Chàng trai phố núi giành giải thưởng thiết kế logo tại Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lấy ý tưởng từ những họa tiết đặc trưng trong văn hóa Jrai, anh Nguyễn Ngọc Duy (cộng tác viên Báo Gia Lai) đã xuất sắc giành giải thưởng thiết kế logo tại Mỹ.

Đó là cuộc thi New Talent Awards 2024 tổ chức bởi Hãng Xuất bản tạp chí và Viện đồ họa Graphics tại New York (Mỹ). Đây là cuộc thi thường niên có uy tín, chuyên môn cao, thu hút nhiều nhà thiết kế chuyên nghiệp, sinh viên các trường đại học hay các designer hoạt động tự do ở nhiều nước trên thế giới tham gia.

Mục tiêu của New Talent Awards là quảng bá và tôn vinh các tác phẩm chất lượng đến từ những tài năng toàn cầu trong nghệ thuật thiết kế, quảng cáo, nhiếp ảnh và đồ họa.

chang-trai-pho-nui-gianh-giai-thuong-thiet-ke-logo-tai-my-bg.png
Anh Nguyễn Ngọc Duy (bìa trái) và nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông bên một sản phẩm thiết kế của Duy. Ảnh: NVCC

Đưa bản sắc dân tộc vào thiết kế

Nguyễn Ngọc Duy đạt giải khuyến khích cuộc thi New Talent Awards 2024 với tác phẩm thiết kế logo “Plei gru hiam djuai Jrai” (tiếng Jrai), có nghĩa là “Làng văn hóa dân tộc Jrai” (tên tiếng Anh: Ethnic cultural village).

Logo có hình mái nhà rông với những gam màu, họa tiết đặc trưng trong văn hóa Jrai. Duy cho biết, anh lấy ý tưởng thiết kế từ mái nhà rông và họa tiết thổ cẩm trên những bộ trang phục của người Jrai.

Các màu đen, đỏ, xanh, vàng, cam trong logo thể hiện chấm phá từ các dải màu chủ đạo trên trang phục, góp phần tôn vinh bản sắc riêng của dân tộc Jrai. Các hình tam giác được ví như những người đang nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết, sum vầy trước nhà rông-biểu tượng của sự gắn kết, hòa đồng, đậm màu sắc văn hóa Jrai.

Thiết kế logo yêu cầu mang tính khái quát biểu tượng và truyền tải thông điệp nhất định. Thử thách của Duy trong quá trình thiết kế logo “Plei gru hiam djuai Jrai” là nắm bắt và đưa vào cho được đặc trưng, tâm thức gắn kết cộng đồng của người Jrai. Và sản phẩm của Duy đã làm được điều này.

Màu sắc của họa tiết truyền thống đan xen liền mạch với nhau trên nền đen thâm trầm, bí ẩn của mái nhà rông tạo nên một bản giao hưởng thị giác, vang vọng nhịp điệu sôi động của những lễ hội Tây Nguyên. Các yếu tố hòa quyện liền mạch tạo thành logo mang tính biểu tượng của một làng văn hóa Jrai.

Duy chia sẻ: “Thông qua logo về văn hóa này, tôi mong muốn giới thiệu ra cộng đồng quốc tế sắc màu dân tộc trên vùng đất đỏ bazan. Đồng thời, truyền tải thông điệp đến mọi người hãy gìn giữ giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị ông cha ta đã để lại”.

san-pham-thiet-ke-lo-go-plei-gru-hiam-djuai-jrai-dat-giai-khuyen-khich-cuoc-thi-thiet-ke-tai-my-cua-nguyen-ngoc-duy.jpg
Sản phẩm thiết kế lo go “Plei gru hiam djuai Jrai” đạt giải khuyến khích cuộc thi thiết kế tại Mỹ của Nguyễn Ngọc Duy. Ảnh: NVCC

Thiết kế đóng vai trò như bộ nhận diện thương hiệu, gói gọn đặc trưng văn hóa của người Jrai đã chinh phục Ban giám khảo cuộc thi New Talent Awards 2024. Giải thưởng là niềm vui lớn với chàng trai phố núi thế hệ gen Z.

“Tôi thấy may mắn khi ý tưởng của mình được lan tỏa ra cộng đồng quốc tế. Và từ cuộc thi này, tôi học hỏi được nhiều điều giá trị từ giới tinh hoa ngành thiết kế trên thế giới. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng học hỏi để sáng tạo thêm những sản phẩm thiết kế chất lượng, khai thác được các yếu tố văn hóa truyền thống”-Duy tâm sự.

Cảm hứng sáng tạo từ văn hóa

Sinh ra và lớn lên ở đô thị Pleiku với đặc trưng “làng trong phố”, từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Duy đã được tiếp xúc với đời sống của cư dân Jrai sinh sống lâu đời trên cao nguyên đất đỏ.

Văn hóa Jrai dần thành nguồn cảm hứng trong nhiều thiết kế của chàng trai sinh năm 2000. 4 năm học chuyên ngành Thiết kế đồ họa Multimedia ở Đại học Duy Tân, Duy đã khai thác các yếu tố văn hóa Jrai đưa vào nhiều sản phẩm thiết kế. Anh tốt nghiệp đại học năm 2023 với tấm bằng loại giỏi cũng với đề án thiết kế về văn hóa: “Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu làng văn hóa dân tộc Jrai”.

3anh-nguyen-ngoc-duy-hien-dang-cong-tac-tai-phong-bao-dien-tu-bao-gia-lai.jpg
Anh Nguyễn Ngọc Duy hiện đang công tác tại Phòng Báo Điện tử (Báo Gia Lai). Ảnh: Minh Châu

Duy kể: Cho đến bây giờ, anh vẫn thường dành thời gian lang thang vào các ngôi làng trong phố, nơi cộng đồng Jrai sinh sống. Đó là cuộc sống rất mộc mạc, bình yên, nơi con người và thiên nhiên gần gũi, chan hòa.

Anh chia sẻ: “Tôi luôn bị cuốn hút bởi các yếu tố liên quan đến văn hóa của người Jrai như nhà rông, trang phục truyền thống, sinh hoạt văn hóa, những giai điệu cồng chiêng, điệu xoang.

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã trở thành thách thức trong bảo tồn văn hóa. Bản sắc truyền thống của các ngôi làng trong đô thị vì vậy dần bị biến đổi, phai nhạt. Tôi rất muốn làm gì đó để góp sức giữ gìn những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp.

Khi tham gia cuộc thi thiết kế logo ở Mỹ về văn hóa hay làm đồ án tốt nghiệp, trong tôi luôn trăn trở gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa. Gìn giữ được thì không sợ đánh mất văn hóa, cội nguồn, dù đi bất cứ đâu, ra ngoài thế giới, người trẻ như tôi vẫn vững vàng, tự tin”.

Người thầy luôn cổ vũ Nguyễn Ngọc Duy khai thác, đưa yếu văn hóa vào các thiết kế đương đại là nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông-người được mệnh danh là “phù thủy thiết kế” với hàng loạt giải thưởng quốc tế về thiết kế trình bày, minh họa, logo...

Trao đổi với chúng tôi từ Mỹ, ông cho biết: Từ năm 2006, ông sang Mỹ làm việc và bắt đầu dạy trực tuyến về thiết kế đồ họa cho sinh viên Việt Nam. Nguyễn Ngọc Duy là một trong những học trò có cá tính sáng tạo. Phát hiện tố chất đó, ông đã dìu dắt, hướng dẫn Duy học tập và hoàn thiện sản phẩm tham gia sân chơi quốc tế.

Ông chia sẻ: “Tính dân tộc, bản sắc văn hóa… luôn là thế mạnh để ghi điểm ở các giải thưởng về thiết kế đồ họa quốc tế. Nguyễn Ngọc Duy khai thác những yếu tố này trong sản phẩm thiết kế một cách rất sáng tạo. Những thiết kế đó có thể vận dụng tạo ra logo mang tính biểu tượng về du lịch cộng đồng, các sản phẩm thủ công truyền thống hay các doanh nghiệp kinh doanh mọi ngành nghề, lĩnh vực cần bộ nhận diện thương hiệu… Nó không chỉ có tính địa phương, quốc gia mà còn rất dễ nhận diện khi bước ra quốc tế vì mang bản sắc riêng về văn hóa”.

Cũng theo nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông, ở khía cạnh thiết kế đồ họa, càng dân tộc thì càng hiện đại. Càng hiện đại thì chỉ có cách hay nhất là phải tìm về gốc gác dân tộc. Điều này không hề mâu thuẫn nhau. Nhưng người trẻ, nhất là thế hệ gen Z chưa đủ trải nghiệm để tìm về với dân tộc, khai thác bản sắc văn hóa trong công việc của mình. Chính vì vậy, các bạn trẻ như Duy không nhiều.

“Nhưng bao nhiêu người trong số hiếm này mà ra được cái “chất” riêng thì không hề dễ. Đề tài của Duy dự cuộc thi lớn của quốc tế đòi hỏi chuyên môn cao mà đạt giải khuyến khích đã là thành công. Nhưng tôi nghĩ cần tiếp tục lấy cái đó mang đi dự thi ở các cuộc thi khác, phát triển lên sẽ còn có tiềm năng đạt giải cao hơn”-nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Trao yêu thương đầu năm mới

Trao yêu thương đầu năm mới

(GLO)- Ngay khi năm mới 2025 vừa sang, nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tinh thần trao yêu thương đầu năm mới chính là lời cam kết đầy tình người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Bác sĩ-Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Vĩnh (ảnh nhân vật cung cấp).

E-magazineHoàng Quốc Vĩnh: Bác sĩ mê nhiếp ảnh

(GLO)- Tốt nghiệp Học viện Quân y, vừa trở thành bác sĩ chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh là những thông tin về chuyên môn của bác sĩ Hoàng Quốc Vĩnh (38 tuổi), hiện công tác trong ngành Y tế tỉnh Gia Lai. Nhưng khi rời chiếc áo blouse thì anh lại dành niềm đam mê cho nhiếp ảnh.

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

(GLO)- Những tháng cuối năm 2024, “hộp mù” Baby Three là từ khoá hot nhất trên mạng xã hội. Giới trẻ Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng khi ngày càng có nhiều người hưởng ứng trào lưu và nhiều điểm bán sẵn sản phẩm “mọc lên” trên khắp Phố núi.

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Trước đây, thời ông bà, cha mẹ, “trai 18, gái 20” là đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đến thế hệ 7X, 8X, giai đoạn 20-25 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để yêu và kết hôn. Song hiện nay, nhiều bạn trẻ 9X ngoài 30 tuổi vẫn chưa vội yêu và lập gia đình.