Đi làm thuê, trở thành tỉ phú nhờ khởi nghiệp từ nghề nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2024 dành cho những nông dân trẻ có thành tích xuất sắc trong nông nghiệp, các tỉ phú trẻ đã chia sẻ hành trình khởi nghiệp từ nghề nông.

Tối 29.11, tại TP.Thái Bình, T.Ư Đoàn phối hợp với tỉnh Thái Bình tổ chức lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 19, năm 2024, vinh danh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nông nghiệp. Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao giải cho các dự án tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024.

Thành công sẽ đến với những người không từ bỏ

Tại chương trình, các gương tiêu biểu được trao giải thưởng đã chia sẻ, truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp của mình. Anh Nguyễn Văn Luân (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Duy Nguyên) ở Thái Bình đã chia sẻ hành trình làm thuê thành ông chủ doanh nghiệp.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Thái Bình, chứng kiến cảnh lao động vất vả, thu nhập thấp, anh Luân tự hỏi làm sao để thay đổi thói quen lao động, giúp người dân tăng thu nhập. "Lúc đó, tôi chưa biết mình phải làm gì nên quyết định đi làm thuê để học hỏi và phát triển kỹ năng. Tôi được truyền cảm hứng từ ông chủ, khi họ điều hành hàng nghìn công nhân một cách chuyên nghiệp. Điều này làm tôi khát khao khởi nghiệp và quyết định về quê lập nghiệp", anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ hành trình khởi nghiệp tại chương trình
Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ hành trình khởi nghiệp tại chương trình

Anh Nguyễn Văn Luân đang triển khai mô hình liên kết sản xuất và chế biến lúa gạo, lại doanh thu đạt 20 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 2 tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 25 thanh niên.

Để trở thành ông chủ như bây giờ, anh đã trải qua rất nhiều gian nan. "Khi trở về quê tôi không có vốn, không cơ sở vật chất, không nhân viên. Nông dân lại gặp khó khăn với đầu ra sản phẩm và thiên tai, biến động giá cả. Những khó khăn này chính là động lực để tôi tìm ra giải pháp bền vững. Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu lúa tươi được hình thành. Nó giúp giải quyết đầu ra cho nông dân, tạo ra chuỗi giá trị bền vững, giúp bà con yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm", anh kể.

Trước khi thành chủ doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỉ đồng, anh Nguyễn Văn Luân từng đi làm thuê
Trước khi thành chủ doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỉ đồng, anh Nguyễn Văn Luân từng đi làm thuê

Anh Luân cũng chia sẻ, sau 13 năm kinh doanh, anh luôn xem việc giúp đỡ nông dân là trách nhiệm của mình. Mô hình này giúp doanh nghiệp phát triển về mặt kinh tế và tạo ra cộng đồng nông dân gắn kết và hỗ trợ nhau.

Được nhận giải thưởng Lương Định Của, anh cho biết rất vinh dự, tự hào và muốn gửi đến các bạn thanh niên khởi nghiệp rằng: "Khởi nghiệp không phải là cuộc đua, mà là một hành trình. Hãy kiên nhẫn, nỗ lực và học hỏi từ thất bại, thành công sẽ đến với những ai không bao giờ từ bỏ".

Hãy kiên trì, không ngừng học hỏi

Từ một cô giáo dạy nhạc, chị Trần Thùy Nhi (ở Ninh Bình) cũng trở thành chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống. Công ty TNHH Vina Handicrafts do chị đồng sáng lập và làm phó giám đốc đã triển khai các sản phẩm từ cói, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường. Mô hình đã mang lại doanh thu hàng năm đạt 30 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 570 thanh niên.

Chị Trần Thùy Nhi chia sẻ lý do bỏ công việc là giáo viên âm nhạc để khởi nghiệp
Chị Trần Thùy Nhi chia sẻ lý do bỏ công việc là giáo viên âm nhạc để khởi nghiệp

"Tôi sinh ra và lớn lên tại Kim Sơn, Ninh Bình. Được tiếp xúc với nghề đan cói từ nhỏ, tôi luôn trăn trở về việc phát huy và bảo tồn làng nghề truyền thống. Tôi nhìn thấy tiềm năng của những sản phẩm truyền thống là thân thiện với môi trường và kết nối con người với văn hóa và cội nguồn nên tìm hiểu và dấn thân vào kinh doanh", chị Nhi chia sẻ.

Chị Nhi cho biết, đây là một cơ hội tạo ra giá trị kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho bà con tại địa phương và các vùng lân cận, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương.

Với những kinh nghiệm của mình, chị Nhi muốn truyền thông điệp tới các bạn trẻ: "Hãy kiên trì, không ngừng học hỏi và tin vào khả năng của chính mình. Mỗi bước tiến mà chúng ta đạt được ngày hôm nay dù nhỏ cũng đều góp phần xây dựng nền tảng, tạo dựng nên những thành công trong tương lai. Hãy vững tin và đem sức trẻ cống hiến hết mình cho chính quê hương của chúng ta thêm giàu mạnh".

Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Văn Thiên: Gương sáng ngành Điện lực

Nguyễn Văn Thiên gương sáng ngành Điện lực

(GLO)- Nhiệt huyết, yêu nghề, trách nhiệm là nhận xét mà các đồng nghiệp và cấp trên dành cho anh Nguyễn Văn Thiên-Công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Anh xứng đáng là gương sáng của ngành Điện lực.

Khởi nghiệp thành công ở tuổi 60

Khởi nghiệp thành công ở tuổi 60

(GLO)- Sau 36 năm làm cô giáo mầm non, năm 2017, bà Nguyễn Thị Cảm (SN 1961, thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) nghỉ hưu theo chế độ. Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, bà Cảm lại bước vào hành trình khởi nghiệp để xây dựng các sản phẩm cà phê mang thương hiệu của riêng mình khi đã ở tuổi 60.

Ksor Chiến quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ksor Chiến quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

(GLO)- Nhiều người trẻ rời quê lên phố tìm kiếm cơ hội việc làm, còn anh Ksor Chiến (SN 1996, làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu-là điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Bí thư Chi đoàn Nay H’Hiên làm kinh tế giỏi

(GLO)- Không chỉ năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn là tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Kpuih Xuân chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: M.K

Chàng trai Jrai trồng cây gì, nuôi con gì mà kiếm gần nửa tỷ đồng/năm?

(GLO)- Sau một thời gian làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, năm 2020, anh Kpuih Xuân (28 tuổi, làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về làng khởi nghiệp từ nông nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù và sáng tạo trong sản xuất, chàng trai Jrai đạt lợi nhuận gần nửa tỷ đồng/năm.