Chợ tiền biên giới - Kỳ 1: Đi mua... tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dọc biên giới Việt - Trung có các chợ tiền có thể đổi chác, mua bán như bó rau. Các chủ 'nhà băng' ngồi chơi tú lơ khơ bên hòm tôn đựng đồ rẻ bèo của công nhân, nhưng khách muốn 1 triệu đồng hay hàng tỉ đồng họ cũng đáp ứng.
Giao dịch chủ yếu ở chợ đổi tiền Móng Cái là tiền Việt và nhân dân tệ - Ảnh: VŨ TUẤN
Sau vài câu tiếng Trung, người phụ nữ quay lại thông báo 10 phút nữa 'đầu kia' (mối hàng Trung Quốc) nhận đủ tiền. Mọi giao dịch chỉ trong vài phút, không cần bất cứ giấy tờ, thủ tục gì.

Ở chợ tiền Móng Cái, muốn đổi tiền gì cũng có và không giới hạn số lượng. Từ đồng phổ biến ở vùng biên mậu này là nhân dân tệ cho đến đôla Mỹ, đồng euro hoặc những ngoại tệ khác.

HOÀNG A LONG

Bán tiền như rau
Hoàng A Long - người Hoa, gốc Quảng Tây, định cư từ nhỏ ở Móng Cái (Quảng Ninh) - tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi đi tìm mối hàng ở Đông Hưng (Trung Quốc).
Trước khi dẫn tôi làm thủ tục xuất cảnh sang thành phố Đông Hưng, A Long bảo tôi phải đi mua ít... tiền để tiêu và tìm mối đổi tiền để thanh toán nếu lấy hàng.
Chỗ "mua" tiền, nói đúng hơn là nơi thu đổi ngoại tệ, theo A Long thì ở Móng Cái gần như chỗ nào cũng có.
Từ cổng bến xe, quán nước, tiệm cắt tóc, ăn sáng... đến cả một khu chợ hơn trăm hộ kinh doanh tiền được cấp phép. Khách đổi ít thì ở quán ngay ven đường, còn muốn đổi lượng tiền lớn, uy tín thì vào chợ.
Gần 9h sáng chợ tiền mới mở cửa. Chủ "nhà băng" ở đây 100% là phụ nữ. Mỗi "nhà băng" có một khoảnh bằng vuông chiếu với một chiếc hòm tôn, một chiếc máy đếm tiền, một chiếc máy tính xách tay và vài chiếc điện thoại.
Một phụ nữ luống tuổi giở bộ tú lơ khơ ra để... bói. Bên cạnh, những cọc tiền nhân dân tệ xếp một đống.
Thấy khách, chị Hạnh (đã đổi tên) - một chủ còn rất trẻ - ngước lên hỏi: "Anh muốn đổi đô Mỹ hay tệ Trung?". Tôi đổi 2 triệu đồng lấy tiền tệ của Trung Quốc.
Người phụ nữ liếc nhìn đồng hồ, rồi nhanh tay lôi máy tính ra bấm. "Giờ là 9h30, tỉ giá lúc này vẫn như hôm qua anh nhé. 1 tệ ăn 3.228 đồng tiền Việt. Đến 11h mới có thông báo tỉ giá mới hôm nay".
Bà chủ trẻ mở chiếc hòm tôn, bên trong xếp hơn chục cọc tiền các loại. Nhiều nhất là đồng CNY, còn lại có một ít USD, EUR và tiền Việt nhiều mệnh giá.
Qua vài lời đưa đẩy, Hạnh giới thiệu tiền mặt để ở chợ của chị chỉ là "hàng trưng bày" thôi. Việc đổi một vài triệu hay một vài vạn tiền Trung đối với các hộ kinh doanh ở đây chỉ là "kiếm thêm mớ rau". Thu nhập chính là đổi hàng tỉ đồng cho khách.
Hạnh vào nghề được hơn 5 năm, trước đây việc này do mẹ chị làm. Cách đây hơn chục năm, khi người đi "đánh hàng" bên Trung Quốc chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, gia đình chị vừa làm dịch vụ đổi tiền vừa phải tìm người để chuyển cả bao tải tiền theo khách sang bên kia biên giới lấy hàng.
Ngày ấy, vì còn vướng nhiều quy định giữa hai bên, các chủ hàng và người đi buôn phải chi khá nhiều tiền cho dân chuyển tiền mặt qua đường "không chính ngạch".
Vài năm trước, khi chính quyền hai bên có các quy định cởi mở hơn thì đồng tiền giao thương ở biên giới cũng thuận lợi.
Mọi giao dịch giờ đây chủ yếu thông qua tài khoản ngân hàng. Ai làm nghề buôn tiền ở biên mậu cũng có tài khoản bên Trung Quốc. Nhẩm sơ, chị Hạnh cũng có 4 tài khoản ở 4 ngân hàng bên Đông Hưng.
Két “nhà băng” của các bà chủ sạp tiền - Ảnh: VŨ TUẤN
Uy tín các chủ "nhà băng"
Chúng tôi ghé qua quán nước bên đường Hữu Nghị, ngay cạnh cửa khẩu Bắc Luân, bà chủ quán vừa bán nước chè, đồ ăn vặt, kiêm chủ "nhà băng".
Theo bà chủ này, bà ít vốn mà cũng không có thời gian và "đẳng cấp" để làm nghề đổi tiền trong chợ. Góc quán nhỏ bà chỉ đổi vài đồng lẻ cho khách du lịch, xe ôm hoặc những bà đi "xách hàng" cho khách qua biên giới.
"Chẳng có bao nhiêu đâu, người đổi nhiều thì mấy triệu đồng, còn không thì mấy ông xe ôm, taxi chỉ có vài trăm nghìn đồng" - bà bán nước nói.
Người trong chợ là "tay to", mỗi lần họ chuyển mấy vạn hoặc cả trăm vạn tệ. Lãi ít nhưng vì số tiền lớn hoặc số lần chuyển trong ngày nhiều nên "công" của họ rất cao.
Theo giá chung, chuyển 10.000 tệ (hơn 30 triệu đồng), người chuyển tiền chỉ được nhận 30.000 đồng. Nhưng mỗi ngày họ chuyển đến cả trăm vạn tệ nên "ngày công" cũng có tiền triệu hay đậm hơn nữa.
Chúng tôi thử ngỏ ý muốn sang Trung Quốc "đánh hàng", bà chủ quán giới thiệu cho đầu mối khác là "tay to" trong chợ đổi tiền. Bà chủ sạp tiền này nói ngay chỉ cần cho số tài khoản "đầu bên kia", không cần bất cứ giấy tờ gì khác.
"Anh chuyển tiền vào tài khoản Việt của em, bên em sẽ chuyển tiền Trung vào tài khoản của "đầu kia" cho anh. Có ngày em chuyển cả trăm vạn tệ. Hàng của anh có vài vạn thì đơn giản".
Theo quy định, người đi du lịch, chữa bệnh, thăm thân... không được mang quá 2 vạn tệ qua biên giới (hơn 60 triệu đồng). Chuyển tiền cũng không được quá 4 vạn tệ. Nếu số tiền lớn hơn, người chuyển phải khai báo với hải quan về số tiền và mục đích.
Khi chúng tôi có ý định ra ngân hàng chuyển tiền, Hoàng A Long nói ngay: "Mất thời gian, nhiều thủ tục! Các anh yên tâm, ở chợ này mấy chục năm chưa hề có vụ nào chuyển tiền thiếu, mất tiền hay tiền giả... Kể cả bị "bùng" hàng, chủ sạp tiền cũng chịu cho các anh. Khách quen như bọn em người ta còn ứng tiền trước, chuyển cho "đầu kia" mấy vạn, không lãi lời gì".
Nhiều người nói cứ nhìn chợ tiền Móng Cái thì biết "sức khỏe" giao thương vùng biên. Khi nào các chủ sạp tiền ngừng bấm điện thoại, khi đó chẳng có ai buôn bán. Còn các bà đổi tiền cứ luôn tay nhắn tin, gõ máy tính, gọi điện... là giao thương đang sôi động.
"Trọng tài vùng biên"
Anh cán bộ ở Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh kể các bà chủ đổi tiền ở Móng Cái không làm nghề cho vay lãi như một số người lầm tưởng. Ngoài tiền hưởng chênh lệch khoảng 0,1% tổng số tiền chuyển, họ còn là "trọng tài" cho các giao dịch kinh tế.
"Nếu anh muốn lấy một lô hàng, anh phải có một bên thứ ba đứng ra đảm bảo" - anh cán bộ khẳng định.
Bên thứ ba mà anh cán bộ nói không phải là ngân hàng hay tổ chức pháp nhân nào đó giữa VN hoặc Trung Quốc mà chính là những người làm nghề đổi tiền. Quan hệ làm ăn của dân buôn bán vùng biên là vậy.
"Khi có tiền chuyển vào tài khoản của bên thứ 3 thì bên bán hàng sẽ gửi hàng. Ngược lại, khi nhận được hàng đúng chủng loại, số lượng, chất lượng như cam kết, khách hàng không phải trả lại, thì bên thứ 3 mới chuyển tiền cho bên bán. Nếu không, tiền sẽ được chuyển trả lại bên mua".
Thứ duy nhất đảm bảo cho họ là uy tín. Họ có uy tín với cả người mua hàng lẫn người bán hàng. Thực tế thì giữa hai bên Móng Cái và Đông Hưng có 2 chợ đổi tiền hoạt động song song. Phần lớn người làm nghề đổi tiền bên này và bên kia hợp tác với nhau. Tất cả dựa vào uy tín.
Mỗi ngày họ làm vài chục lệnh chuyển tiền, tức có vài chục giao thương thành công. "Trong thời gian tôi công tác ở Móng Cái, có hộ kinh doanh ở chợ tiền một ngày chuyển đến hàng tỉ đồng. Cũng có những trường hợp bị mất cả tỉ đồng, nhưng họ coi đấy là rủi ro kinh doanh và chấp nhận" - anh cán bộ kể.
Và phía sau đó còn bao nhiêu góc khuất chìm, nổi...
Mất tiền như bị ... cảm nhẹ

Một số người làm ăn lâu năm ở Móng Cái cho rằng các bà chủ sạp tiền luôn có "tay trong, tay ngoài" là các đối tượng "xã hội". Người Móng Cái chưa bao giờ thấy ở khu chợ này có vụ nào lộn xộn, cũng không thấy các bà chủ thuê người đi đòi nợ bao giờ. Có người cũng mất tiền tỉ vì đối tác "bùng" mất nhưng họ vẫn hành nghề, như chỉ bị... cảm nhẹ!

Vũ Tuấn (TTO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.