Chư Sê tập trung giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,04% xuống còn 6,04% (tương đương giảm 603 hộ), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 3% (tương đương 420 hộ), năm 2023, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế-xã hội.

Xã Ayun có 912 hộ với 3.994 khẩu, trong đó có 871 hộ đồng bào DTTS. Đây là xã khó khăn nhất của huyện Chư Sê. Để góp phần nâng cao đời sống, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, huyện Chư Sê đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Từ chỗ canh tác lúa hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, đến nay, người dân đã chuyển sang canh tác lúa nước 2 vụ trên diện tích khoảng 400 ha. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Người dân xã Ayun thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: L.N

Người dân xã Ayun thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: L.N

Gia đình ông Đinh Huin (làng A Chông) thuộc diện hộ nghèo của xã Ayun. Từ năm 2014 đến 2020, gia đình ông được hỗ trợ 3 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 7 con. “Gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình còn có 1 ha mì và lúa. Nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây trồng phát triển tốt. Gia đình mình cố gắng năm nay sẽ thoát nghèo”-ông Huin phấn khởi nói.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, hộ DTTS còn khó khăn. Ngoài ra, xã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Bộ mặt nông thôn của xã dần thay đổi, đời sống người dân từng bước ổn định, số hộ khá, giàu tăng lên theo từng năm. Đến cuối năm 2022, toàn xã còn 227 hộ nghèo (chiếm 26,06%), 260 hộ cận nghèo (chiếm 29,85%); xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2023, xã sẽ giảm được 22 hộ nghèo.

Xã Ia Ko có 1.339 hộ với 6.624 khẩu, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS chiếm hơn 62,7%. Thời gian qua, các chương trình MTQG đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Cuối năm 2022, xã có 218 hộ nghèo (chiếm 16,28%, trong đó 213 hộ nghèo là người DTTS), 87 hộ cận nghèo (chiếm 6,5%, trong đó 85 hộ cận nghèo là người DTTS). Dự kiến đến cuối năm 2023 có 16 hộ đủ điều kiện thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Khắc Dương cho hay: Từ nguồn vốn các chương trình MTQG, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, rà soát đối tượng thụ hưởng, bình xét hộ dân để hỗ trợ. Hiện nay, các dự án đã trình UBND huyện phê duyệt như: Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn nhà nước 1,624 tỷ đồng (người dân đối ứng làm chuồng trại và thực hiện quay vòng vốn), UBND xã xây dựng kế hoạch và triển khai cho 122 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án. Đối với các dự án khác, UBND xã đang tiến hành hoàn thiện, trình thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, xã cũng triển khai hỗ trợ làm nhà ở, đào tạo nghề để người dân tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách trong đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.

Hộ nghèo trên địa bàn xã Ayun được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam

Hộ nghèo trên địa bàn xã Ayun được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 2.497 hộ/11.630 khẩu, chiếm 8,04%; hộ cận nghèo là 2.410/10.682 khẩu, chiếm 7,76%. Trong đó, hộ nghèo DTTS là 2.311 hộ/10.726 khẩu; hộ cận nghèo DTTS là 1.996 hộ/9.151 khẩu. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,04% xuống còn 6,04% (tương đương giảm 603 hộ), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3% (tương đương 420 hộ). Tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công tác giảm nghèo trong năm 2022 và 2023 của huyện là 77,856 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 10,93 tỷ đồng; vốn chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là 39,221 tỷ đồng; vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 27,705 tỷ đồng.

Theo ông Mẫn, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của 3 chương trình MTQG. Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phân bổ từ 3 chương trình MTQG và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác và huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn vốn từ các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết trong sản xuất, vốn tín dụng thương mại, tín dụng nhà nước; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình trực tiếp sản xuất, có tính bức thiết trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của người dân... nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm