Chư Đăng Ya mùa này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Màn sương mỏng như tấm lụa phủ lên Phố núi Pleiku trong buổi sớm tinh mơ và không khí man mác se lạnh quấn quít người qua đường khi màn đêm buông xuống luôn khiến du khách lưu luyến mãi không thôi. Nhưng vẫn còn một nơi thôi thúc những bước chân tìm đến. Sau khi thưởng thức phở khô trứ danh và ngắm thành phố đang vươn mình chào ngày mới, tôi chạy xe đến Biển Hồ. Hàng thông lặng lẽ cùng thời gian như đang âm thầm vẫy gọi khiến một kẻ ham chơi như tôi chẳng thể chối từ. Dạo một vòng quanh hồ, tôi nép mình dưới bóng cây sà xuống hồ và ngâm chân trong làn nước xanh rười rượi. Biển Hồ ru mát lòng tôi một chiều oi ả.
 Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa. Ảnh: internet
Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa. Ảnh: internet
Từ Biển Hồ, đường đến núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) chỉ khoảng hơn 10 cây số. Mùa lễ hội hoa dã quỳ kết thúc từ tháng 11 năm ngoái. Ngày tháng trôi qua đã lâu mà dư âm náo nhiệt của lễ hội ngỡ vẫn còn đâu đây. Ngọn núi lửa đã thay chiếc áo xanh mướt lấm tấm sắc vàng để trùm lên mình duy nhất một sắc đỏ bazan. Sắc màu đượm u hoài ấy như trở nên huyền ảo giữa hoàng hôn đang dần buông dưới màn trời vô tận. Một vài cây cổ thụ đứng lẻ loi trên những triền dốc cô quạnh, khiến tôi ngỡ đến chiều cũng hóa đỏ bazan. Giữa một buổi chiều êm ả, lác đác vài du khách phương xa vẫn về với Chư Đăng Ya. Thi thoảng, tôi bắt gặp vài bông hoa dã quỳ nở muộn; chúng vẫn kiêu hãnh khoe sắc vàng rực dù được đánh thức quá trễ sau giấc ngủ dài mà bỏ lỡ lễ hội hoa. 
Giữa hoàng hôn đang ùa về, từ đỉnh cao nơi đặt báu vật là tảng đá nham thạch hàng triệu năm tuổi của Chư Đăng Ya, tôi phóng tầm mắt bao quát xung quanh. Gió trời lồng lộng. Ánh chiều buông như tung dải lụa đủ gam màu ấm trên mảnh đất hùng vĩ. Xa xa, núi non trùng điệp, những ruộng lúa nước như lấp lánh dát bạc. Bốn bên, các ngọn đồi nhuộm chiều vào sắc cỏ úa. Đến với Chư Đăng Ya mùa này, tôi như lạc vào một thế giới của màu sắc trong truyện cổ tích bảng lảng u hoài.
Tháng 5 đã ùa về trong miên man nắng, từng ngày rót những sợi óng vàng lên vùng đất Tây Nguyên. Khi mùa hoa giã biệt, Chư Đăng Ya lại âm thầm chuẩn bị cho mùa vụ mới. Những mầm xanh âm ỉ cựa mình. Để rồi, Chư Đăng Ya dần khoác lên người chiếc áo non xanh như thách thức cái nắng hanh hao. Núi đang âm thầm mong những tháng ngày đằng đẵng trôi qua, chờ dịp hội ngộ cùng mùa dã quỳ.
 KIM NGÂN

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.