Chư Sê đảm bảo lộ trình sáp nhập trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sáp nhập trường và điểm trường, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã cơ bản hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị trường học theo kế hoạch đề ra. Qua đó, huyện từng bước khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao, tạo nên diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả.
Năm 2017, Trường Tiểu học Ngô Quyền và Trường THCS Nguyễn Du (xã Dun) được sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du. Sau khi sáp nhập, toàn trường có 19 lớp (giảm 5 lớp) với 2 điểm trường (giảm 2 điểm trường); đồng thời, tinh giản 2 cán bộ quản lý, 4 giáo viên và 2 nhân viên. Việc sáp nhập 2 trường cùng địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.
Thầy Trần Đăng Đông-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du-cho biết: Sau khi sáp nhập, bộ máy tinh gọn, công tác quản lý hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhà trường đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Anh văn, Tin học. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con em, nhất là phụ huynh có con học ở 2 bậc học. Tuy nhiên, việc học sinh về trung tâm học cũng gặp không ít khó khăn trong đi lại, vì khoảng cách xa hơn, nhất là đối với các em khối lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngoài ra, các em học sinh ở 2 điểm trường làng mỗi khi đến tiết thực hành môn Tin học phải đi một quãng đường xa lên trường chính để học.
Sau sáp nhập, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du (xã Dun) đã khắc phục được tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Ảnh: Nguyễn Quang
Sau sáp nhập, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du (xã Dun) đã khắc phục được tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Ảnh: Nguyễn Quang
Năm 2018, Trường Tiểu học và THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Chư Pơng) được hình thành trên cơ sở sáp nhập từ Trường Tiểu học Phan Bội Châu và Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Theo Hiệu trưởng Lê Trung Kiên, sau khi sáp nhập, nhà trường có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường làng; bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn. Nhà trường cũng đã khắc phục được việc dạy chéo các môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Anh văn…; khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên, tránh lãng phí trong việc bố trí các nguồn lực. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, công tác quản lý, điều hành cũng phát sinh một số khó khăn vì 2 bậc học có đặc thù riêng nên không tránh khỏi sự chồng chéo về chuyên môn. Cơ sở vật chất tại điểm trường chính không đáp ứng được yêu cầu lớp học có 2 bậc học do kích thước bàn ghế chỉ phù hợp với học sinh THCS. Giáo viên dạy môn đặc thù do phải đi nhiều điểm làng để giảng dạy nên khó khăn trong việc thực hiện công tác chuyên môn.
Thầy Lê Trung Kiên nêu giải pháp: “Để tiếp tục tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đến năm học 2023-2024 sẽ tiếp tục sáp nhập 2 điểm trường làng thành 1 điểm. Tuy nhiên, để việc sáp nhập được thuận lợi, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện để những người thuộc diện điều chuyển yên tâm công tác. Đồng thời, có chủ trương đầu tư, sắp xếp cơ sở vật chất, phòng học, bàn ghế đảm bảo cho 2 bậc học học riêng biệt mỗi buổi/ngày. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảm thời gian hội họp; tăng cường quản lý, điều hành công việc thông qua trang web, email, hệ thống quản lý văn bản điều hành…”.
Theo thầy Lê Trung Kiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Quang
Theo thầy Lê Trung Kiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Quang
Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Nhu-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-thông tin: Thực hiện chủ trương sáp nhập trường và điểm trường, từ năm học 2017-2018 đến nay, huyện cơ bản hoàn thành theo chỉ tiêu được giao. Đến nay, huyện đã giảm được 6 trường, 176 lớp, 104 điểm trường. Nhờ đó, giảm được đầu mối quản lý, bộ máy tinh gọn hơn, giảm nhân viên phục vụ gián tiếp; tận dụng và sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất và trang-thiết bị dạy học.
“Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục rà soát, sáp nhập một số đơn vị trường học công lập không đạt yêu cầu nhằm bảo đảm bộ máy ngày càng tinh gọn, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Để việc sáp nhập, sắp xếp đạt hiệu quả cao, đề nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung số lượng người làm việc đảm bảo theo định mức quy định hiện hành; không áp dụng việc tinh giản biên chế cơ học đối với các cơ sở giáo dục công lập; cho phép hợp đồng giáo viên theo định mức trong thời gian chờ tuyển dụng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày và bán trú đối với bậc mầm non, tiểu học”-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề xuất.  
NGUYỄN QUANG
 

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.