Chung một dòng sông - Kỳ 1: Những "làng Cam" trên đất Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dòng Sê San như dải lụa vắt qua đại ngàn Tây Nguyên nối với Đông Bắc Campuchia mang theo dòng nước mát tạo nên những ngôi làng yên bình, trù phú. Ở đó, quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã cống hiến xương máu giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer đỏ. Ngày nay, bằng nhiều hình thức, Chính phủ và Nhân dân 2 nước tiếp tục củng cố, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Để tránh họa diệt chủng của chế độ Khmer đỏ do Pol Pot lãnh đạo, nhiều người Campuchia đã chạy sang vùng biên giới Việt Nam lánh nạn, được người dân và chính quyền che chở, bảo vệ. Giờ đây, trên miền biên viễn vẫn còn những ngôi làng người Campuchia sinh sống. Dù có nguồn gốc từ bên kia biên giới, nhưng họ mang quốc tịch Việt Nam và luôn chăm lo lao động sản xuất, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước, 2 dân tộc thêm bền chặt.

Đường vào làng Kloong. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đường vào làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Vĩnh Hoàng


Ký ức một thời chạy giặc

Chiều biên giới tháng 5, nắng vàng như trải mật, chúng tôi đến thăm làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai. Nhiều người trên vùng biên giới này thường gọi là “làng Cam” bởi năm 1976, trước họa diệt chủng Pol Pot, nhiều người dân ở huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) đã sang đây lánh nạn và trở thành những công dân Việt Nam.


Năm nay đã bước qua tuổi 65, già làng Rơ Châm Hloắc vẫn không thể quên được sự tàn ác của bọn Pol Pot đã gieo rắc lên đồng bào, quê hương mình: “Bọn chúng ác độc lắm, gặp dân là giết, lúa gạo, trâu bò đều bị cướp hết. Nhiều người bị chúng mổ bụng, phanh thây rồi gài mìn làm bẫy, ai ra lấy xác về chôn cất cũng bị nổ chết theo. Năm ấy, bọn Pol Pot tràn đến, đốt nhà, giết người, tôi và 35 hộ gia đình chạy thoát sang bên này biên giới, được Nhân dân và bộ đội Việt Nam giúp đỡ, cưu mang. Khi bọn diệt chủng bị quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt, một số người đã trở về làng cũ, nhưng nhiều người vẫn ở lại đây vì coi đó là quê hương của mình rồi”. Giờ đây, vợ chồng ông Rơ Châm Hloắc dù không có con, nhưng vẫn sống với nhau rất hòa thuận và họ luôn kể cho mọi người nghe về những năm tháng gian khó ấy. “Là già làng nên mình luôn bảo mọi người rằng: Năm xưa nếu không có người dân nơi đây và chính quyền địa phương giúp đỡ thì mình đã bị bọn Pol Pot giết rồi. Có cuộc sống như ngày hôm nay phải nhớ đến người đã giúp đỡ, cưu mang, phải chăm lo lao động sản xuất”-ông Hloắc tâm sự.

Dù không có con nhưng hai vợ chồng già làng Hloắc vẫn luôn đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Hai vợ chồng già làng Rơ Châm Hloắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Rời xã Ia O, chúng tôi tìm về làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Cũng như những người dân chạy giặc ở làng Kloong, cách đây hơn 40 năm, 40 hộ dân người Khmer đã vượt qua biên giới để đến đây nương nhờ, mong tìm con đường sống trước sự truy đuổi, tàn sát của bọn Pol Pot. Nhiều người cao tuổi ở đây vẫn nhớ như in hình ảnh những người bên kia biên giới phải băng rừng, lội suối để sang đây lánh nạn. Khi ấy, nhiều người đã lả đi vì đói và mệt. Ngời dân Jrai ở đây cùng cán bộ địa phương và bộ đội đã cưu mang, giúp đỡ để họ vượt qua đại nạn. Câu chuyện đưa thóc giống chưa kịp trỉa ra cứu người vẫn được già làng Kpuih Chan nhớ như in: “Năm đó, tôi mới 28 tuổi. Khi bọn Pol Pot tàn sát người dân làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav), nhiều người hoảng loạn tìm đường thoát thân. Tôi dẫn vợ và 2 đứa con mang ít bộ quần áo rời làng đi về hướng Đông, vì nơi ấy là đất Việt Nam, nơi có “đội quân nhà Phật” mình sẽ được bảo vệ an toàn. Khi sang đây, ngoài việc được bộ đội bảo vệ, người dân và chính quyền che chở, bao bọc, nhiều người dân đã đưa cả thóc giống ra cối giã gạo để nấu cháo cho chúng tôi. Hơn 40 năm rồi, tôi đã thành người Việt Nam. Thế hệ con cháu cũng đã có cuộc sống ổn định nơi đây”.

“Những gia đình chạy sang đây lánh nạn đều có cuộc sống ổn định, con em được học hành đầy đủ. Rồi thế hệ này đến thế hệ khác bám vào vùng đất này mà xây dựng cuộc sống. Chính vì thế, chúng tôi luôn biết ơn sự cưu mang, đùm bọc và giúp đỡ của chính quyền cũng như người dân nơi đây”-già làng Hloắc bùi ngùi.

Cuộc sống ấm no trên vùng đất mới

Đi dọc đường biên nếu chịu khó tìm hiểu bạn sẽ thấy những ngôi làng khá trù phú, bình yên, nhưng ẩn sâu trong đó là những câu chuyện đẹp về tình đoàn kết giữa người dân 2 nước. Dù mang quá khứ đau thương, nhưng giờ đây mọi người đang đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất để xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp. Những ngôi làng trên đất Việt cũng có cái tên giống như làng cũ bên kia biên giới là Kloong, Triêl, nhưng điểm khác biệt là cuộc sống của người dân no ấm hơn xưa.

Anh Rơ Mah Thúy (làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) tự hào khoe về những đổi thay của làng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Anh Rơ Mah Thúy (làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) tự hào khoe về những đổi thay của làng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong cái nắng hanh hao của những ngày chớm hạ, tôi ghé nhà anh Rơ Mah Thúy (làng Triêl, xã Ia Pnôn). Mặc dù đang tất bật chuẩn bị xây nhà nhưng anh Thúy vẫn đón tiếp khách một cách niềm nở. “Cha tôi là Siu Hoan. Ngày trước, gia đình tôi chạy sang đây để lánh nạn. Cha tôi kể rằng: Con voi Khăm Pui đưa cả nhà vượt suối, băng rừng sang Việt Nam. Tài sản bị bọn Pol Pot đốt hết, lấy hết. Ngày trước sang đây tay trắng, giờ chúng tôi có cuộc sống sung túc. Tôi đang chuẩn bị làm căn nhà khoảng 800 triệu đồng. Không chỉ tôi mà nhiều người dân sang đây chạy giặc cũng có nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi. Tôi có 3 người con thì một cháu đang học lớp 12, còn lại học THCS”-anh Thúy chia sẻ về cuộc sống của mình.

Như muốn chúng tôi hiểu thêm về những đổi thay trên vùng đất này, bà Ksor H'Biên-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Pnôn-khái quát: Làng Triêl có 87 hộ với 405 khẩu. Đa số là người có nguồn gốc bên kia biên giới sang đây lánh nạn. Giờ đây, làng đổi thay nhiều lắm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20%, làng có 4 em đã học xong trung cấp và có việc làm ổn định. Người dân chủ yếu là trồng điều và lúa. Chi bộ làng có 20 đảng viên. 95% số hộ có người làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty TNHH một thành viên 72, Binh đoàn 15. “Ở đây, người dân bản địa không bao giờ kỳ thị người có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Ngược lại, họ luôn giúp đỡ, cưu mang như anh em ruột thịt. Nhiều người được nhận vào làm công nhân cạo mủ cao su nên có thu nhập ổn định”-ông Hoàng Văn Tam-Bí thư Chi bộ làng Triêl-cho biết.

Chị Rơ Mah H'Nghi, thế hệ thứ 2 sinh ra trên đất Ia Pnôn, nhờ nỗ lực nên hiện nay chị có hơn 1 ha cà phê, 1 ha điều, bản thân chị làm công nhân Công ty Cao su 72 nên cuộc sống rất khấm khá. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chị Rơ Mah H'Nghi chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: “Những người dân bên kia biên giới năm xưa sang đây lánh nạn, giờ họ đã có quốc tịch Việt Nam, là công dân của địa phương. Chúng tôi luôn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định. Cùng với đó, họ luôn chăm lo lao động sản xuất, thông qua các mối quan hệ thân tộc để cùng tuyên truyền, vận động người dân 2 bên biên giới đoàn kết, cùng nhau bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển”.

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-thông tin: Một số hộ dân trong làng là người Campuchia đã sang đây sinh sống từ hồi chiến tranh và mang quốc tịch Việt Nam. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em học tập. Cùng với đó, những người này cũng đã tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng địa phương. Nhờ đó, xã Ia O đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, làng Kloong có 290 hộ với 667 khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm.

Quá khứ đã lùi xa. Những “làng Cam” đã mang dáng dấp của một vùng đất trù phú, văn minh. Cuộc sống của họ đã thực sự đổi thay. Trò chuyện với chúng tôi, già làng Rơ Châm Hloắc chia sẻ: “Tất cả trẻ em trong làng đến tuổi đều được đi học. Hiện nay, làng có 8 em đang học THPT. Dân làng canh tác 84 ha cây công nghiệp, trong đó có hơn 30 ha cao su tiểu điền, 35 ha điều. Ngoài ra, người dân còn trồng 30 ha mì, 20 ha lúa và nhiều loại cây khác”.

Những ngày rong ruổi trên những ngôi làng năm xưa chạy giặc, chúng tôi nhận thấy, dù sống đan xen với người bản địa nhưng những người dân có nguồn gốc từ bên kia biên giới luôn đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Có lẽ đã hiểu được quá khứ đau thương, những mất mát do chiến tranh gây ra nên các làng này đều thành lập tổ tự quản bảo vệ an ninh. Không kể ngày đêm, những tổ tự quản này luôn nắm bắt các thông tin, cùng nhau tuần tra bảo vệ sự bình yên cho vùng đất trên miền biên viễn.

 

 VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.