Phân tiếp lời: “Không có hộ chiếu thì bị Cảnh sát Thái Lan bắt nên chúng tôi đâu dám ra ngoài, lại không biết tiếng Thái nên phải ăn cơm chùa để sống qua ngày. Được một thời gian, Anhuch gọi về cho vợ. Con HPia nói về đi, không ai bắt đâu. Vợ nó đưa cho nó số điện thoại của cán bộ để nhờ giúp đỡ trở về Việt Nam… Về đến nhà, thấy vợ đau ốm không đi lại được, cà phê, hồ tiêu không ai tưới chết gần hết, tôi ân hận lắm. Nhưng dù sao cũng rất mừng vì thoát được cảnh sống tăm tối ở xứ người”.
Vừa lúc ấy, cha vợ của Anhuch-ông Kpă Grễh khập khiễng chống gậy từ ngôi nhà sàn gần nhà Anhuch đến chỗ chúng tôi. Ông Grễh năm nay 54 tuổi, cũng là một trong những nạn nhân của trò lừa vượt biên. Sau khi Anhuch trốn đi vài ngày thì ông Grễh được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trao trả. Ông Grễh kể: “Ở nhà, sáng sáng, cái chân tôi lên rẫy quen rồi. Khi qua bên ấy không có việc làm, suốt ngày ở trong căn phòng chật chội, ăn uống thiếu thốn nên tôi như chết dần, chết mòn. Tôi mất gần 30 triệu đồng cho cả chuyến đi. Đó là tiền bán mì và 1 con bò. Lúc về nghe con HPia khóc, nói thằng Anhuch mới bỏ nhà đi, tôi buồn vì không kịp ngăn nó”. Ngoài ông Grễh, ông Siu Phân và Rmah Anhuch, trong 2 năm trở lại đây, xã Ia Ko có 15 trường hợp khác được UNHCR trao trả hoặc tự nguyện hồi hương từ Thái Lan, Campuchia. 
Khi những trụ cột vắng nhà
Nghe tin Rah Lan Chíu (SN 1980, ở làng Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) vượt biên sang Thái Lan, người làng ai cũng ngạc nhiên. Anh Rah Lan Phun-Trưởng thôn Hra-cho biết: “Nhà Chíu kinh tế vững lắm, có 5 ha hồ tiêu, cà phê, mì, bắp. Nó mới xây nhà hơn 300 triệu đồng, sắm xe công nông. Không ngờ nó nghĩ cạn bỏ làng mà đi. Bây giờ qua Thái nghe nói khó khăn lắm. Dân làng rất bức xúc đối với những kẻ lôi kéo bà con đi vào con đường tối”.

Trung tá Phan Thanh Hải-Phó trưởng Công an huyện Chư Sê: “Thời gian gần đây, một số đối tượng ở Campuchia, Thái Lan lôi kéo người dân tộc thiểu số ở địa bàn huyện vượt biên để thu lợi bất chính với số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng/người. Những người mắc mưu số đối tượng này sang Thái Lan hiện đang sống trong nỗi lo âu, khiếp sợ và bày tỏ nguyện vọng được chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ để quay về Việt Nam. Chúng tôi đang tích cực điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu tổ chức đưa người vượt biên, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhận thức rõ âm mưu, bản chất của kẻ xấu. Đồng thời, đề xuất các biện pháp hỗ trợ những người hồi hương để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Từ ngày Rah Lan Chíu vượt biên (tháng 12-2017), chiếc xe công nông nhà chị HToak (vợ Rah Lan Chíu) nằm im lìm trong sân. Đứa con trai đòi lái lên rẫy nhưng chị không cho vì nó mới 13 tuổi. Làm việc quần quật từ sáng đến tối nhưng chị cũng đành bất lực nhìn vườn hồ tiêu, cà phê chết dần. Hai trong số 5 đứa con phải nghỉ học để thay cha đỡ đần mẹ. Chị kể: “Vợ chồng mình cãi nhau vì chuyện bán mì. Hôm sau, nó bảo đi hái cà phê rồi đi luôn. Mình buồn lắm, tưởng nó giận mình nên mới đi như vậy. Được một thời gian, nó gọi về nói có người xúi giục qua Thái Lan để đi Mỹ. Nhưng bên đó khổ lắm, suốt ngày ở trong phòng không dám đi làm, cơm không có ăn. Bây giờ, nó muốn về làng lắm”-chị kể.
Cùng đi với Rah Lan Chíu có Kpuih Plem (SN 1974, cùng làng). Năm 2004, Plem bị xử phạt 7 năm tù về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, vợ Plem ở nhà một mình nuôi 7 đứa con nhỏ. Năm 2011, mãn hạn tù về địa phương, những tưởng Plem tu chí làm ăn. Thế nhưng tháng 12-2017, Plem lại cùng 2 người khác trong làng vượt biên sang Thái Lan. Để có tiền vượt biên, Plem bán chiếc xe máy và gom tiền trong nhà được 14 triệu đồng. Đến nay, sau gần 15 năm Plem mù quáng nghe lời xúi giục, kích động của bọn phản động FULRO mà bỏ bê gia đình, cả nhà Plem tổng cộng 10 người vẫn phải chui rúc trong căn nhà chật chội. Siu Tùng (SN 1997), con trai thứ 2 của Plem tỏ vẻ lãnh đạm khi nói về cha mình: “Cha đi thì cũng thế thôi. Mẹ và bọn em rồi sẽ tự lo được”. Thế nhưng, khi chúng tôi chào tạm biệt, với đôi mắt đầy nỗi lo âu, Siu Tùng hỏi: “Bây giờ cha em muốn về thì phải làm thế nào?”.
Từ năm 2013 đến nay, riêng tại địa bàn xã Ia Hla (huyện Chư Pưh), trong số những người vượt biên thì có 2 người chết vì bệnh tật, 7 người bị Cảnh sát nước sở tại bắt, 5 người tự nguyện quay về địa phương. Nhiều sự việc đau lòng đã diễn ra nhưng một số người vẫn nghe theo lời đường mật của bọn phản động, chưa từ bỏ hy vọng và tiếp tục đi tìm “vận may”, bỏ lại gia đình sau lưng với nỗi trống trải khó nói thành lời.
Thúy Trinh - Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.