(GLO)- Huyện Chư Pưh là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn (khoảng 3.000 ha) nhưng số hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, không cho năng suất cao chiếm hơn nửa diện tích. Vì vậy, thay đổi cách canh tác theo mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ canh tác theo mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Ngọc Thu |
Tháng 3-2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã xây dựng mô hình sản xuất tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước quy mô 3 ha/6 mô hình với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chọn 6 hộ trồng tiêu thực hiện mô hình tại các xã Ia Dreng, Ia Le, Ia Phang và thị trấn Nhơn Hòa. Những hộ tham gia được các chuyên gia khảo sát, theo dõi định kỳ và hướng dẫn điều chỉnh kịp thời khi có những thay đổi trên vườn cây, từ đó đưa ra hướng điều chỉnh, chăm bón vườn hồ tiêu theo cách hợp lý nhất. Ngoài ra, các hộ còn được cấp phát chế phẩm sinh học và bộ điều áp trung tâm, hệ thống van khu vực. Đồng thời, nông dân cũng được tập huấn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, các quy trình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với quy trình bón phân qua hệ thống tưới nước tiết kiệm...
Gia đình anh Cao Văn Hiếu sau nhiều lần thất bại vì diện tích cây hồ tiêu liên tục bị dịch bệnh và chết, năm 2015, gia đình anh mới quyết định thay đổi phương pháp canh tác. Gia đình anh Hiếu đã đầu tư trồng mới gần 2 ngàn trụ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP và hệ thống tưới tiết kiệm. Đến tháng 3-2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hỗ trợ kỹ thuật và các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quá trình chăm sóc vườn. Tuy năng suất không cao bằng việc bón phân hoá học nhưng cây phát triển khoẻ mạnh. “Áp dụng mô hình cây tiêu theo hướng Việt GAP tôi thấy cây tiêu ít bệnh tật hơn, màu xanh của lá ổn hơn. Trồng hồ tiêu theo kinh nghiệm truyền thống thấy cây tiêu nhanh yếu, xuất hiện bệnh nhiều. Làm theo hướng VietGAP thì cây tiêu ổn định và bền vững hơn”-anh Cao Văn Hiếu (thôn Plei Dj Riết, thị trấn Nhơn Hòa)- chia sẻ.
Những năm trở lại đây giá hồ tiêu tăng mạnh, diện tích hồ tiêu tăng đột biến đã gây ra nhiều hệ luỵ cho loại cây trồng này. Việc kiểm soát về giống, điều kiện canh tác chưa được chặt chẽ, thêm vào đó, việc sử dụng phân bón và các loại hoá chất kích thích tăng trưởng hay năng suất thiếu khoa học đã khiến nhiều diện tích hồ tiêu dễ dàng nhiễm bệnh, giảm năng suất. Vì vậy, việc thay đổi cách canh tác theo mô hình là giải pháp an toàn, bền vững cho vùng đất hồ tiêu này.
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Cách canh tác cũ của nông dân thường hay lạm dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để canh tác hồ tiêu. Nhưng trong quy trình VietGAP chúng tôi chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đồng thời ghi chép thông tin truy suất các yếu tố đầu vào, để kiểm tra kiểm soát schặt chẽ sản phẩm đầu ra nhằm hướng đến sản xuất hồ tiêu theo chứng nhận”.
Việc thay đổi phương thức canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng đất hồ tiêu Chư Pưh là điều cần thiết để hướng đến những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, bền vững với môi trường và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ngọc Thu