(GLO)- Có kinh phí để tổ chức sinh hoạt Đoàn, xây nhà cho đoàn viên, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… là những hoạt động mà các tổ chức Đoàn ở huyện Chư Sê, Gia Lai đã làm được nhờ chủ động, linh hoạt gây quỹ.
Thực tế, nguồn kinh phí của Đoàn luôn hạn hẹp trong khi các hoạt động lại được tổ chức thường xuyên. Đây là thực trạng chung của tất cả các tổ chức Đoàn ở cơ sở, gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động Đoàn, nhiều hoạt động không có chiều sâu dẫn đến việc tập hợp thanh niên gặp nhiều khó khăn. Để có kinh phí, ngoài việc trông chờ vào sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn cấp trên hoặc chính quyền địa phương, một số tổ chức Đoàn cơ sở ở huyện Chư Sê đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo thông qua các mô hình gây quỹ.
Đoàn viên thanh niên chi đoàn làng Greo Pết chăm sóc rẫy bắp. Ảnh: T.B |
Đơn cử, chi đoàn làng Greo Pết (xã Dun) gây quỹ bằng việc trồng bắp, lúa và đổi công. Mô hình này triển khai hơn 1 năm qua với tổng quỹ hiện tại hơn 15 triệu đồng. Trước đây, nhận thấy việc huy động quỹ gặp khó khăn, nhiều hoạt động tổ chức đơn điệu, thiếu chiều sâu, anh Siu Hyur-Bí thư chi đoàn làng Greo Pết-đã đề xuất già làng cho mượn khu đất trống của làng để thanh niên trồng bắp. Được sự đồng tình, chi đoàn đã huy động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát quang bụi cây, san đất để trồng 5 sào bắp. Nhờ chăm sóc cẩn thận, rẫy bắp đã mang về cho ĐVTN làng Greo Pết hơn 15 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chi đoàn còn mượn làng 4 sào ruộng để trồng lúa, cho kinh phí hơn 10 triệu đồng/năm. Vào mùa hái cà phê, nhổ mì, thu hoạch bắp, chi đoàn chủ động liên hệ với các chủ hộ cần nhân công để thuê ĐVTN làm, số tiền thu được bổ sung vào nguồn quỹ chi đoàn.
Nhờ nguồn quỹ này, chi đoàn đã mua được 1 dàn âm thanh để phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể thao. Chi đoàn còn mua một bộ khung rạp để cho người làng thuê tổ chức đám tiệc. Khi nguồn quỹ “dồi dào” hơn, các buổi sinh hoạt của chi đoàn cũng trở nên rộn ràng, hấp dẫn hơn. Bí thư chi đoàn làng Greo Pết cho biết: “Ngoài các hoạt động Đoàn, chi đoàn còn tổ chức sinh nhật cho các bạn ĐVTN, vì thế, ai cũng hào hứng hơn khi được triệu tập. Mọi chi tiêu từ nguồn quỹ đều được chi đoàn thông báo công khai cho ĐVTN”.
Chị Tạ Thị Ngọc Yến-Bí thư Đoàn xã Dun-cho biết: “Ngoài chi đoàn làng Greo Pết, các chi đoàn khác như Greo Seks, Ring Răng cũng gây quỹ bằng việc làm thuê, đổi công. Tuy số tiền chưa nhiều nhưng cũng đủ để các chi đoàn chủ động hơn mỗi khi tổ chức hoạt động, đồng thời kết nối tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các ĐVTN. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ vận động các chi đoàn còn lại chủ động gây quỹ hoạt động để phong trào Đoàn phát triển tốt hơn”.
Cũng từ lý do nguồn quỹ hạn hẹp, các chi đoàn ở xã Ayun đã chủ động gây quỹ Đoàn từ việc đổi công, làm thuê, trồng mì, trồng bắp. Hiện đã có 7 chi đoàn có nguồn quỹ ổn định như: chi đoàn làng Hrung Rang 2 (10 triệu đồng); chi đoàn làng Achông (25 triệu đồng); chi đoàn làng Trưng (15 triệu đồng); chi đoàn làng Hvăc 1 (15 triệu đồng); chi đoàn làng Hvăc 2 (10 triệu đồng); chi đoàn làng Keo (15 triệu đồng); chi đoàn làng Kpaih (25 triệu đồng).
Từ nguồn quỹ có được, các chi đoàn đã mua cồng chiêng phục vụ sinh hoạt; mua bóng, lưới để tổ chức các hoạt động thể thao; thăm hỏi thanh niên lúc ốm đau, hoạn nạn; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, chi đoàn làng Hrung Rang 2 đã hỗ trợ 28 triệu đồng để xây nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh Đinh Nhrối-Bí thư Đoàn xã Ayun-chia sẻ: “Nhờ chủ động nguồn quỹ, các chi đoàn đều tự tin hơn khi tổ chức, các hoạt động cũng diễn ra sôi nổi, hấp dẫn hơn. Đoàn viên thanh niên thì phấn khởi, đoàn kết, góp công góp sức giúp đỡ các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Chị Trần Thị Thúy Anh-Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê: “Toàn huyện có 49 chi đoàn xây dựng được mô hình gây quỹ thanh niên, phần lớn là các chi đoàn người dân tộc thiểu số. Hoạt động ở các chi đoàn này đều được đánh giá là rất năng động, sôi nổi”. |
Thủy Bình