Phụ nữ Phú Thiện xử lý rác thải tại hộ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường cũng như chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nhận thức được điều này, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhân rộng mô hình “Xử lý rác thải hộ gia đình” thu hút nhiều hội viên tham gia.

Hội LHPN xã Ia Hiao phối hợp với Hội Nông dân xã vừa ra mắt mô hình “Xử lý rác thải hộ gia đình” tại buôn Chư Knông với 23 hộ tham gia. Cùng với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vấn nạn rác thải, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã còn trao tặng 10 bể chứa rác thải trị giá 1,4 triệu đồng cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại buôn và hướng dẫn người dân phân loại rác thải ngay tại nguồn.

Theo chị Siu H'Yak-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hiao: Rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình gồm 3 loại: rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và các loại rác khác. Rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, rau củ quả, lá cây… có thể tận dụng làm thức ăn cho cá, gia súc, gia cầm hoặc ủ phân bón cho cây trồng; các loại rác thải vô cơ như chai lọ nhựa, giấy vụn, sắt thép có thể bán phế liệu để tái chế. Riêng các loại rác thải khác như bì ni lông thì nên đốt bỏ. Từ khi có bể chứa rác thải, công việc xử lý rác dễ dàng hơn, đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn, đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

“Từ mô hình điểm tại buôn Chư Knông, thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền nhân rộng tại buôn Ma H’Rai. Với những hộ tự nguyện mua bể chứa rác thải, Hội sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển và hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải ngay tại nhà”-chị HYak thông tin thêm.

Chị Ksor H’Mer (buôn Chư Knông, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) bỏ rác thải vào bể chứa do Hội LHPN xã tặng. Ảnh: V.C

Chị Ksor H’Mer (buôn Chư Knông, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) bỏ rác thải vào bể chứa do Hội LHPN xã tặng. Ảnh: V.C

Là 1 trong 10 hộ được tặng bể chứa rác thải, chị Ksor H’Mer cho hay: “Trước đây, gia đình đào hố sau nhà để bỏ rác nhưng do chưa biết cách phân loại nên rác thải ùn ứ, gây mất vệ sinh, nhất là vào mùa mưa. Khi được Hội LHPN và Hội Nông dân xã hướng dẫn cách phân loại và tặng bể chứa rác thải, tôi thấy rất hữu ích. Các chị còn chỉ cách dùng men vi sinh để ủ phân hữu cơ từ rác thải. Vừa rồi, tôi đã làm thử và đem bón cho vườn rau sau nhà, vừa tiết kiệm được tiền mua phân bón, vừa cải tạo đất và đảm bảo nguồn rau sạch cho gia đình”.

Cũng nhằm mục đích thay đổi nhận thức của hội viên trong bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã Chư A Thai đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ tự phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại các làng: Plei Pông, Plei Trớ và Ia Chă Wâu. Từ 20 bể chứa rác thải ban đầu do Hội LHPN xã tặng hội viên tại Plei Pông, nhiều chị đã tự nguyện mua bể chứa về đặt tại gia đình, nâng tổng số hội viên tham gia mô hình lên 52 thành viên.

Chị Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Vệ sinh môi trường tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã luôn là vấn đề nan giải. Nhiều hộ có thói quen vứt rác bừa bãi, bì bóng, giấy vụn bay khắp nơi gây mất mỹ quan. Từ bất cập đó, Hội LHPN xã đã quyết định trích một phần kinh phí hỗ trợ 20 hộ dân tại Plei Pông mua bể chứa rác thải đặt tại gia đình.

“Bể chứa được làm bằng bê tông để tránh hư hỏng, 1 bể chứa có giá hơn 100.000 đồng nên phù hợp với điều kiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi hướng dẫn chị em phân rác thải thành 3 loại để dễ xử lý. Việc phân loại này giúp quá trình xử lý rác thải được nhanh chóng, dễ dàng; đồng thời, hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân”-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư A Thai nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Kim Cúc-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện-cho biết: Việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Rác thải được phân loại đúng cách vừa góp phần giảm khối lượng rác phải xử lý, vừa tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, vừa có thêm thu nhập. Từ hiệu quả mô hình “Xử lý rác thải hộ gia đình” tại các xã Ia Hiao và Chư A Thai, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội trong huyện nhân rộng mô hình, thông qua đó đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.