Ayun Pa xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã giải được bài toán ô nhiễm môi trường. Dọc các tuyến đường không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước đây, môi trường sống ngày càng xanh-sạch-đẹp.

Phường Đoàn Kết có 1.973 hộ. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên hầu hết người dân đều có ý thức trong bảo vệ môi trường, tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để thu gom rác thải. Bên cạnh đó, các tuyến đường đều được bê tông hóa đồng bộ cũng tạo thuận lợi cho phương tiện đi thu gom rác. Hiện tỷ lệ tham gia thu gom, xử lý rác thải tại phường đạt 93%.

Toàn phường hiện chỉ có 3 tổ dân phố có đông người dân tộc thiểu số (tổ 8, 9, 10) chưa thực hiện thu gom rác thải mặc dù người dân đã đăng ký tham gia. Nguyên nhân là do các tuyến đường tại các tổ này chỉ rộng 3 m, phương tiện thu gom rác thải chuyên dụng không vào được. Ông Đỗ Minh Sơn-Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết-cho biết: Nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% vào cuối năm nay, phường đang tổ chức rà soát danh sách các hộ dân đăng ký tham gia tại các tổ 8, 9, 10. Trên cơ sở đó, phường sẽ đề nghị với Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã bố trí xe đẩy thu gom rác để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa góp phần bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Xe chuyên dụng của Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã thu gom rác thải do người dân bỏ sẵn trước cửa nhà. Ảnh: Vũ Chi

Xe chuyên dụng của Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã thu gom rác thải do người dân bỏ sẵn trước cửa nhà. Ảnh: Vũ Chi

Cũng theo ông Sơn, vừa qua, tại một số tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ xảy ra tình trạng xả rác trên dải phân cách gây mất mỹ quan đô thị, khiến nhiều người bức xúc. Ngay sau khi nắm tình hình, chính quyền địa phương đã trích xuất camera an ninh hai bên đường để tìm đối tượng vi phạm; gặp mặt, nhắc nhở, vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi cho lực lượng đi thu gom. Nhờ vậy, tình trạng xả rác bừa bãi không còn xảy ra, các tuyến đường đảm bảo tiêu chí xanh-sạch-đẹp.

Bà Phạm Thị Ngân (đường Hồ Xuân Hương, tổ 1, phường Đoàn Kết) chia sẻ: Trước đây, do đường nhỏ, xe chở rác không thể lưu thông nên bà con phải tự xử lý rác thải tại nhà. Vào mùa mưa, rác thường bị ùn ứ do không đốt được. Một số hộ xả rác xuống mương nước dọc tuyến đường dẫn đến rác bị ùn ứ, khi mưa lớn không thoát kịp gây ngập úng cục bộ, rất mất vệ sinh. “2 năm qua, khi tuyến đường được đầu tư mở rộng, 100% hộ dân tự nguyện đóng phí để thu gom rác thải. Đội Công trình đô thị thu gom rác thải 2 lần/tuần với mức phí 15.000 đồng/tháng. Bà con ai cũng phấn khởi”-bà Ngân cho hay.

Trong khi đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ dân tham gia thu gom rác thải tại phường Cheo Reo đạt 83%. Hầu hết hộ dân tại các tuyến đường chính đều đăng ký đóng góp kinh phí để thu gom, xử lý rác thải. Toàn phường chỉ còn một số hộ tại hẻm 97 (buôn Banh) chưa tham gia. Tuy nhiên, với quỹ đất rộng, các hộ xử lý rác bằng cách đào hố chôn lấp tại nhà. Phó Chủ tịch UBND phường Phan Vũ Trung thông tin: Với mức phí thu gom rác thải sinh hoạt 10.000 đồng/hộ tại tuyến đường chưa có tên, 15.000 đồng/hộ tại tuyến đường có tên, 25.000 đồng/hộ kinh doanh nhỏ, 45.000 đồng/hộ kinh doanh vừa và 75.000 đồng/hộ kinh doanh lớn, các gia đình đều có thể tham gia. Các hộ chỉ cần mang rác ra trước cổng hoặc bỏ vào thùng rác chung đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng đúng ngày, đúng giờ là có xe thu gom rác đến chở đi. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cũng triển khai nhiều mô hình như “Biến rác thành tiền”, “Phân loại rác tại hộ gia đình” nhằm giảm bớt áp lực cho công tác thu gom rác thải.

Thùng rác công cộng được đặt tại các tuyến đường hẻm giúp việc thu gom rác thải thuận tiện hơn. Ảnh: Vũ Chi

Thùng rác công cộng được đặt tại các tuyến đường hẻm giúp việc thu gom rác thải thuận tiện hơn. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Nguyễn Sang-Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã, nhờ được tuyên truyền, vận động thường xuyên nên người dân đã nâng cao ý thức trong thu gom, xử lý rác thải. Toàn thị xã hiện có khoảng 5.100 hộ tham gia xã hội hóa thu gom rác thải, chiếm 87% số hộ. Với 3 xe chuyên dụng và 30 nhân công, đơn vị tiến hành thu gom rác tại 4 phường và trên các trục đường chính của 4 xã. Mỗi ngày, lượng rác thu gom trên 30 tấn, tập kết về bãi rác tại xã Ia Sao để xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Sang, một số tuyến đường hẻm tại các phường còn gặp khó khăn trong việc bố trí bãi tập kết rác để xe đẩy vào thu gom. Phương tiện chuyên dụng chở rác xuống cấp trong khi kinh phí thu từ hoạt động thu gom, vận chuyển rác chưa đảm bảo chi. Nhằm nâng tỷ lệ hộ dân tham gia thu gom rác thải lên trên 90% vào năm 2025, Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương vận động các hộ dân còn lại đăng ký tham gia. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần áp dụng chế tài xử lý hộ dân vứt rác bừa bãi để răn đe, tạo thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.