Đây là tiết lộ khá thú vị của ông Binu Jaco, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, tại tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.
Theo ông Binu Jaco, hiện gần 95% bao bì của doanh nghiệp tại Việt Nam đã được thiết kế để có thể tái chế. Tuy nhiên, Nestlé vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tăng tỉ lệ tái chế.
Đáng chú ý, ông kể trong 30 năm qua, khi làm việc ở Việt Nam, Nestlé đã tuyển chọn và thu thập thế hệ trẻ, những người có tài năng thế hệ Z.
“Thế hệ Z tập trung nhiều về tính bền vững. Họ tin vào nền kinh tế xanh và họ cũng có kinh nghiệm, tri thức. Họ có suy nghĩ khác nhau và đưa ra các giải pháp. Tôi nghĩ điều này hết sức quan trọng. Hằng năm, chúng tôi tập huấn hơn 120.000 người trẻ” - ông nói.
Để phát triển bền vững, ông Binu Jaco cho rằng cần giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Ví dụ việc đóng gói nước, đa phần đưa vào sử dụng từ các nguyên liệu tái chế nhưng người tiêu dùng đa phần nghĩ nguyên liệu vứt đi chỉ được rửa và sử dụng lại nhưng không phải vậy. Để sử dụng nguyên liệu tái chế, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn.
Do vậy, Việt Nam cần giáo dục và đào tạo, chia sẻ, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Anh,Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp còn gặp tương đối nhiều khó khăn trong việc xác định mình được hưởng cơ chế ưu đãi nào từ phía Chính phủ khi chuyển đổi xanh.
Theo đó, Chính phủ cần có hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, các dự án đầu tư được xác định là xanh. Trên cơ sở đó thiết kế các cơ chế, chính sách mang tính đồng lợi ích và hướng định để làm sao doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách như vậy sẽ có đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội.
Thưởng - phạt phân minh, chống "rửa xanh" thương hiệu
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.
Đáng chú ý, ông Việt Anh cũng nhắc tới cụm từ "rửa xanh". Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiệp quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh.
Theo đó, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng - phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng.
“Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận” - ông Việt Anh nhất mạnh.