Chư Prông chú trọng đào tạo nghề nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức rất nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số. Trong đó, đơn vị chú trọng đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh “học đi đôi với hành”.
Hiệu quả từ những lớp dạy nghề
Những tháng gần đây, anh Kpuih Kôt (làng Ó, xã Ia Vê) đã không còn lo lắng việc đàn dê lai 24 con của mình nhiễm các loại bệnh nữa. Bầy dê trong chuồng của anh đều đang phát triển khỏe mạnh. Anh Kôt cho biết: “Gia đình tôi nuôi dê được vài năm rồi. Trước đây, thấy người ta nuôi thì mình cũng nuôi, người ta cho dê ăn cái gì thì về bắt chước cho ăn cái đó, hoàn toàn không biết cách chăm sóc. Vì vậy, dê rất hay bị các loại bệnh như tiêu chảy, tụ huyết trùng… Đến tháng 10-2021, tôi tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho dê. Lúc này, tôi mới biết chăn nuôi dê muốn hiệu quả cần rất nhiều kiến thức. Sau khi tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi, tôi đã thay đổi làm chuồng trại theo kiểu chuồng sàn cách mặt đất 60-80 cm để tạo không gian thông thoáng, dễ vệ sinh. Thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá cây, đồng thời bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như bột bắp, cám gạo, mì… Thức ăn, nước uống đảm bảo sạch sẽ, thỉnh thoảng bổ sung muối ăn vào nước cho dê uống, không chăn thả dê khi trời mưa. Nhờ vậy mà đàn dê của gia đình phát triển rất khỏe mạnh. Hiệu quả kinh tế gia đình từ đó cũng tăng lên thấy rõ, trung bình mỗi con dê cái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 2-5 con”.
Lớp học nghề thợ nề do Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với xã Ia Drăng triển khai năm 2018 cho khoảng 20 học viên làng Xung Beng cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt khi nhiều học viên đã trở thành những thợ xây khá vững. Anh Siu Hlô cho hay, sau khi lớp học kết thúc, anh đã biết trộn hồ và tự tay xây hàng rào, nhà tắm, nhà tiêu, chuồng heo. Khi có kinh nghiệm, anh tự liên hệ với các chủ thầu trong làng, xã để được tham gia xây dựng các công trình dân dụng nhằm cải thiện thu nhập. “Không chỉ riêng tôi mà mọi người học cùng lớp đều nắm vững kỹ thuật nghề thợ nề. Nhiều người cùng với tôi tham gia xây nhà khi người dân có nhu cầu để có thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, tôi có khoảng 10 ngày đi làm thợ xây hoặc phụ hồ, thời gian còn lại thì chăm sóc vườn cà phê 5 sào của gia đình. Với tiền công 350 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập từ nghề thợ xây của tôi khoảng 4-5 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống hàng ngày, nuôi 3 đứa con ăn học và mua phân bón chăm sóc vườn cà phê để nâng cao năng suất”-anh Hlô tâm sự.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông phối hợp với xã Ia Púch tổ chức lớp đào tạo sơ cấp nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ cho các học viên làng Chư Kó. Ảnh: Nhật Hào
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông phối hợp với xã Ia Púch tổ chức lớp đào tạo sơ cấp nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ cho các học viên làng Chư Kó. Ảnh: Nhật Hào
Ông Nguyễn Phi Thịnh-giáo viên bộ môn Chăn nuôi (Trung tâm GDNN-GDTX huyện) chia sẻ: Nội dung các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là những kiến thức cơ bản, được truyền thụ một cách đơn giản, dễ hiểu để học viên nào cũng có thể nhanh chóng tiếp thu. Riêng lớp nghề chăn nuôi và phòng bệnh cho dê, Trung tâm bắt đầu triển khai từ tháng 10-2021 với sự tham gia của 20 học viên ở làng Siu và làng Ó, xã Ia Vê. “Qua 45 ngày học, các học viên được truyền đạt kiến thức về tạo nguồn thức ăn, chọn giống và cách chăm sóc dê. Các học viên còn được thực hành bằng cách đến trực tiếp hộ nuôi dê để hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh. Sau khi có kiến thức cơ bản về chăn nuôi dê, nhiều hộ trong làng đã mạnh dạn phát triển đàn dê với số lượng lớn hơn; nhiều hộ trước đây chưa nuôi thì cũng đã làm chuồng, mua giống về nuôi. Thời gian học tuy không dài nhưng học viên rất tích cực học và vận dụng tốt vào thực tế. Điều đáng mừng là sau khi kết thúc lớp học, thông qua nhóm Zalo, anh chị em và giáo viên vẫn tiếp tục liên lạc để hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho dê”-ông Thịnh cho hay.
Chú trọng chất lượng đào tạo
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Lương-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông-chia sẻ: “Lao động nông thôn là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Trung tâm luôn hướng tới việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn sao cho học viên sau khi kết thúc lớp học có được các kỹ năng cần thiết để phục vụ gia đình hoặc làm nghề để có thu nhập. Do đó, trong quá trình học, Trung tâm luôn chọn thời gian phù hợp, thường là dạy lý thuyết vào buổi tối để học viên tham dự đầy đủ và thực hành vào ban ngày. Đặc biệt, đối với phần thực hành, Trung tâm dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mỗi lớp học, Trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí, đồng thời vận động UBND xã và các học viên đóng góp thêm để triển khai một công trình hoặc một phần việc thực tế cho học viên được thực hành tại chỗ”.
Hiệu quả của phương thức “cầm tay chỉ việc” được thể hiện rõ nhất qua các lớp thợ nề. Khai giảng từ tháng 4-2022, đến nay, lớp đào tạo thợ nề tại làng Ngó (xã Ia Pia) đã kết thúc với kết quả ngoài mong đợi là 100% học viên đều có được các kỹ năng cơ bản về xây dựng. Nhiều học viên đã tự mình xây hàng rào, sân, nhà tắm, nhà vệ sinh của gia đình. “Để đạt được kết quả này, Trung tâm, UBND xã Ia Pia và các học viên đã đóng góp kinh phí mua vật liệu thực hành xây dựng 3 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các học viên là hộ nghèo. Hình thức này không chỉ giúp người nghèo của xã có nhà tiêu hợp vệ sinh mà còn tạo điều kiện để học viên thực hành trực tiếp, qua đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết liên quan đến nghề”-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết. 
 Nhiều thanh niên ở làng Ó (xã Ia Vê) đã đầu tư phát triển chăn nuôi dê sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Nhiều thanh niên ở làng Ó (xã Ia Vê) đã đầu tư phát triển chăn nuôi dê sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Anh Kpuih Pum (làng Ngó, xã Ia Pia) cho hay: “Do chưa tự tin tham gia xây dựng các công trình lớn nên sau khi lớp học kết thúc, tôi tự xây hàng rào cho gia đình và đổ bê tông sân phơi, làm hàng rào miễn phí cho anh em họ hàng nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Đến nay, tôi đã xây hàng rào và đổ bê tông cho 3 gia đình, tất cả đều cơ bản ổn định. Sau này, khi đã thành thục, tôi sẽ xin tham gia xây dựng các công trình lớn hơn để có thêm thu nhập”.
Tuy mới chỉ tham gia học được vài buổi nhưng 21 học viên lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ của làng Chư Kó (xã Ia Púch) đều rất háo hức. Họ kỳ vọng lớp học sẽ giúp trang bị những kiến thức bổ ích trong quá trình vận hành máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như tìm kiếm một công việc làm thêm để cải thiện thu nhập. Anh Rơ Mah Quý bày tỏ: “Khi nghe thông tin xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức lớp học, tôi đăng ký ngay. Lớp học có nhiều nội dung hay như: kỹ thuật sửa chữa động cơ diesel; kỹ thuật sửa chữa bộ truyền động và hộp số; chẩn đoán, xử lý hư hỏng động cơ và máy cày công suất nhỏ. Đây là những động cơ có trong các nông cụ được sử dụng phổ biến ở địa phương nhằm phục vụ sản xuất. Vì vậy, tôi hy vọng sau khi tham gia lớp học không chỉ tự sửa chữa các nông cụ bị hỏng hóc mà còn có thêm nghề phụ nhằm cải thiện thu nhập”. 
Anh Kpuih Pum, người đứng giữa (làng Ngó, xã Ia Pia) đã tự xây hàng rào và đổ bê tông sân phơi cho gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Anh Kpuih Pum (ở giữa, làng Ngó, xã Ia Pia) đã tự xây hàng rào và đổ bê tông sân phơi cho gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Chủ tịch UBND xã Ia Púch Lê Văn Tuấn thông tin: “Đây là lớp thứ 3 về dạy nghề được huyện tổ chức cho thanh niên, lao động người dân tộc thiểu số của xã để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Không chỉ được dạy nghề miễn phí, các học viên còn được “cầm tay chỉ việc” ngay trong lớp học. Điều này sẽ tạo động lực để thanh niên, lao động người dân tộc thiểu số của xã nhanh chóng có được các kỹ năng cần thiết phục vụ sản xuất, đời sống”.
Theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện rất chú trọng thực hiện, trong đó ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã mở được 70 lớp đào tạo nghề cho 1.764 học viên; dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ mở thêm 4 lớp với khoảng 80 học viên tham gia. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp gồm các lớp về trồng cà phê, trồng lúa năng suất cao, nuôi và phòng bệnh cho trâu bò, dê; nghề phi nông nghiệp gồm các lớp về sửa chữa máy cày công suất nhỏ, lắp đặt và sửa chữa điện sinh hoạt, nề. “Các lớp học đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cộng với thái độ học tập nghiêm túc, tích cực của học viên nên đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều học viên sau khi kết thúc lớp học đã có thêm kiến thức, có thêm một nghề vững chắc trong tay để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, một số ban, ngành của huyện cũng đã khuyến khích các học viên áp dụng những kiến thức đã học vào các mô hình thực tế tại địa phương, thông qua đó tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho các học viên, giúp họ tự tin hơn khi phát huy được kiến thức đã học”-ông Lương phấn khởi cho biết.
HÀ DUY - NHẬT HÀO 
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.