Không chỉ để vui
Không khó để bắt gặp hình ảnh người trẻ đeo tai nghe trong thư viện, quán cà phê hay thậm chí khi đang đi bộ ngoài phố. Người đã đi làm, sinh viên hay học sinh… đều có cách tiếp cận nền tảng số phù hợp với nhịp sống và nhu cầu tinh thần riêng.

Thái Bảo Tín (SN 2008, phường Quy Nhơn Nam) thường nghe sách nói hoặc podcast vào buổi tối. “Trước đây em thích xem clip ngắn cho vui nhưng sau đó em đổi sang nghe sách vì thấy dễ ngủ hơn, đầu óc cũng nhẹ hơn. Có khi nghe xong lại hiểu tại sao mình buồn, rồi tự điều chỉnh lại”-Tín chia sẻ.
Cách giải trí này cũng phù hợp với những bạn không thích ồn ào hay muốn “ở yên” nhưng vẫn được “vỗ về” cảm xúc. Họ chọn nghe các nội dung đời sống, gần gũi, thuộc lĩnh vực mà họ dành sự quan tâm như: tâm lý, hiện tượng xã hội… thay vì lướt mạng xã hội, bởi thích cảm giác được thủ thỉ, đồng cảm, không bị chen ngang bởi tin tức tiêu cực.
Anh Nguyễn Quý Thành (SN 1994, phường Thống Nhất) là trường hợp như vậy. Ngoài giờ làm việc, anh thường sử dụng Spotify (ứng dụng nghe nhạc trên nền tảng số) để nạp lại năng lượng tích cực.
Anh giải thích: “Tôi chọn Spotify vì nó gợi ý theo tâm trạng. Những lúc stress, tôi nghe các podcast chia sẻ về quản lý cảm xúc hoặc tâm lý tích cực. Khi cần nghỉ ngơi, tôi mở nhạc không lời. Ở đây, tôi được chọn thứ mình cần, không phải nghe đại một cái gì đó như khi bật ti vi”.
Tương tự, Nguyễn Trần Ý Nhi (SN 2004, phường Hoài Nhơn Tây) lại dành thời gian mỗi tối để xem phim trên Netflix, thay vì chọn xem phim ngoài rạp như trước đây. Lý giải điều này, Nhi cho rằng, việc được ở nhà sau một ngày học tập căng thẳng mà vẫn xem được bộ phim mới ra mắt vừa giúp tiết kiệm một ít chi phí, vừa đáp ứng tiêu chí tiện lợi.
“Tôi thích Netflix vì kho phim rất đa dạng, không bị quảng cáo chen ngang, có thể vừa xem vừa luyện nghe và học từ mới tiếng Anh. Có những từ vựng hay cách diễn đạt trong phim mà giáo trình không có-điều vô cùng bổ ích với 1 sinh viên ngành ngoại ngữ như tôi”-Nhi chia sẻ.
Lọc nội dung, chọn điều tốt
Nhiều bạn trẻ dần ý thức hơn về việc giữ sức khỏe tinh thần khi giải trí trên môi trường số. Họ chọn lọc, giới hạn thời gian và chủ động điều chỉnh nội dung theo từng nhu cầu, trạng thái.
Em Lê Na (SN 2008, phường Quy Nhơn Nam) từng tham gia nhiều buổi truyền thông học đường về các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Nhờ đó, em được hướng dẫn nhiều kỹ năng cần thiết và điều chỉnh lại thói quen sử dụng các thiết bị thông minh để giải trí.
Na cho hay: “Mỗi ngày, em chỉ nghe podcast khoảng 20 phút, đọc tin khoảng 15 phút. Sau đó, em tắt mạng, đi tập thể dục hoặc học bài. Em cũng không xem đại những gì mạng xã hội gợi ý như trước mà chọn các kênh đã kiểm chứng về nội dung, tránh các video giật gân, tiêu cực, lan truyền các thông tin sai sự thật”.
Với người trẻ, giải trí trên nền tảng số không chỉ là cho vui. Trần Mỹ Duyên (SN 2003, phường Quy Nhơn)-Sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ: "Với tôi, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để giải trí mà còn phải biết chọn lọc để làm tư liệu học tập, theo dõi thời sự. Tôi thường bật chế độ giới hạn thời gian, không xem nội dung lan truyền nếu không rõ nguồn. Mỗi khi thấy bản thân bị cuốn theo những video ngắn không dứt, tôi tắt máy, chuyển sang nghe podcast hoặc đi dạo".
Ở góc nhìn người làm nội dung, anh Nguyễn Văn Tiến-Giám đốc Công ty TNHH VTN Media Solutions (hiện đang làm chủ nhiều trang fanpage Facebook về đời sống giới trẻ) cho biết: Không chỉ dừng ở việc sử dụng cá nhân, nhiều người trẻ còn chia sẻ các kênh nội dung có ích để lan tỏa điều tích cực. Đó là một phần trong xu hướng “giải trí có trách nhiệm” đang lan rộng, nhất là ở thế hệ gen Z. Vì vậy, cách chúng tôi làm nội dung cũng phải thay đổi: hình thức phải “bắt trend”, nội dung thì phải gần gũi, tránh lên gân mà chỉ truyền tải thông điệp một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.