Chống rác thải nhựa: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 4 năm triển khai, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh Gia Lai. Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường (BVMT).

Thiết thực, hiệu quả

Tháng 10-2021, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Grăng (huyện Ia Grai) triển khai mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, BVMT” tại làng Ô Rê 1. Theo đó, các hội viên sử dụng gùi truyền thống để đựng thức ăn khi đi chợ; đồng thời, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần, hạn chế sử dụng túi ni lông.

Chị Rơ Mah Tíu-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin: “Trước đây, chị em sử dụng túi ni lông khá phổ biến. Từ khi mô hình được triển khai đã hình thành thói quen tốt trong sinh hoạt của chị em, đặc biệt là việc thường xuyên sử dụng gùi đi chợ”. Còn chị Rơ Mah Pjáy (làng Ô Rê 1) thì chia sẻ: “Hiện nay, hầu hết phụ nữ trong làng đều thích dùng gùi đi chợ vì không chỉ gìn giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc mà còn hạn chế rác thải, góp phần BVMT”.

Hội viên phụ nữ làng Ô rê 1 (xã Grăng) tăng cường sử dụng gùi để hạn chế túi ni lông. Ảnh: Nhật Hào

Hội viên phụ nữ làng Ô rê 1 (xã Grăng) tăng cường sử dụng gùi để hạn chế túi ni lông. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, từ năm 2019 đến nay, Liên Đội Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã duy trì mô hình “Bạn nhỏ hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”. Cô Khương Thị Ngọc Ánh-giáo viên Tổng phụ trách Đội-cho hay: Cứ tới đầu năm học, Liên Đội yêu cầu tất cả học sinh cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi ni lông và hộp nhựa đựng thức ăn khi đến trường; khi gặp rác thải vứt bừa bãi trước và trong sân trường thì nhặt và phân loại, bỏ vào thùng rác.

“Ngoài duy trì mô hình trên, Liên Đội cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa lồng ghép các chuyên đề riêng để nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa như: làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ các rác thải tái chế. Thông qua các hoạt động này, hầu hết học sinh đều có ý thức hạn chế sử dụng đồ dùng làm từ nhựa, biết cách phân loại rác, biết giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, từ đó, các em còn lan tỏa đến gia đình, xây dựng nếp sống xanh-sạch-đẹp”-cô Ánh nói.

Nhân rộng mô hình

Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Ia Grai-cho hay: Từ năm 2020 đến nay, huyện đã chi hơn 16,725 tỷ đồng cho công tác BVMT, trong đó, khoảng 60% kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ công tác phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, xử lý rác thải. Phòng TN-MT phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, các hội, đoàn thể, các xã, thị trấn xây dựng các mô hình chống rác thải nhựa, tổ chức các buổi tập huấn, lồng ghép tuyên truyền về BVMT, chống rác thải nhựa; hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thành 3 loại gồm: rác tái chế, rác hữu cơ và rác không thể tái chế.

“Đến nay, người dân đã dần có ý thức hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần và hình thành dần thói quen phân loại rác thải tại nhà. Huyện cũng đang tập trung đầu tư hạ tầng để thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xây dựng mô hình tái chế rác thải nhựa-Phó Trưởng phòng TN-MT thông tin.

Đề cập đến phong trào “Chống rác thải nhựa”, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho hay: Trong 4 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã treo, phát 4.519 băng rôn, pa nô, áp phích và tờ rơi; tổ chức 866 buổi tuyên truyền về chống rác thải nhựa cho hơn 61.000 lượt cán bộ, hội viên; thành lập 291 mô hình, câu lạc bộ chống rác thải nhựa với 11.548 thành viên; tặng hơn 2.200 túi xách sử dụng nhiều lần, sọt rác và xe chở rác; vận động hội viên đào 7.787 hố xử lý rác, thu gom 1,654 tấn rác thải nhựa còn sử dụng được để bán hoặc làm các sản phẩm hữu ích.

“Ngoài các hoạt động nói trên, các cấp Hội còn huy động cán bộ, hội viên tham gia trồng hàng trăm ngàn cây xanh, hàng trăm “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh”; tuyên truyền thường xuyên nội dung BVMT gắn với chống rác thải nhựa trong các cuộc họp, sinh hoạt Hội. Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tự giác thu gom, phân loại và xử lý rác thải, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp”-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.

Đến nay, 100% đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku đã thực hiện tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, cách phân loại rác tại nguồn; 100% đơn vị tổ chức lễ mít tinh, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải; 100% trường học trang bị thùng đựng rác trong lớp học, ở các dãy hành lang và trong khuôn viên trường để giáo dục học sinh thu gom, phân loại rác.

Ngoài ra, các trường học còn sử dụng các chai lọ bằng nhựa phế thải để thiết kế đồ dùng học tập, trang trí trường, lớp, làm đồ chơi; tăng cường tuyên truyền BVMT, chống rác thải nhựa thông qua việc lồng ghép, tích hợp các kiến thức về môi trường, bảo tồn thiên nhiên vào các tiết học.

Học sinh Trường Tiểu học Anh hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tự thiết kế trang phục làm bằng rác thải nhựa để tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: N.H

Học sinh Trường Tiểu học Anh hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tự thiết kế trang phục làm bằng rác thải nhựa để tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: N.H

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT) cho biết: Sau 4 năm phát động, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang triển khai thực hiện. Hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, bình đựng nước khi hội họp, tiếp khách. Đồng thời, hàng năm, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng tổ chức các đợt tuyên truyền về BVMT; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về chống rác thải nhựa; tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh định kỳ hoặc nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày kỷ niệm về môi trường.

Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một bộ phận người dân vẫn còn thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày; việc phân loại rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp; sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần chưa nhiều. Do đó, thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”; duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; phát hiện và khen thưởng kịp thời gương cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào này.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.